(HNM) - Xây dựng và phát triển đô thị đang đặt ra rất nhiều vấn đề phức tạp đòi hỏi nỗ lực không ngừng của chính quyền các cấp. Làm gì để tạo bước đột phá? Muốn quy hoạch đi trước phải lựa chọn ra sao? Làm thế nào để cân bằng lợi ích
Là một quận mới thành lập cách đây chưa đầy 10 năm, Long Biên đã có tốc độ phát triển đô thị đầy ấn tượng trong vài năm trở lại đây. Những chia sẻ của Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Long Biên - ông Vũ Đức Bảo, góp phần trả lời những câu hỏi phức tạp trong xây dựng và phát triển đô thị hiện nay.
Xử lý tận gốc vấn đề
- Long Biên hôm nay đã gây ấn tượng về diện mạo đô thị, nhất là các công trình hạ tầng. Theo ông trong xây dựng và phát triển đô thị, đâu là những vấn đề cần ưu tiên hàng đầu?
- Mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi là làm sao để quy hoạch thật sớm làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng và phát triển. Long Biên có thuận lợi là nằm ở cửa ngõ đông bắc thành phố và đã được quy hoạch để phát triển thành quận cửa ngõ với sự đồng bộ về đô thị, thương mại dịch vụ và chỉnh trang công nghiệp. Đây là định hướng rất quan trọng đối với quận. Trong quy hoạch cũng phải lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm để tập trung thực hiện. Xác định muốn đô thị đẹp, hiện đại trước hết phải làm ngay quy hoạch hạ tầng. Nên sau khi có quy hoạch chung tỷ lệ 1/2000, quận đã tập trung xây dựng xong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, coi đây là ưu tiên hàng đầu. Trên cơ sở quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, trong năm qua, Long Biên đã tập trung xây dựng hạ tầng khung gồm các tuyến đường giao thông, các khu đô thị, hệ thống tiêu thoát nước, cung cấp nước sạch, chiếu sáng, cây xanh, hồ điều hòa… Trong quá trình thực hiện quy hoạch chúng tôi đã chú trọng việc kết nối giữa hạ tầng vốn có với hạ tầng mới, tạo sự đồng bộ.
Tuy nhiên, sở dĩ Long Biên thành công trong phát triển hạ tầng là vì đã huy động được nguồn lực lớn đầu tư. Mấy năm qua, mỗi năm chúng tôi huy động được trên 1.000 tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực này. Ngoài ngân sách thành phố và quận, chúng tôi đã chủ động xin cơ chế để đấu giá đất, khai thác nguồn lực từ chính các dự án tạo ra mà dự án đường Ngô Gia Tự là một ví dụ.
- Trong xây dựng và phát triển đô thị, huy động các nguồn lực xã hội hóa có vai trò rất quan trọng. Trong 1-2 năm trở lại đây, Long Biên đã có nhiều dự án lớn của các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, không chỉ làm thay đổi diện mạo đô thị mà còn nâng cao giá trị đất đai, tạo ra xung lực mới cho những bước phát triển tiếp theo. Quận có kinh nghiệm gì trong việc thuyết phục các nhà đầu tư?
- Như đã đề cập ở trên, việc tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng khung, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật là một trong những cơ sở hàng đầu thu hút các nhà đầu tư. Nhưng đó mới chỉ là một phần tạo nên môi trường đầu tư thuận lợi có thể thu hút các dự án lớn. Quan trọng hơn, bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, là tập trung vào công tác GPMB. Chỉ có GPMB nhanh mới tạo sự ổn định, yên tâm cho các nhà đầu tư. Thực tế, có những dự án như của Vincom với diện tích trên 180 hécta, chúng tôi chỉ mất 6 tháng là bàn giao xong. Dự án khu Savico cũng tương tự. Các dự án trên địa bàn quận hầu hết đều phải GPMB. Mỗi năm số tiền dành cho GPMB trên địa bàn quận lên tới 3.000-4.000 tỷ đồng. Chúng tôi luôn xác định công tác GPMB là nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương.
- Ai cũng mong muốn GPMB được nhanh, gọn. Nhưng để làm được điều đó không đơn giản, nhất là khi tỷ lệ đơn thư, vụ việc khiếu nại, tố cáo hiện nay ở các địa phương có nơi đến 70-80% liên quan đến đất đai, nhà ở. Trong đó chủ yếu lại liên quan đến công tác đền bù, GPMB, thu hồi đất. Long Biên làm thế nào để GPMB thuận lợi trong bối cảnh chung như vậy?
- Trước hết chúng tôi công khai rõ ràng về các dự án, phổ biến cơ chế chính sách về GPMB đối với tất cả các trường hợp liên quan. Từ đó tiếp thu ý kiến phản hồi của người dân, nhất là các vướng mắc, kiến nghị. Trên cơ sở đó, huy động cả hệ thống chính trị xử lý thông tin, đưa ra các giải pháp giải quyết từng vấn đề một. Trong quá trình đó, lãnh đạo quận trực tiếp tiếp dân, cũng như trực tiếp chỉ đạo GPMB không phó mặc cho chủ đầu tư hay các phòng, ban. Từ các thông tin phản hồi, phải phân tích rõ những vấn đề liên quan đến lợi ích chính đáng của người dân để giải quyết. Nếu vượt thẩm quyền, phải kiến nghị thành phố cho cơ chế. Thực tế GPMB có nhiều trường hợp nếu cứng nhắc thì không xong. Chẳng hạn trên một thửa đất (một “sổ đỏ”) có 4-5 hộ gia đình đang sinh sống mà chỉ cho tái định cư một căn hộ thì các hộ khác đi đâu? Trách nhiệm của chính quyền trong GPMB là phải giải quyết những trường hợp như vậy. Thứ nữa là có nhiều lúc GPMB, anh em cán bộ của mình cũng làm sai khiến người dân bức xúc, nảy sinh khiếu kiện, thì mình phải xử lý nghiêm cán bộ của mình và công khai cho người dân biết.
-Một trong những cái khó nhất khi GPMB là làm sao cân bằng được lợi ích giữa “ba bên” (Nhà nước, doanh nghiệp và người dân). Quận Long Biên giải quyết như thế nào để vừa bảo đảm quy định pháp luật vừa có tiếng nói chung ba bên?
- Phải bảo đảm đồng thời 3 lợi ích này. Trong đó, lợi ích của người dân là cực kỳ quan trọng cho dù là loại hình dự án nào. Việc bảo đảm lợi ích của người dân trước hết phải dựa trên cơ sở pháp luật nhà nước quy định. Nhưng nếu quyền lợi chính đáng của người dân không được bảo đảm do sự bất cập của cơ chế thì chính quyền địa phương phải đứng ra kiến nghị cơ chế bảo vệ lợi ích chính đáng cho người dân. Ví dụ, đất xây dựng nhà trái phép thì được đền bù, còn không xây thì không được thì phải đề xuất cơ chế cân đối cho phù hợp. Để giải quyết những bất cập cụ thể như vậy, có những dự án như đường Ngô Gia Tự, quận phải đề xuất thành phố cho 14 cơ chế đặc thù để thực hiện.
Đối với các dự án có tính chất kinh doanh thương mại phải GPMB, quận bàn rất kỹ với các chủ đầu tư về giải pháp bảo đảm lợi ích của người dân như giải quyết việc làm, cơ chế riêng… Chúng tôi kiểm soát việc thỏa thuận giữa chủ đầu tư với người dân để bảo đảm đúng quy định, không làm bừa ảnh hưởng đến các dự án khác. Vấn đề là tiền đến được với người dân bảo đảm được lợi ích của người dân. Ví dụ, Vincom di chuyển 3.000 ngôi mộ, theo quy định Nhà nước chỉ hỗ trợ di dời 500.000 đồng/ngôi mộ, nhưng DN có thể thưởng tiến độ thêm bằng 100% mức quy định của Nhà nước thì có thể chấp nhận. Quan điểm của quận là GPMB một cách sáng tạo, nhưng không trái với pháp luật.
- Ngày trước khi chiến tranh xảy ra, người dân có thể cắt đất, xẻ nhà để ủng hộ lợi ích chung. Nhưng ngày nay, vẫn là những người ấy lại đi khiếu kiện vì bị thu hồi đất làm các công trình công cộng. Ông lý giải thế nào về hiện tượng này?
- Tôi nghĩ có rất nhiều lý do, trong đó có cả khách quan và chủ quan. Về chủ quan, việc thực hiện chính sách đôi khi không đúng, chưa công khai hướng dẫn đầy đủ dẫn đến giữa chính quyền và người dân không hiểu nhau. Thêm vào đó, có nhiều trường hợp cán bộ sai phạm, khiến người dân mất lòng tin, cảm thấy bị thiệt thòi, thậm chí bất công. Trong khi đó, chính quyền lại chậm xử lý hoặc kiến nghị giải quyết các vấn đề vướng mắc, bất cập để bảo đảm lợi ích cho người dân. Chưa kể có trường hợp chính quyền tự cho mình cái gì cũng đúng, đặt mình vào thế đối đầu với dân thì chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều khiếu kiện.
Thời gian qua, sở dĩ GPMB của Long Biên thuận lợi là chúng tôi luôn đặt mình ở vị trí của người dân, coi trọng lợi ích của người dân và làm đủ mọi cách để thỏa mãn tốt nhất lợi ích đó trong khuôn khổ pháp luật. Trong ứng xử với người dân phải tăng cường công khai minh bạch, tích cực đối thoại. Đối với mỗi vấn đề nảy sinh phải tìm hiểu kỹ để giải quyết tận gốc. Khi xảy ra sai sót phải xử lý, làm rõ trách nhiệm, cần thiết lãnh đạo quận là Bí thư, Chủ tịch phải trực tiếp xin lỗi dân. Điều này góp phần tạo lòng tin cho người dân đối với chính quyền.
Không thể thích làm gì thì làm
- Ông cho rằng cải cách hành chính (CCHC) là một trong những yếu tố thu hút nhà đầu tư tham gia xây dựng và phát triển đô thị thời gian qua. Vậy đâu là những cải cách chủ yếu của quận trong lĩnh vực này?
- Chúng tôi đã rà soát để loại bỏ các thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết, đồng thời chuẩn hóa hệ thống giải quyết TTHC thông qua phần mềm quản lý, nhất là bộ phận một cửa ở quận và phường. Không chỉ lắp camera theo dõi ở bộ phận một cửa, chúng tôi cũng xây dựng cơ sở để người dân có thể trực tiếp đánh giá bộ phận một cửa. Ý kiến đánh giá sẽ được ngay lập tức chuyển đến Chủ tịch quận hoặc phường. Điểm quan trọng là CCHC phải gắn liền với thanh tra công vụ. Ví dụ, thủ tục quy định phòng A giải quyết trong 5 ngày là phải giải quyết đúng thời hạn. Phòng A để xảy ra chậm, muộn, chúng tôi cho thanh tra công vụ làm rõ, xử lý trách nhiệm ngay.
- Đúng là nếu làm được tất cả các giải pháp như vậy trong CCHC sẽ rất tốt. Nhưng có nhiều trường hợp cán bộ đã quen gây phiền hà, hoặc cán bộ lớn tuổi không phù hợp với các yêu cầu mới thì phải xử lý bằng cách nào?
- Chúng tôi tuyển chọn đầu vào nghiêm túc và chặt chẽ, “con ông cháu cha” cũng bị loại như thường. Đối với cán bộ nói chung, chúng tôi đang thí điểm đánh giá 6 tháng một lần, nếu không đáp ứng được yêu cầu, luân chuyển công tác ngay. Cán bộ quận ở vị trí cụ thể không thể thích làm gì thì làm, mà phải chịu sự kiểm tra, giám sát từ nhiều phía. Thời gian qua, chúng tôi đã luân chuyển một số cán bộ trưởng, phó phòng, ban. Ngoài việc tuyên truyền, vận động cán bộ thực hiện nghiêm các quy định trong giao dịch với tổ chức và công dân, quận đặc biệt coi trọng việc thiết lập kỷ cương, kỷ luật.
- Ở một số nơi xảy ra hiện tượng cán bộ kém, cán bộ thừa, không làm được việc thì được đưa vào làm “một cửa”, ở Long Biên có xảy ra hiện tượng này?
- Tôi cho rằng không có chuyện này xảy ra. Vì cán bộ một cửa của quận được xác định phải là người có năng lực, phẩm chất, làm được việc. Quận coi bộ phận một cửa là “lò đào tạo” cán bộ. Những người được luân chuyển, lựa chọn về đây đều được tuyên bố công khai là nếu phấn đấu làm tốt, có thành tích sẽ được đề bạt, bổ nhiệm; nếu làm không tốt sẽ bị điều chuyển đi nơi khác, thậm chí xử lý kỷ luật.
- Cán bộ là gốc của mọi công việc. Nhưng nhiều quận, huyện xảy ra tình trạng khó tuyển chọn cán bộ, thậm chí không giữ chân được cán bộ vì mức thu nhập không bảo đảm cuộc sống. Long Biên giải quyết vấn đề này ra sao?
- Hiện tại, chúng tôi chưa gặp khó khăn như vậy. Có thể là do từ năm 2010, chúng tôi đã tập trung thực hiện chính sách, quy định tiết kiệm chi từ điện nước, xăng xe… để tăng thêm thu nhập cho anh chị em. Riêng bên Quận ủy, năm 2012 đã tiết kiệm chi được 500 triệu đồng. Như một lái xe cho lãnh đạo quận, thu nhập tăng thêm cuối năm cũng được hơn 10 triệu đồng từ việc tiết kiệm chi phí chung của Quận ủy. Việc phân chia phần thưởng từ tiết kiệm chi cũng được thực hiện công bằng trên cơ sở đánh giá kết quả công việc chứ không cào bằng. Cách này đã trở thành chủ trương chung của quận và nhận được sự thống nhất rất lớn từ cán bộ, đảng viên. Việc bảo đảm thu nhập là cơ sở cần thiết giúp cán bộ yên tâm công tác và cống hiến.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.