Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lợi ích kép khi bệnh viện ''chuyển đổi số''

Thái Thanh| 28/04/2020 18:41

Chìa khóa “chuyển đổi số” đã đem lại cho các bệnh viện lời giải tối ưu cho nhiều bài toán khó: Tăng chất lượng khám, chữa bệnh; nâng cao năng suất lao động; tinh giản vận hành; tối ưu chi phí đầu tư. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, với định hướng sớm ứng dụng công nghệ và có lộ trình chuẩn bị tốt về chuyên môn, Hệ thống y tế Vinmec đã cho ra mắt những dịch vụ chăm sóc sức khỏe đột phá.

Cú huých Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Nhiều người phải ở trong nhà để thực hiện giãn cách xã hội. Trường học và nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa, triển khai phương án học và làm việc từ xa. Ngay cả các bệnh viện cũng phải điều chỉnh hoạt động để hạn chế tập trung đông người.

Có thể nói, dịch Covid-19 đã tạo ra cú huých lớn thúc đẩy ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số khi tất cả các lĩnh vực phải thay thế cách làm việc trực tiếp bằng phương thức mới là online. Đặc biệt, một trong những loại hình dịch vụ tưởng chừng như khó chuyển đổi nhất là khám, chữa bệnh thì nay cũng đã có giải pháp mới, đem lại lợi ích thiết thực cho người bệnh.

Bác sĩ Cao Thanh Tâm - Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Vinmec Central Park tư vấn cho khách hàng từ xa.

Tiêu biểu trong các bệnh viện chính là Hệ thống y tế Vinmec. Ngay từ những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, hệ thống này đã ra mắt dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa rất hữu ích cho người bệnh mãn tính đang theo khám.

“Bình thường, các con phải nghỉ làm nửa ngày đưa tôi đi bệnh viện. Thế nhưng lần này, tôi được khám bệnh trực tuyến bởi đúng bác sĩ mà tôi vẫn đang theo. Được bác sĩ thăm khám từ xa thật tiện, đỡ mệt và đỡ tốn nhiều tiền đi lại” - bà Nguyễn Thị Ngọc (70 tuổi; ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), một bệnh nhân của bác sĩ Cao Thanh Tâm (Bệnh viện Vinmec Central Park) chia sẻ.

Với người tuổi cao, tiền sử bệnh phức tạp: Tăng huyết áp, thận mãn tính, tim thiếu máu cục bộ, đái tháo đường type 2 như bà Ngọc, việc uống thuốc đều đặn theo chỉ định và hướng dẫn theo dõi triệu chứng tại nhà rất quan trọng. Được bác sĩ giải thích kỹ lưỡng, bệnh viện gửi thuốc về tận nhà cùng hướng dẫn sử dụng cẩn thận, bà Ngọc rất hài lòng.

Hệ thống y tế Vinmec đang nằm trong nhóm tiên phong ứng dụng chuyển đổi số trong y tế. Tháng 10-2019, Vinmec đã chính thức triển khai ứng dụng quản lý phòng mổ toàn chuỗi nhằm quản lý hoạt động, xuất báo cáo theo dõi vận hành (ghi nhận ekip tự động, thời gian phẫu thuật, thời gian gây mê). Ứng dụng này đã giúp giảm 60% sai sót trong việc ghi nhận ekip phẫu thuật, thủ thuật, thời gian sử dụng phòng mổ.

Đặc biệt, ngay trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, hệ thống y tế Vinmec đã ra mắt dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa rất cần thiết cho người bệnh mãn tính về tim mạch, đái tháo đường, hen phế quản.

Tăng tốc ứng dụng công nghệ 4.0 vào khám, chữa bệnh

Xu hướng chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam cũng như thế giới đang chuyển dần sang điều trị cá thể hóa, do đó chuyển đổi số là tất yếu. Nắm bắt được xu hướng đó, Vinmec đã có sự chuẩn bị, hệ thống hóa và phân tích dữ liệu để lựa chọn những giải pháp công nghệ số phù hợp nhất.

Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe từ xa, Vinmec đang từng bước triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi số thành công như: Telemedicine, ứng dụng AI trong hỗ trợ sinh sản và chẩn đoán hình ảnh, hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán qua ví điện tử...

Hồi sức cấp cứu là một trong những lĩnh vực đầu tiên Vinmec sử dụng telemedicine để tăng hiệu quả điều trị.

Mới đây, trong những ngày cách ly do dịch Covid-19, Bệnh viện Vinmec Phú Quốc (Kiên Giang) đã cứu sống được ông Nguyễn Văn B, chẩn đoán bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng do viêm phúc mạc hậu phẫu viêm ruột thừa, có nguy cơ tử vong cao.

Với sự hỗ trợ, hội chẩn qua telemedicine (chẩn đoán, điều trị từ xa thông qua ứng dụng công nghệ thông tin), các bác sĩ hồi sức cấp cứu, ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh, dược lâm sàng... của Bệnh viện Vinmec Times City, các bác sĩ ở đầu Phú Quốc đã có được hướng dẫn tốt nhất trong quá trình cấp cứu bệnh nhân.

“Bằng việc triển khai hoạt động telemedicine, chúng tôi có thể huy động được sự tham gia kịp thời, nhanh chóng của các chuyên gia giỏi có liên quan để nhanh chóng đưa ra phương án điều trị tốt nhất, tận dụng được thời gian vàng để cứu sống người bệnh”, TS.BS Nguyễn Đăng Tuân, Trưởng nhóm dự án Telemedicine hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Vinmec Times City cho biết.

Từ những thành công trong telemedicine hồi sức cấp cứu, tới đây, Vinmec sẽ tiếp tục nâng cấp và mở rộng telemedicine trong can thiệp, điều trị ung bướu, tim mạch, chẩn đoán hình ảnh.

Khách hàng tại Vinmec có thể lựa chọn hình thức thanh toán qua ví điện tử để hạn chế các tiếp xúc trực tiếp có thể lây lan dịch bệnh.

Trong năm 2020, Vinmec sẽ hoàn thiện hệ thống dữ liệu cho mô hình chăm sóc sức khỏe ảo, qua đó bệnh nhân có thể sử dụng thiết bị sàng lọc gửi thông tin đến bệnh viện, được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán trực tuyến, tư vấn trong vòng 24 giờ.

Vinmec cũng đang nỗ lực chuẩn bị để tiến tới việc khách hàng không phải chờ đợi khi đến bệnh viện. Với quy trình xử lý thông tin và mô hình tài chính tích hợp, từ khi đặt hẹn, khách hàng sẽ được cấp một mã thẻ để nhận diện ở các phòng khám, khu vực chăm sóc, nên sẽ giảm nhiều thời gian chờ, thanh toán...

Chiến lược ứng dụng công nghệ 4.0 không chỉ giúp Vinmec đem lại nhiều trải nghiệm tích cực cho khách hàng mà còn là phương thức đúng đắn có thể hướng đến một mô hình “bệnh viện thông minh” kiểu mẫu cho người dân Việt Nam trong tương lai không xa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lợi ích kép khi bệnh viện ''chuyển đổi số''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.