(HNM) - "Xóa" lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường đang được các địa phương ngoại thành Hà Nội rốt ráo triển khai. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhất là giai đoạn tập trung xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện tình trạng thiếu hụt vật liệu xây dựng.
Việc đưa công nghệ lò sản xuất gạch có hệ thống xử lý khói thải không gây ô nhiễm môi trường đã phần nào đáp ứng được nguồn cung và đem lại thu nhập cao cho người dân.
Lò sản xuất gạch có hệ thống xử lý khói thải tại huyện Phúc Thọ cho hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường. |
Sản xuất gạch đất sét nung là nghề truyền thống lâu đời tại xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ. Trước những năm 2000, dải đất ven tuyến đê Cao Quýt thường xuyên có hàng chục lò gạch thủ công luôn đỏ lửa và hệ lụy từ việc sản xuất gạch thủ công là gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Thực hiện chủ trương xóa bỏ các lò gạch sản xuất thủ công, lạc hậu, ưu tiên phát triển công nghệ lò tuy nel, gạch không nung..., có thời điểm, người dân Võng Xuyên bị động do tình trạng mất cân đối cung cầu, đẩy giá vật liệu lên cao.
Trước tình thế đó, huyện Phúc Thọ đã đề xuất và được UBND TP cho phép triển khai đề án "Thí điểm công nghệ xử lý khói lò nung gạch" theo công nghệ lò sản xuất gạch có hệ thống xử lý khói thải không ô nhiễm môi trường. Sau hơn một năm thí điểm tại 11 cặp lò, đến nay đã cho kết quả khả quan kể cả về kinh tế và bảo vệ môi trường. Thực tiễn hoạt động sản xuất gạch nung theo công nghệ mới tại đê Cao Quýt cho thấy, các cặp lò không có mùi khói, người lao động có thể yên tâm về môi trường làm việc, cây cối xung quanh không bị ảnh hưởng, chất lượng gạch cũng tốt hơn do các công đoạn sản xuất đã được tự động hóa hoặc bán tự động hóa. Ông Đoàn Văn Lâm, một trong những cơ sở thực hiện thí điểm công nghệ xử lý khói lò nung gạch kiểu mới xã Võng Xuyên cho biết, tuy đầu tư ban đầu có tốn kém, khoảng 2 tỷ đồng/cặp lò, bù lại sản xuất hiệu quả nên việc hoàn vốn khá nhanh, trong khoảng 2 năm.
Tương tự, huyện Ba Vì cũng đã có thời gian thiếu vật liệu xây dựng, cụ thể là gạch nung phục vụ các công trình xây dựng. Kể từ khi thực hiện thí điểm công nghệ xử lý khói lò nung, huyện đã tìm được hướng đi mới bù đắp nguồn cung thiếu hụt. Ông Nguyễn Văn Duẩn, chủ cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng ở xã Phú Phương thực hiện thí điểm mô hình này cho hay: Với 21 lần lấy mẫu thử, nghiên cứu, chỉnh sửa, cải tiến công nghệ theo yêu cầu của cơ quan chức năng, đến nay các chỉ tiêu CO, NO2, SO2, HF đều bảo đảm Quy chuẩn QCVN 19:2009. Sản xuất theo công nghệ mới, mức tiêu hao than giảm 15-20% so với lò thủ công truyền thống. Công nghệ này có thể sử dụng được nhiều loại đất khác nhau.
Đánh giá hiệu quả đề án "Thí điểm công nghệ xử lý khói lò nung gạch", ông Hoàng Duy Kiên Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Phúc Thọ cho rằng, trong thời kỳ quá độ thay thế lò gạch thủ công nên tùy theo thực tế từng vùng cho áp dụng mô hình này góp phần giải quyết việc làm, đáp ứng được nhu cầu về vật liệu xây dựng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Nhưng rào cản khó khăn lớn nhất hiện nay là chi phí đầu tư mỗi cặp lò khá lớn, hơn 2 tỷ đồng/cặp, vượt quá khả năng của các cơ sở sản xuất nhỏ, do đó cần có sự hỗ trợ về lãi suất vốn vay, thuê mặt bằng...
Hầu hết ý kiến từ các địa phương, đều cho rằng, hiện gạch không nung, gạch tuy nel chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu do các nhà máy sản xuất loại vật liệu này trên địa bàn TP có quy mô, công suất nhỏ. Giá thành vật liệu không nung và gạch tuy nel lại cao nên người dân không mặn mà. Vì vậy, trước tiên phải tìm ra công nghệ làm "bước đệm" để bảo đảm kiểm soát được môi trường và nằm trong khả năng đầu tư của các cơ sở sản xuất. Trong khi chờ chuyển đổi hoàn toàn từ sản xuất gạch thủ công sang công nghệ hiện đại, việc nhân rộng đề án "Thí điểm công nghệ xử lý khói lò nung gạch" sẽ "hóa giải" tình trạng mất cân đối cung cầu về vật liệu xây dựng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.