(HNM) - Không chỉ cung cấp các sản phẩm tài chính - ngân hàng, thời gian gần đây, các ngân hàng còn có thêm sản phẩm bảo hiểm. Hình thức này không chỉ mang lại lợi ích cho ngân hàng hay doanh nghiệp bảo hiểm, mà còn tạo thuận lợi cho khách hàng cá nhân tham gia.
Cùng với các sản phẩm tài chính - ngân hàng, các ngân hàng thương mại có thể thu được "hoa hồng" từ việc bán các sản phẩm bảo hiểm và phí ứng trước từ các hợp đồng độc quyền. Điều quan trọng hơn, bán chéo sản phẩm bảo hiểm tại ngân hàng còn giúp ngân hàng phục vụ nhu cầu đa dạng của người dùng dịch vụ, có thể khiến họ tiếp tục quay lại sử dụng các dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Với Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), thu nhập từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm đạt 722,5 tỷ đồng trong năm 2018. Những tháng đầu năm 2019, khoản thu này chiếm tỷ trọng tới 19% cơ cấu dịch vụ của Techcombank. Ngân hàng này cũng đặt mục tiêu đạt doanh thu phí bảo hiểm 10.000 tỷ đồng trong 15 năm ký hợp tác với Công ty Bảo hiểm Manulife.
Còn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm đạt hơn 2.000 tỷ đồng/năm trong mấy năm gần đây. Đặc biệt, từ đầu năm 2019 đến nay, doanh thu từ dịch này chiếm hơn 50% cơ cấu thu nhập dịch vụ.
Hay như Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), ước tính thu nhập từ bảo hiểm dự kiến đạt khoảng 600 tỷ đồng trong năm 2019. Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB Trần Hùng Huy cho biết, ngân hàng đặt kế hoạch thu nhập từ lĩnh vực này này gấp 3 lần năm 2018 và đang cân nhắc các đối tác cho năm 2020.
Theo ông Trần Vĩnh Đức, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, nhu cầu về bảo hiểm tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, người dân và các tổ chức kinh tế ngày càng quan tâm hơn đến bảo hiểm. Dự báo, thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh thời gian tới, trong đó lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ sẽ tăng trưởng hơn 25%.
Riêng với kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng có thể đóng góp đến 50% doanh thu toàn ngành bảo hiểm nhân thọ trong 3 năm tới. Triển vọng này cộng với xu hướng thắt chặt tín dụng càng khiến các ngân hàng tập trung nhiều hơn vào sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bởi sản phẩm này hầu như không rủi ro.
Từ sự kết hợp giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm, lợi ích đã được chia đều cho các bên là ngân hàng - bảo hiểm và khách hàng cá nhân.
Chị Nguyễn Thu Trang (ở tòa nhà C, Khu Imperia Garden - 203 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân) cho biết: "Để mua căn hộ đang ở, tôi đã vay ngân hàng 500 triệu đồng cách đây 6 tháng. Khi đó, tôi được nhân viên tư vấn, với mức vay này, thế chấp bằng chính căn nhà này, mức lãi suất tôi phải trả khoảng 12,5%/năm. Tuy nhiên, nếu tôi đồng ý mua thêm một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ chi phí khoảng 10 triệu đồng/năm, trong năm đầu vay vốn, tôi được áp lãi suất thấp hơn là 11,5%/năm. Bởi vậy, tôi chọn mua thêm sản phẩm bảo hiểm cho gia đình để vừa có nguồn vốn vay giá thấp hơn, vừa có thêm bảo hiểm để bảo vệ gia đình".
Theo ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Khối bán lẻ Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc dân, khách hàng sẽ có thêm lựa chọn về sản phẩm tài chính và dễ dàng tiếp cận dịch vụ bảo hiểm chuyên nghiệp, tăng thêm sự hài lòng, tin cậy đối với ngân hàng. Đặc biệt, trên cơ sở dữ liệu đánh giá nhu cầu của người dùng, ngân hàng sẽ cung cấp dịch vụ tài chính trọn gói, giúp khách hàng có thể chủ động hoạch định kế hoạch tài chính trong hiện tại cũng như tương lai.
Rõ ràng, khi mua bảo hiểm qua ngân hàng, khách hàng sẽ nhận được các lợi ích là mua sản phẩm bảo hiểm với giá tốt do công ty bảo hiểm giảm được chi phí phân phối, có thể nhận được nhiều ưu đãi từ chương trình kết hợp giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm.
Ngoài ra, khách hàng cũng dễ dàng tìm hiểu và tiếp cận sản phẩm nhanh chóng, tiện lợi trong việc sử dụng nhiều dịch vụ tại cùng một nơi như đóng phí bảo hiểm, nhận quyền lợi bảo hiểm thông qua tài khoản ngân hàng. Đó là chưa kể, khách hàng có thể mua sản phẩm tích hợp hoặc sản phẩm được liên kết giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm, nên được hưởng nhiều lợi ích hơn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.