Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lợi dụng “xã hội hóa” để trục lợi

Đức Trường| 09/08/2013 06:07

(HNM) - Sáng 8-8, chúng tôi tới Công ty cổ phần Dược Hà Tây (Hataphar) để tìm hiểu về những nội dung liên quan tới sai phạm nêu trên của BV Đa khoa Hoài Đức.



Đến nơi, một đại diện của Công ty Hataphar có tên là Trung (theo cách phát âm của người miền Bắc không rõ là Chung hay Trung) tiếp và trả lời các câu hỏi của phóng viên. Khi hỏi đến họ tên đầy đủ, người này nhất quyết không chịu nói và chỉ trả lời chung chung.

Bệnh nhi Nguyễn Đức Khải, 1 tuổi, bị tiêu chảy có cùng kết quả xét nghiệm với người 40 tuổi bị tâm thần. Ảnh: TTXVN


Trách nhiệm thuộc về chi nhánh

Thậm chí, đối với những văn bản có liên quan đến BV Đa khoa Hoài Đức, chúng tôi cũng chỉ được tiếp cận bằng cách ghi chép mà không được sao chụp lại(?). Tất nhiên, trên những giấy tờ này không thấy đóng dấu mật.

Đại diện của Hataphar cho biết, Hataphar quản lý hơn một chục chi nhánh thông qua khoán doanh thu, kế hoạch kinh doanh, hóa đơn, chứng từ. Ông này khẳng định, trong tất cả những hóa đơn, chứng từ mà chi nhánh gửi lên không thể hiện khoản chi "hoa hồng" cho BV Đa khoa Hoài Đức, đồng thời tỏ thái độ băn khoăn, không hiểu họ lấy khoản tiền ấy từ đâu. Vị đại diện khẳng định, trách nhiệm chính thuộc về Chi nhánh Đông dược và vật tư y tế, đơn vị trúng thầu cung cấp hóa chất cho BV Đa khoa Hoài Đức trong hai năm 2011 và năm 2012. Riêng về việc đặt máy liên kết, ông này cho biết, khi Chi nhánh Đông dược vật tư y tế trúng thầu thì Công ty Hataphar với bề dày 50 năm trong ngành dược đứng ra ký hợp đồng.

Ngay sau đó, chúng tôi tìm đến Chi nhánh Đông dược và vật tư y tế thuộc Hataphar để tìm hiểu thêm về những nội dung liên quan. Ông Nguyễn Thạc Hưng, Giám đốc chi nhánh cho biết, chi nhánh hoạt động theo cơ chế khoán doanh thu, báo cáo doanh thu hằng tháng và tiến độ triển khai kế hoạch kinh doanh lên Hataphar. Chi nhánh chỉ đứng ra ký hợp đồng đặt máy liên kết tại BV Đa khoa Hoài Đức khi BV có công văn đề nghị thuê máy xét nghiệm vì máy của BV đã bị hỏng. Để có máy cho BV Đa khoa Hoài Đức thuê, chi nhánh đã ký hợp đồng "mượn" máy của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thiết bị y tế An Bình có địa chỉ tại số 56, ngách 89 Thịnh Quang (quận Đống Đa). Theo ông Hưng, công ty cho "mượn" máy sẽ chỉ biết cho Chi nhánh Đông dược và vật tư y tế "mượn" máy, còn trách nhiệm vận hành máy và cung cấp hóa chất cho máy hoạt động hoàn toàn thuộc về chi nhánh.

Ông Hưng khẳng định, chi nhánh sẽ chịu một phần trách nhiệm vì là đơn vị trực tiếp giao hóa chất và đặt máy tại BV Đa khoa Hoài Đức. Khi chúng tôi hỏi về những phong bì của một người tên là Hùng đưa cho khoa Xét nghiệm (BV Đa khoa Hoài Đức) có mang nguyên biểu tượng và dòng chữ Công ty cổ phần Dược Hà Tây (Hataphar), ông Hưng trả lời rằng chi nhánh chỉ biết đến chi tiết này khi báo chí đăng tải. "Hiện chi nhánh đang cho kiểm tra, rà soát lại việc sử dụng phong bì và nguồn gốc từ đâu?" - ông Hưng nói. Tuy nhiên, có một thực tế là mọi công văn, giấy tờ hành chính mà chi nhánh gửi đi các cơ quan liên quan đều dùng phong bì loại này.

Trả lời về nhân vật có tên là Hùng xuất hiện trong đơn tố cáo của một số cán bộ, nhân viên BV Đa khoa Hoài Đức, ông Hưng cho biết, cả chi nhánh chỉ có một người tên là Hoàng Mạnh Hùng và người này chưa bao giờ được phân công về làm việc với BV Đa khoa Hoài Đức. Người mang tên Hùng này vào làm việc ở bộ phận sao tẩm, chế biến đông dược của chi nhánh từ năm 2004. Chính anh Hoàng Mạnh Hùng cũng đã khẳng định, từ năm 2012 đến nay, anh không xuống BV Đa khoa Hoài Đức lần nào.

Ngoài ra, ông Hưng cho biết thêm, mặc dù năm 2013, chi nhánh không trúng thầu gói thầu cung cấp hóa chất cho BV Đa khoa Hoài Đức nhưng 3 máy liên kết vẫn được đặt tại BV. Đặc biệt, chi nhánh chỉ giao nhiệm vụ giao dược phẩm, hóa chất cho những người là dược sỹ, dược tá. Những người này khi đi giao hàng thì cầm theo hóa đơn và hàng. Khi giao hàng tại BV, BV chỉ việc kiểm tra số lượng, chất lượng dược phẩm, hóa chất theo hóa đơn xem có đủ hay không rồi ký vào hóa đơn. Một điều đáng lưu ý là chi nhánh này cũng trúng gói thầu cung cấp vật tư tiêu hao cho nhiều BV, trong đó có BV Đa khoa Hoài Đức.

Những phong bì của Công ty Hataphar gửi khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức. Ảnh: Nguyễn Tùng


Cố tình "xã hội hóa" để trục lợi

Khi những chiếc máy xét nghiệm được Sở Y tế cấp nhanh chóng được "đắp chiếu" vì những hỏng hóc đơn giản, ông Nguyễn Trí Liêm, Giám đốc BV Đa khoa Hoài Đức đã lấy lý do vì BV không đủ khả năng mua máy mới nên cần phải "xã hội hóa", nghĩa là ký hợp đồng liên kết đặt máy khác tại BV. Tuy nhiên, theo những người trong BV, cả 3 chiếc máy mà ông Liêm ký hợp đồng liên kết đặt máy đều là những loại máy cơ bản mà ở bất kỳ một phòng mạch nào cũng có thể sắm được.

Cụ thể, chiếc máy huyết học có giá trị hơn 200 triệu đồng, chiếc máy phân tích nước tiểu 12 thông số có giá trị khoảng 20 triệu đồng, máy sinh hóa máu bán tự động có giá khoảng 30 triệu đồng. Tổng giá trị của 3 máy này khoảng 250 triệu đồng là không đáng kể với một BV có tổng thu khoảng 20 tỷ đồng và được nhận nguồn kinh phí Nhà nước cấp ngoài định mức khoảng 5 tỷ đồng mỗi năm. Rõ ràng, việc mua 3 máy trên là hoàn toàn trong khả năng của BV. Người trong ngành hiểu rõ một thực tế là việc liên kết, hay dùng cụm từ mỹ miều hơn là "xã hội hóa", chỉ cần thiết khi đầu tư vào những loại máy có kỹ thuật tiên tiến mà BV tuyến huyện chưa có điều kiện trang bị. Vậy phải chăng việc "xã hội hóa" đã bị ông Liêm lợi dụng nhằm mục đích gì ngoài "trục lợi" cho cá nhân và một nhóm người?

Việc liên kết đặt máy còn được ông Liêm tìm cách "ưu ái đặc biệt" khi ông chỉ đạo sắp xếp cả 3 máy liên kết vào bộ phận xét nghiệm ngoại viện với những nhân viên chưa đủ trình độ chuyên môn (như bài trước đã nêu). Bộ phận này chiếm hơn 90% số lượng xét nghiệm của BV. Khi công việc của bộ phận này quá nhiều, trước sức ép trả kết quả đúng thời hạn, ông Liêm đã chỉ đạo những nhân viên của bộ phận này làm những việc táng tận lương tâm mà chúng tôi đã nêu ở bài trước.

Một người có chuyên môn đặt câu hỏi rất đáng lưu tâm rằng, nếu như ông Liêm định ăn bớt phần hóa chất chạy máy thì ông ấy phải cho máy chạy càng nhiều càng tốt chứ? Khi làm việc với Chi nhánh Đông dược và vật tư y tế (thuộc Hataphar), chúng tôi đặt câu hỏi: "Giả sử việc đặt máy và cung cấp hóa chất của chi nhánh này cho BV Đa khoa Hoài Đức là hoàn toàn đúng, thì ông Liêm sẽ trục lợi ở khâu nào?". Câu hỏi này chỉ có thể được trả lời rõ ràng khi Phòng CSĐT tội phạm về TTQL kinh tế và chức vụ (Công an TP Hà Nội) hoàn tất điều tra vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" tại BV Đa khoa Hoài Đức (theo Điều 281 Bộ luật Hình sự). Nhưng giả thiết này vấp phải một "nghịch lý" thực tế là nếu Hataphar và Chi nhánh Đông dược và vật tư y tế "trong sáng" thì tại sao lại có việc đưa "phong bì" cho khoa Xét nghiệm của BV Đa khoa Hoài Đức?

Câu trả lời có thể nằm ở khâu "bố trí" nhân lực là người nhà của Giám đốc BV Nguyễn Trí Liêm vào những khâu chủ chốt trong BV như kế toán, thủ kho dược. Theo thông tin của quần chúng, bà Doãn Thị Thanh Xuân, là con chị gái ruột ông Liêm, mới được tuyển dụng năm 2011, được ông Liêm bố trí "canh" cửa kho dược của BV Đa khoa Hoài Đức.

Báo Hànộimới sẽ tiếp tục điều tra những thông tin liên quan đến "nhóm người nhà" của ông Liêm và cách điều hành cán bộ, nhân viên trong BV Đa khoa Hoài Đức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi dụng “xã hội hóa” để trục lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.