(HNM) - Đã gần 2 tháng trôi qua kể từ khi chiếc xe khách giường nằm của nhà xe Sao Việt rơi xuống vực sâu 200m trên quốc lộ 4D (đoạn đường từ khu nghỉ mát Sa Pa về TP Lào Cai) ngày 1-9-2014.
Sau thời điểm đó, Bộ GTVT đã có chủ trương siết chặt quản lý loại phương tiện này, thậm chí đề xuất cấm xe khách giường nằm hoạt động trên các tuyến đường đồi núi, đèo dốc. Và một số cuộc hội thảo, tọa đàm đã được tổ chức nhằm làm rõ một số khía cạnh xoay quanh chủ đề này. Đó là việc làm cần thiết để giúp cho cơ quan chức năng đưa ra những quyết sách phù hợp. Tuy nhiên, điều mà dư luận lo ngại là tính khách quan của các ý kiến đóng góp...
Thiếu những phản biện cần thiết
Trung tuần tháng 9-2014, một tờ báo đứng ra tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Lộ trình nào an toàn cho xe khách giường nằm (XKGN)?" nhằm làm rõ các góc độ như: XKGN có an toàn hay không? Đường nào cấm XKGN sẽ hạn chế tai nạn? Lái xe, doanh nghiệp… tác động thế nào đến sự an nguy của hành khách? Tính chất chuyên sâu của buổi tọa đàm này thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Người ta hy vọng, những ý kiến nhiều chiều của đại diện cơ quan chức năng, doanh nghiệp vận tải, nhà sản xuất, giới chuyên gia... sẽ giúp cho xã hội có sự đánh giá đầy đủ, toàn diện đối với những vấn đề trên.
Xe khách giường nằm Thành Bưởi tuyến TP.HCM - Đà Lạt - Ảnh: Quang Định |
Tuy nhiên, thực tế khách mời của buổi tọa đàm này chưa đáp ứng được sự mong mỏi của dư luận khi chưa đủ "sức nặng" đại diện cho từng giới hoặc từng nhóm lợi ích có liên quan trực tiếp tới hoạt động của XKGN. Cụ thể, một đại diện duy nhất cho giới nghiên cứu về hoạt động vận tải hành khách hiện tại lại đang tham gia làm cố vấn về kỹ thuật và đào tạo cho một doanh nghiệp cổ phần lắp ráp ô tô trong đó có XKGN. Và chính doanh nghiệp này cũng thuộc thành phần khách mời tham gia hội thảo. Do đó, dư luận có quyền đặt ra câu hỏi, ý kiến của những vị khách mời này đưa ra có là khách quan không bởi nếu thực hiện việc cấm XKGN thì quyết định đó sẽ trực tiếp tác động tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp như vậy.
Bên cạnh đó, cần lưu ý, trước khi buổi tọa đàm này tổ chức đã có một số doanh nghiệp vận tải lên tiếng thể hiện quan điểm đối với đề xuất của Bộ GTVT trong việc cấm XKGN hoạt động trên đường đồi núi, đèo dốc. Công ty Xe khách Phương Trang - FUTA Buslines một trong những doanh nghiệp đứng đầu về số lượng và chất lượng vận tải hành khách liên tỉnh ở Việt Nam, hiện nay đang quản lý hơn 300 XKGN. Chắc chắn chủ trương cấm XKGN lưu thông đường nhiều đèo núi và hướng đến cấm hẳn sẽ gây khó khăn cho Phương Trang, vì 2 năm qua doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm XKGN đời 2013-2014. Tuy nhiên ông Nguyễn Hữu Luận - Chủ tịch HĐQT Công ty Xe khách Phương Trang thẳng thắn nêu ý kiến: "Với kinh nghiệm đã từng có thời gian dài mua bán xe buýt đã qua sử dụng hơn 15 năm và với tư cách là chủ tịch một công ty xe khách hàng đầu hiện nay, tôi cho rằng chủ trương của Bộ GTVT cấm XKGN là hoàn toàn đúng đắn. Trước mắt cần phải cấm XKGN lưu thông ở các vùng có nhiều đèo núi và tiến tới cấm lưu thông hẳn loại phương tiện này như nhiều nước hiện nay đang áp dụng". Ông Nguyễn Hữu Luận cũng cho biết thêm, qua tham khảo ý kiến đánh giá của các chuyên viên, kỹ sư, kỹ thuật viên, khi chở người, hàng hóa, loại xe giường nằm có kết cấu hai tầng không thể có độ an toàn như các loại xe bố trí ghế một tầng. Nói chính xác là xe giường nằm không thể an toàn bằng xe ghế ngồi.
Cùng quan điểm trên, trao đổi với báo chí, ông Hồ Huy - Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh cũng ủng hộ chủ trương của Bộ GTVT và cho rằng việc cấm XKGN chạy các đường đèo dốc là đúng đắn. Theo cung cấp của ông Hồ Huy, Tập đoàn Mai Linh hiện có gần 100 XKGN hoạt động trên nhiều tuyến đường và tới đây sẽ được điều chuyển sang hoạt động ở khu vực an toàn hơn. Đúng là doanh nghiệp có quyền kinh doanh, nhưng không được xem nhẹ tính mạng và sự an toàn của hành khách. Tương tự, ngay sau khi vụ TNGT thảm khốc xảy ra ở Lào Cai, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội Bùi Danh Liên đã gửi kiến nghị tới Bộ GTVT về việc tạm ngừng sản xuất XKGN 2 tầng cho đến khi có quy chuẩn về an toàn phương tiện.
Thật đáng tiếc, những đại diện cho quan điểm nêu trên đã không có mặt trong buổi tọa đàm. Với thành phần tham dự như vậy thật khó bảo đảm cho một cuộc thảo luận đa chiều để đi đến các kết quả khách quan, chính xác. Do đó không có gì là lạ khi hầu hết các ý kiến đưa ra tại buổi tọa đàm này đều phản đối việc cấm XKGN, thậm chí có doanh nghiệp còn tranh thủ "diễn đàn" này để thuyết trình về sự an toàn của XKGN...
Mục tiêu phải là sự an toàn
Thực tế cho thấy, hiện nhu cầu của xã hội về vận chuyển bằng XKGN là có thật. Tuy nhiên, đó không phải là căn cứ để đưa ra quyết định cấm hay không cấm hoạt động của XKGN, đặc biệt là trên các địa bàn đồi núi, đèo dốc bởi số đông hành khách không thể có hiểu biết về chuyên môn kỹ thuật. Lòng tin của hành khách khi sử dụng loại phương tiện này được đặt vào các cơ quan chức năng được giao trách nhiệm quản lý nhà nước, khi cho phép loại phương tiện này hoạt động có nghĩa là độ an toàn đã được tính toán và kiểm định. Mặt khác, cơ quan chức năng khi quyết định tiêu chuẩn kỹ thuật phải dựa trên nghiên cứu khoa học và kiểm chứng thực tế chứ không thể vì hành khách thích hay không.
Về vấn đề trên, Bộ trưởng GTVT Ðinh La Thăng nhấn mạnh, chưa đầy hai năm mà xảy ra tới 22 vụ TNGT liên quan XKGN là khó chấp nhận. Do vậy, cần phải xác định rõ có nguyên nhân kỹ thuật thuộc về cấu tạo xe hay do hạ tầng; cấu tạo xe chỉ có thể đi những tuyến đường nào, đạt tiêu chuẩn nào cũng phải làm rõ... Còn theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng, Bộ GTVT luôn ủng hộ những doanh nghiệp kinh doanh vận tải chân chính, cung cấp dịch vụ chất lượng cao, tiện nghi cho hành khách, nhưng yêu cầu cao nhất là phải bảo đảm an toàn cho người dân. Vấn đề ATGT không thể thay thế bằng bất kỳ mục tiêu nào khác. Vì thế, việc siết chặt quản lý các phương tiện xe khách, đặc biệt đối với XKGN phải được thực hiện ngay.
Trước thời điểm vụ TNGT thảm khốc xảy ra ở Lào Cai, tháng 5-2014, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có báo cáo về công tác cải tạo xe cơ giới theo Thông tư 29/2012/TT-BGTVT trong đó có phần nhận định như sau: "Việc cải tạo ô tô khách thông thường thành ô tô khách giường nằm hai tầng đã góp phần tăng tiện ích cho người dân khi sử dụng phương tiện vận tải khách. Tuy nhiên hiện nay, trong điều kiện đường giao thông còn xấu, có nhiều cua gấp, đèo dốc, đồng thời ý thức, kỹ năng của nhiều lái xe còn kém nên đã xảy ra nhiều tai nạn đối với loại xe này". Và không chỉ có vậy, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) thừa nhận: "Độ ổn định của xe khách giường nằm nhỏ hơn xe ngồi, mất ổn định động cơ cao hơn. Trong lòng xe khách bố trí giường, có nhiều kiểu loại, nếu sự cố tai nạn xảy ra mà không bảo đảm điều kiện an toàn cũng tăng thương vong, bị lăn, va đập cho hành khách…". Còn như đánh giá của một số chuyên gia, XKGN có chiều cao lớn (trọng tâm XKGN cao hơn xe ghế ngồi cùng chủng loại), hệ số ổn định thấp, dễ lật, hơn nữa khả năng lèn khách nhiều hơn và nguy hiểm hơn xe ghế ngồi. Vì thế, nên có quy định tuyến đường riêng, không nên cho XKGN chạy trên đường miền núi có độ dốc lớn hơn 10% hoặc bán kính cong dưới 6m....
Viện dẫn sơ bộ như vậy để thấy, rõ ràng tiêu chuẩn kỹ thuật của XKGN là "có vấn đề", đặc biệt là không phù hợp với các địa bàn đồi núi, đèo dốc. Theo các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này, ở Châu Âu, XKGN chất lượng rất cao, số chỗ nằm ít, kết cấu giường nhẹ, an toàn, có tác dụng hỗ trợ thương vong nếu xảy ra sự cố. Song dù vậy nhưng tại Anh, XKGN cũng không được hoạt động ở địa hình đèo núi. Các nước láng giềng và cùng khu vực với Việt Nam cũng đã siết chặt hoạt động của XKGN từ sớm. Cụ thể tại Trung Quốc, từ năm 2012, XKGN chẳng những không được hoạt động tại các địa bàn đèo núi mà chính quyền nước này cũng bắt đầu cấm sản xuất, bán và cấp phép mới cho XKGN để tiến tới xóa bỏ loại xe này trong 5-6 năm tới. Thực tế hiện nay, XKGN loại đóng mới tại Trung Quốc và Việt Nam có thiết kế gần như giống nhau về kích thước, cùng có trên 40 số giường với 3 hàng 2 tầng và cùng mang kết cấu 2 trục. Còn tại Thái Lan từ đầu năm 2014, Bộ GTVT nước này cũng siết chặt quản lý XKGN và đi đến cấm loại xe này chạy trên các đường đèo dốc, quanh co. Còn một điểm cũng rất đáng lưu ý, theo ông Sumet Ongkittikul - chuyên gia giao thông thuộc Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan, Châu Âu có đến 150 yêu cầu kỹ thuật đối với loại XKGN 2 tầng.
Đối với nền công nghiệp ô tô Thái Lan, muốn sản xuất một XKGN có độ an toàn cao thì chi phí lên đến 8 triệu bạt - tương đương gần 5,3 tỷ đồng Việt Nam. Trong khi đó, giá bán một XKGN tại Việt Nam chỉ hơn 3 tỷ đồng...
Đối với những vấn đề quan trọng, trước khi đưa ra những văn bản có tính quy phạm pháp luật thì việc tổ chức hội thảo, tọa đàm, thu thập ý kiến nhiều chiều để có thể cân nhắc, tìm ra biện pháp quản lý hiệu quả là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, với cách tổ chức hội thảo như trên và việc Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) chuẩn bị nội dung Dự thảo Thông tư 18 về quy định tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô và đang tổ chức thu thập ý kiến để trình lãnh đạo Bộ GTVT ban hành dường như có một liên hệ mật thiết trước, sau. Dự thảo Thông tư 18 đề xuất chỉ cấm xe giường nằm 2 tầng chạy trên các tuyến đường cấp 5-6 miền núi. Tổng cục Đường bộ quy định đường cấp 5-6 miền núi là đường có tiêu chuẩn rộng tối thiểu 6 - 6,5m, có một làn cho xe cơ giới rộng 3,5m. Những tuyến đường thuộc quy định này hầu hết nằm ở tuyến huyện vùng cao, nơi mà lâu nay xe giường nằm không hề hoạt động. Vì vậy, đề xuất trên có thể hiện cách làm qua loa giữa lúc có nhiều ý kiến bức xúc về an toàn của XKGN, dù Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng từng tuyên bố nên cấm XKGN chạy đường đèo núi. Thế nhưng, qua đề xuất trong Thông tư 18, xe giường nằm 2 tầng sẽ vẫn chạy trên các tuyến nguy hiểm khác như đoạn từ Lào Cai lên Sa Pa, nơi đã xảy ra vụ tai nạn thảm khốc ngày 1-9.
Với các cơ quan quản lý nhà nước, trước khi tham mưu và đưa ra những quyết định có liên quan đến tính mạng người dân càng cần hết sức thận trọng, việc thu thập dư luận xã hội phải dựa trên sự khách quan, chính xác cùng những căn cứ khoa học xác đáng. Có như vậy, quyết định cuối cùng về "số phận" của XKGN mới nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận xã hội, không tạo nên những điều tiếng ì xèo không đáng có, thậm chí, sẽ không loại trừ những liên tưởng tới "lợi ích nhóm" đằng sau mỗi văn bản, quyết định được ban hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.