Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lợi ích từ phát triển nông nghiệp xanh

Bắc Vũ| 23/03/2023 06:02

(HNM) - Phát triển xanh đang là xu hướng ở mọi lĩnh vực và nông nghiệp không phải ngoại lệ. Hiện thực hóa nhiệm vụ quan trọng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã, đang triển khai Kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu bao trùm hướng đến là: Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn.

Thực tế trong nhiều năm qua, nông nghiệp Việt Nam liên tục tăng trưởng, phát triển toàn diện và đạt được những thành tựu to lớn. Sản lượng lương thực, thực phẩm tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, bảo đảm nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, như: Diện tích đất sản xuất bị thu hẹp; nhu cầu lương thực tăng do dân số tăng; yêu cầu phát triển bền vững chưa được quan tâm đúng mức; giải quyết chưa triệt để lượng tồn dư hóa chất trong thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học; tổn thất sau thu hoạch còn cao… Thực trạng này gây ra nhiều rủi ro cho môi trường và nguy hại hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, bao gồm cả người sản xuất và người tiêu dùng.

Những vấn đề nêu trên cũng chính là những việc trọng tâm mà phát triển xanh và bền vững trên lĩnh vực nông nghiệp cần phải giải quyết trong thời gian tới.

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp xanh. Về tổng thể, phát triển nông nghiệp xanh mà nước ta đang hướng đến là tiếp tục duy trì tăng trưởng bền vững ngành Nông nghiệp; nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất nước, bảo tồn đa dạng sinh học; giảm thâm dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp và tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp; áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; gia tăng sản xuất hữu cơ và mở rộng quy mô áp dụng các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt… Đặc biệt, sẽ tập trung xây dựng nông thôn mới bảo đảm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; hình thành lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, bảo vệ và phát triển cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp văn minh.

Nội hàm phát triển xanh trong nông nghiệp bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy vậy, với những lợi ích mang lại, rõ ràng phát triển nông nghiệp xanh phải có góc độ tiếp cận từ người nông dân, các tổ chức hợp tác, hợp tác xã và cộng đồng dân cư, từ đó mới nhân ra cấp vùng và đến cấp độ quốc gia. Nói cách khác, phải thay đổi nhận thức của người sản xuất, xác định đó mới là cách tạo nền tảng vững chắc cho phát triển xanh. Có thể nêu ví dụ cụ thể, để tăng sản xuất hữu cơ, chúng ta phải giảm tỷ lệ người dân sử dụng và giảm vật tư đầu vào có nguồn gốc hóa chất như phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật… trong sản xuất nông nghiệp.

Thêm một vấn đề quan trọng cần quan tâm là phải đầu tư vào nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số. Bởi vì, các thành tựu khoa học, công nghệ là tiền đề của tăng trưởng xanh, có giá trị bền vững, được ứng dụng lâu dài và mang lại giá trị gia tăng lớn trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó là tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái; đẩy mạnh hợp tác quốc tế…

Lợi ích của phát triển nông nghiệp xanh chính là hài hòa các mục tiêu tăng trưởng bền vững, đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, có trách nhiệm và hơn thế là bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi ích từ phát triển nông nghiệp xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.