(HNM) - Theo nhận định của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, về cơ bản giá thuốc vẫn đang được quản lý chặt và tháng 11 vừa qua không có biến động lớn. Tuy nhiên, qua khảo sát của thanh tra y tế ở các thời điểm trong năm tại một số thành phố lớn thì nhiều loại thuốc vẫn âm thầm tăng giá từ 3% đến 5%.
Ngoài những nguyên nhân đã được mổ xẻ nhiều lần, còn có một lý do khác nữa, đó là kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ về dược chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Kho tài nguyên lớn chưa được khai thác
Tâm lý sính hàng ngoại; giá bị thả nổi, không theo sự kiểm soát của các cơ quan chức năng; một số đối tượng kinh doanh bất hợp pháp… là những nguyên nhân làm tăng giá thuốc đã được chỉ ra. Nhưng chung quy lại, giá thuốc tăng cao, có lúc tới 100%, là do sự chi phối mạnh mẽ của quy luật cung - cầu. Cầu tăng, trong khi cung không đủ đáp ứng tất yếu dẫn đến "leo thang" về giá. Theo Bộ Y tế, mấy năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam nghiên cứu, sản xuất và đưa vào lưu hành khoảng 30.000 tấn thuốc phục vụ cho hơn 50 bệnh viện y học cổ truyền, 500 khoa y học cổ truyền trong các bệnh viện đa khoa. Tuy nhiên, tính đến nay, thuốc sản xuất trong nước cũng mới chỉ đáp ứng được hơn 50% nhu cầu sử dụng. Trong khi đó, nước ta có một nguồn tài nguyên phong phú để phát triển công nghiệp dược phẩm. Theo thống kê của Viện Công nghệ sinh học, trong 10.650 loài thực vật có tới 3.850 cây thuốc, 403 loài động vật làm thuốc và gần 5.500 loài hải sản và sinh vật biển dùng làm dược liệu quý. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu mới đây cũng công bố con số, Việt Nam đã có trên 4.000 cây thuốc quý, 75 loại khoáng vật, 408 động vật và 52 loài tảo biển được phát hiện.
Kiểm tra, đánh giá kết quả thí nghiệm tại Viện Công nghệ sinh học. Ảnh: TTXVN |
Mặc dù các công trình nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực y học đã phân lập được một số loại thuốc chữa bệnh có giá trị từ kho tài nguyên trên như Rutin, Berbein, Vitamin E... nhưng phần lớn thuốc chữa bệnh ở nước ta vẫn phải phụ thuộc vào nguồn ngoại nhập (90% nguyên liệu thuốc sản xuất trong nước cũng phải nhập). Để khai thác có hiệu quả và tận dụng được nguồn tài nguyên vô giá này, Viện Dược liệu cho rằng "cần thành lập một tổ chức để chỉ đạo công tác phát triển dược liệu một cách toàn diện từ trung ương đến địa phương". Còn theo một lãnh đạo của Trường ĐH Y Hà Nội thì cần có một cuộc tổng điều tra toàn quốc về dược liệu để có được một cách tổng quát tình hình dược liệu nước nhà, từ đó xây dựng chiến lược phát triển.
Vai trò chủ đạo chưa được phát huy
Tại hội nghị ASEAN về y học cổ truyền lần 2 diễn ra cuối tháng 11 vừa qua, các chuyên gia dược nhận định, một trong những nguyên nhân đẩy giá thuốc chữa bệnh lên cao không thể bỏ qua là các nghiên cứu khoa học công nghệ - nền tảng của một nền sản xuất chế biến thuốc hiện đại chưa thực sự giữ vai trò quyết định, dù xét về số lượng các đề tài, dự án trong lĩnh vực này hằng năm không hề nhỏ. Có thể khẳng định, năm nào cũng vậy, tại hầu hết các bệnh viện đa khoa, y học cổ truyền, viện nghiên cứu, phong trào nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng đều được phát động rầm rộ, kèm theo là hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động này không cao, không phải do nước ta không có nguyên liệu hay không đầu tư kinh phí nghiên cứu triển khai; chất lượng chuyên môn của đội ngũ khoa học cũng không phải là thấp. Đây là một vấn đề lớn chưa có lời giải thỏa đáng, song có thể chỉ ra ngay một nguyên nhân là do hướng đi không thích hợp, chạy theo phong trào, số đông mà không có định hướng nghiên cứu lớn gắn với thực tế.
Rõ ràng, khoa học công nghệ giữ vai trò chủ đạo trong chiến lược phát triển ngành dược từ khâu nghiên cứu, sản xuất đến việc đưa ra lưu hành. Ngành dược đã quan tâm tới điều này song hiệu quả chưa cao, bởi các công trình nghiên cứu chưa thực sự mang tính trọng điểm, có hệ thống, đồng bộ và gắn liền thực tế khám chữa bệnh và tình hình diễn biến bệnh tật của người dân có được từ một cuộc tổng điều tra, rà soát quy mô toàn quốc. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, các nhà khoa học và các cơ quan hữu quan nên đề xuất một số cây thuốc là thế mạnh để phát triển thành vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó là việc đầu tư, nghiên cứu sản xuất các loại thuốc từ dược liệu có tác dụng đích thực, có khả năng phát triển phù hợp với điều kiện nước ta. Không những thế, cần có quy định thống nhất, kiểm soát chặt chẽ việc bào chế thuốc (nhất là các công ty cổ phần, tư nhân) theo hướng công nghệ sản xuất phải an toàn, tránh tình trạng buông lỏng việc sơ chế dược liệu, dẫn đến sử dụng quá dung lượng hóa chất bảo vệ cho phép như hiện nay.
Từ năm 1954, Việt Nam đã thực hiện lồng ghép y học cổ truyền (YHCT) vào mạng lưới y tế quốc gia. Đến nay cả nước có 61 bệnh viện YHCT, hơn 70% trạm y tế xã, phường có hoạt động khám, chữa bệnh bằng YHCT và có vườn thuốc Nam. Gần 30% số bệnh nhân được khám và điều trị bằng YHCT hoặc kết hợp YHCT với y học hiện đại. Bên cạnh đó, 10% số thuốc lưu hành trên thị trường là thuốc YHCT. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.