(HNM) - Từ sự kiện ách tắc hàng hóa gây thiệt hại cho doanh nghiệp ở cảng Cát Lái thời gian gần đây đã lộ ra nhiều bất cập trong hệ thống cảng biển hiện nay. Với tâm huyết và kinh nghiệm, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp có tính khả thi cao.
Giá "sàn" cho các cảng
Sau khi Báo Hànộimới cùng nhiều cơ quan ngôn luận lên tiếng về giải pháp bất hợp lý của cơ quan chức năng cảng Cát Lái tăng phí để giảm ùn tắc hàng hóa, mới đây, đơn vị này đã giảm các loại phí nâng hạ và giao nhận container cho khách hàng. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (đơn vị quản lý cảng Cát Lái) Ngô Minh Thuấn cho biết, bắt đầu từ ngày 6-8, cảng Cát Lái áp dụng trở lại phí nâng container theo giá cũ. Việc nâng giá container giao cho doanh nghiệp nếu lấy container muộn (từ ngày thứ 7 trở đi) sẽ bị hủy bỏ.
Nhiều giải pháp để các cảng "chia lửa" vẫn đang chờ quyết định của các cơ quan quản lý. |
Ông Ngô Trọng Phàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết thêm, cảng Cát Lái còn miễn 100% phí nâng container giao cho khách hàng mức 1 (giao nhận hàng nhanh trong vòng 3-5 ngày). Thậm chí, cảng sẵn sàng miễn phí giao hàng cho khách nếu bị ùn ứ. Còn về hãng tàu, cảng miễn phí toàn bộ chi phí phát sinh cũng như khách hàng có những chuyến giảm tải từ cảng Cát Lái sang khu vực cảng Cái Mép. Ở chiều ngược lại, tại Tân Cảng quốc tế Cái Mép (TCIT), cảng đã miễn phí nâng container hàng nhập khi khách hàng lấy trực tiếp tại cảng.
Thế nhưng, theo một doanh nghiệp xuất nhập khẩu điều thô thuộc Khu công nghiệp Tân Bình thì giải pháp của Tân Cảng Sài Gòn cũng chỉ là tình thế. Bởi mới chỉ áp dụng cho cảng Cát Lái, còn các cụm cảng khác thì sao? Về vấn đề này, ông Ngô Minh Thuấn cho rằng, ngành chức năng cần nhanh chóng ban hành giá sàn dịch vụ cảng biển cho các cảng khu vực TP Hồ Chí Minh.
Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam Hồ Kim Lân: Sớm có mô hình "Chính quyền cảng" Cần có cơ chế quản lý theo mô hình "Chính quyền cảng" sẽ giúp chính quyền địa phương điều phối một cách hiệu quả hoạt động cảng biển. Điểm yếu của hệ thống cảng biển Việt Nam hiện nay là quy hoạch không đồng bộ, manh mún, gây lãng phí nhiều mặt. Để xóa bỏ thực trạng này, tiến tới điều phối một cách hiệu quả đồng bộ các dự án cơ sở hạ tầng cảng biển và mạng lưới kết nối với cảng, rất cần vai trò điều tiết của Nhà nước, và mô hình trên mới có đủ tư cách và thẩm quyền giải quyết những bất cập trong phát triển cảng biển hiện nay. |
Cần giải pháp tổng thể
Với doanh nghiệp trong nước chịu sự chi phối quản lý của cơ quan chức năng, việc cảng Cát Lái buộc phải giảm phí là điều dễ hiểu. Nhưng với doanh nghiệp nước ngoài thì sao? Theo ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Long Sơn (doanh nghiệp XNK tại TP Hồ Chí Minh), cũng từ chuyện cảng Cát Lái tăng phí, các chủ tàu thuộc hãng tàu nước ngoài còn tăng các loại phụ phí một cách vô tội vạ theo kiểu "không cần giải thích". Theo ông Sơn, chỉ cần một hãng tàu tăng phí là các hãng khác đồng loạt tăng và nếu không đóng phí thì sẽ không thể bốc dỡ hay vận chuyển container nên doanh nghiệp đành "ngậm bồ hòn làm ngọt".
Đề cập đến vấn đề trên, các doanh nghiệp cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách cấm các hãng tàu nước ngoài thu phí các loại phụ phí trên. Thay vào đó, tất cả cần phải được chuyển vào giá cước chung. Theo ông Nguyễn Hữu Nghiêm, Giám đốc Công ty TNHH Hào Thành, hệ thống các cảng biển và các chủ tàu cần liên kết và phối hợp chặt chẽ trong việc định một khung giá chung trong các loại phí, nếu cứ "mạnh ai nấy làm" thì còn nhiều khoản phí và phụ phí không rõ ràng, việc tăng phí không kiểm soát vẫn diễn ra.
Liên quan đến việc có cảng thì ùn ứ hàng hóa, có cảng dù đầu tư hàng tỷ đồng nhưng vẫn ế, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Cụ thể, đại diện cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cơ quan chức năng cho phép nhận trả container rỗng khu vực Cái Mép - Thị Vải. Nhiều doanh nghiệp khác cho rằng, bên cạnh giải pháp trên, để thúc đẩy hoạt động cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng cần hỗ trợ phí xếp dỡ, giao nhận hàng cho các doanh nghiệp; cung cấp các dịch vụ logistic trọn gói cho khách hàng với số lượng lớn mới kéo doanh nghiệp chủ hàng về đây. Đặc biệt, cần quy hoạch nhanh chóng, thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp gắn liền với cảng để thu hút hàng hóa về cảng Cái Mép - Thị Vải. Đây được xem là giải pháp lớn, vĩ mô và căn cơ, nên áp dụng với nhiều cảng đang vắng khách ở TP Hồ Chí Minh như Hiệp Phước, Phú Hữu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.