(HNMO) - Lúc 9h30 sáng nay (22-6), sau 120 phút hoàn thành bài thi Ngữ văn - môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, nhiều thí sinh đánh giá đề thi vừa sức.
| ||
Theo ghi nhận của nhóm PV HNMO tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, sau 9h, kết thúc 2/3 thời gian làm bài thi, lác đác thí sinh đã ra khỏi phòng thi. Những thí sinh này lưu lại bên trong điểm thi cho đến hết thời gian làm bài mới ra khỏi trường.
Là một trong những thí sinh ra khỏi điểm thi đầu tiên, Bùi Linh Đan rất tự tin cho biết, đề thi Ngữ văn còn dễ hơn cả những bài kiểm tra định kỳ em đã làm trước đó. Có lẽ được thi tại chính trường mình học đã giúp nữ sinh này thêm phần tự tin.
Thí sinh Bùi Linh Đan khá tự tin vì đề thi vừa sức. |
"6 câu hỏi của đề thi hoàn toàn vừa sức với các thí sinh, cả về thời gian lẫn độ dễ - khó. Nội dung câu hỏi dàn đều, không có câu nào quá khó cũng như quá dễ. Chỉ cần bám sát đề cương ôn tập là thí sinh có thể hoàn thành tốt bài thi", Linh Đan nói.
Hai thí sinh Dương Thị Thu Hiền (THPT Đông Đô) và Mai Quang Duy (THPT Tây Hồ) cùng thở phào nhẹ nhõm khi vượt qua môn thi đầu tiên.
"Trước khi thi môn Ngữ văn khiến em rất lo lắng. Tối qua thậm chí em còn cố thức đến tận khuya để ôn thêm bài. Sáng nay, ngay khi đọc lướt một lượt đề thi, em đã oà lên sung sướng vì các câu hỏi vừa sức, dễ làm, không đánh đố", Thu Hiền nói.
Thí sinh Mai Quang Duy thở phào nhẹ nhõm khi đề thi bám sát đề cương ôn tập. |
Không chỉ nhận xét câu hỏi về tác phẩm "Đất nước" (tác giả Nguyễn Khoa Điềm) trong đề thi là khá dễ, thí sinh Công Thị Thu Hoà (THPT Phan Chu Trinh) còn háo hức với câu hỏi nghị luận về lòng trắc ẩn và sự thấu cảm.
Theo thí sinh này, đây là câu hỏi rất hay và thú vị. Chỉ cần đọc thật kỹ phần đoạn trích, vận dụng các kiến thức xã hội đã tích luỹ của bản thân là có thể hoàn thành tốt 4 câu hỏi đầu tiên của đề thi. Với 2 tờ giấy thi viết kín 8 mặt, Thu Hoà tự tin "chấm" cho mình điểm từ 7 đến 8 ở môn thi này.
Tuy nhiên, có lẽ không phải thí sinh nào cũng tích luỹ đủ kiến thức xã hội để vận dụng tốt khi làm các câu hỏi nghị luận.
Các thí sinh tại điểm thi THPT Chu Văn An. |
Thí sinh Phạm Văn Thường (THPT Tây Hồ) chia sẻ, dù đề thi khá sát với đề cương đã ôn trước đó nhưng câu nghị luận xã hội lại khiến em lúng túng, mất nhiều thời gian để trả lời cho đủ. Do đó, Thường không mấy tự tin với phần bài làm ở những câu hỏi đầu tiên của mình.
Tương tự, thí sinh Nguyễn Thị Thu Hiền (THPT Chu Văn An) cũng gặp nhiều khó khăn khi trình bày suy nghĩ, hiểu biết và vốn sống của mình về sự thấu cảm và lòng trắc ẩn.
Nhận xét về đề Ngữ văn, TS. Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên ngữ văn Trường THPT Chu Văn An – Hà Nội cho biết, năm 2017, đề thi có sự thay đổi lớn về cấu trúc, nội dung đến thời gian thi.
Đề thi không còn là một bài thi Ngữ văn thông thường với thời gian làm bài 180 phút mà rút gọn còn 120 phút với hai phần là đọc hiểu và làm văn. Từng phần của đề thi cũng có sự điều chỉnh để phù hợp với thời gian làm bài. Phần đọc hiểu không còn tám câu hỏi nhỏ chia đều cho hai ngữ liệu mà chỉ gồm 1 ngữ liệu đi kèm 4 câu hỏi nhỏ với các cấp độ nhận thức - nhận biết – thông hiểu – vận dụng khác nhau. Do đó, câu 1 của đề thi chỉ dừng lại ở việc kiểm tra học sinh ở mức độ nhận biết – nhớ kiến thức tiếng Việt với câu hỏi cụ thể về phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. Học sinh sẽ hoàn thành yêu cầu của đề thi dễ dàng.
Riêng câu 2 với yêu cầu giải thích khái niệm "thấu cảm", dường như đề đã chạm tới mức độ thông hiểu theo tiêu chí thông thường của các câu hỏi đọc hiểu. Tuy nhiên, với câu hỏi này, học sinh chỉ cần chép lại những ý cơ bản trong phần một của đoạn trích và gần như không cần sự sáng tạo. Đó là nguyên nhân khiến tiêu chí về sự thông hiểu bị hạn chế.
Mức độ suy luận của thí sinh ở câu 3 không cần huy động nhiều hơn so với câu 2 bởi để nhận xét về “hành vi của đứa trẻ ba tuổi, cô gái có bạn bị ốm, cậu bé Bồ Đào Nha được nhắc đến trong đoạn trích”, thí sinh chỉ cần quay trở lại câu mở đoạn “Thấu cảm xảy ra trong từng khoảnh khắc của cuộc sống” và chỉ cần thêm bớt một vài ý kiến cá nhân trên cơ sở nhận định của câu mở đoạn.
Kiểm tra lại kiến thức ngay khi vừa rời phòng thi. |
Trong đề Văn, câu hỏi duy nhất thí sinh phải tư duy, trải nghiệm, suy ngẫm và “thấu cảm” chính là câu 4. Đây là câu hỏi có thể đạt tới mục đích của vận dụng cao theo tiêu chí của bài đọc hiểu.
"Tuy nhiên, tần suất tư duy cho một phần đọc hiểu như vậy là hơi “khiêm tốn” trong một đề thi quốc gia", TS Trịnh Thu Tuyết nhận xét.
TS Trịnh Thu Tuyết cũng cho rằng, đề bài về sự “thấu cảm” vừa là vấn đề muôn thủa trong cuộc sống nhân sinh, thế sự, vừa là điều có thể chạm tới phần nào thực tế bức bối của cách sống vô cảm khá phổ biến hiện nay. Trong khá nhiều vấn đề của cuộc sống thời hiện tại, có lẽ sự “thấu cảm” cũng là điều nên nói.
Điều đáng ghi nhận ở câu nghị luận văn học chính là việc lựa chọn đoạn thơ cảm nhận trong 1 đoạn trích dài 90 câu. Đoạn thơ đã giúp người đọc có những cảm nhận khá đầy đủ về đất nước: Đất nước được đặt trong chiều dài “đằng đẵng” của thời gian lịch sử, được đặt trong chiều rộng “mênh mông” của không gian địa lí, trong chiều sâu, bề dày của văn hóa, phong tục… Từ 3 bình diện ấy, đất nước đem đến những cảm nhận vừa bình dị, gần gũi với cuộc sống nhân dân, vừa thiêng liêng, cao cả, hướng tới những khái niệm về cội nguồn, về nhân dân, đất nước. Sau những cảm nhận bình dị và thiêng liêng ấy, đoạn thơ cũng đã đề cập đến trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với đất nước và toàn bộ đoạn thơ 20 câu đã hướng tới thể hiện tư tưởng chủ đạo của đoạn trích – tư tưởng “đất nước của nhân dân”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.