Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lỗi chính vẫn là người điều khiển phương tiện ?

Nguyễn Đức| 22/02/2011 08:04

(HNM) - Từ Tết Nguyên đán Tân Mão đến nay, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra liên tiếp trên cả đường bộ, đường sắt lẫn đường thủy. Đây là điều đáng báo động, bởi năm nào các cơ quan chức năng cũng có văn bản chỉ đạo và triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn giao thông (ATGT).


- Thưa ông, trước Tết Nguyên đán các cơ quan chức năng đều đã có văn bản chỉ đạo và xây dựng kế hoạch bảo đảm ATGT, nhưng số vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn liên tiếp xảy ra, đâu là nguyên nhân?


- Trước Tết Tân Mão, các cơ quan chức năng, Bộ GTVT đã triển khai nhiều biện pháp bảo đảm trật tự ATGT, trong đó tập trung vào bảo đảm số lượng, chất lượng phương tiện vận tải. Trên thực tế, chất lượng dịch vụ vận tải đã được nâng lên, tình trạng nhồi nhét, lèn khách giảm. Tình hình tai nạn giao thông trong 6 ngày Tết vừa qua giảm cả về số vụ, số người bị thương. Tuy nhiên, số người chết lại tăng so với năm trước và đáng tiếc thời gian qua xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, điển hình là vụ tai nạn đường sắt ở cầu Ghềnh (Đồng Nai). Đến nay, cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân, nhưng qua thông tin đã biết thì có sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông, chen lấn, không nhường nhịn nhau trên cầu, gây ùn tắc cục bộ, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

- Trong dịp Tết, số người vi phạm Luật Giao thông dường như tăng lên nhưng các cơ quan chức năng có vẻ dễ dãi, nhẹ tay hơn trong kiểm tra, xử lý. Đây có phải là một trong những nguyên nhân?

- Theo tôi, các cơ quan chức năng không dễ dãi với việc xử lý vi phạm. Trong dịp Tết vẫn có nhiều lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ trên các tuyến đường và xử phạt hàng loạt trường hợp vi phạm. Chính người tham gia giao thông đang tự dễ dãi với bản thân khi uống rượu, bia nhiều. Có người ngại, "quên" đội mũ bảo hiểm vì đang mặc bộ đồ đẹp đi chúc Tết...

- Trở lại vụ tai nạn tàu hỏa với hàng loạt ô tô trên cầu Ghềnh. Đã đến lúc phải tách giao thông đường sắt với đường bộ trên cầu dùng chung để bảo đảm an toàn?

- Việt Nam là một trong số ít quốc gia còn sử dụng cầu dùng chung cho đường sắt và đường bộ. Hiện cả nước còn 10 cầu dùng chung. Về cơ bản, các cầu dùng chung đều có rào chắn, thiết bị để bảo đảm an toàn khi có tàu hỏa đi qua. Tuy nhiên, vụ tai nạn cầu Ghềnh thực sự là cảnh báo về nguy cơ tồn tại của loại cầu này. Bộ GTVT đã giao ngành đường sắt tổng kiểm tra lại cầu dùng chung về: thiết bị an toàn, quy trình khai thác cầu chung, phương án tổ chức và điều tiết giao thông. Trên cơ sở đó, có đề xuất kịp thời những giải pháp triệt để để bảo đảm ATGT. Đã đến lúc cần thực hiện quyết liệt, không sử dụng chung cầu giữa đường sắt và đường bộ. Trong khi chưa thể tách riêng, trước mắt các địa phương cần cử lực lượng chức năng hỗ trợ nhân viên ngành đường sắt trong tổ chức, điều hành giao thông trên cầu dùng chung. Hiện tại, các cầu dùng chung chỉ có nhân viên ngành đường sắt gác chắn. Nếu có sự hỗ trợ của lực lượng khác, đặc biệt vào giờ cao điểm sẽ bảo đảm an toàn hơn.

- Xin cảm ơn ông!

- Chỉ tính riêng 6 ngày Tết Nguyên đán Tân Mão 2011 (từ 30 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), cả nước xảy ra 373 vụ tai nạn giao thông, làm 288 người thiệt mạng, 359 người bị thương. Số vụ, số người bị thương giảm, nhưng lại tăng 1 người chết so với Tết Nguyên đán Canh Dần 2010.
- Một số vụ tai nạn điển hình xảy ra ở đường bộ, đường sắt, đường thủy có thể kể ra như: vụ lật thuyền vào ngày 30 Tết tại huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) làm 3 người chết; vụ tàu hỏa đâm ô tô trên cầu Ghềnh (Đồng Nai) làm 2 người chết, 26 người bị thương; vụ xe container biển số 57L-3522 bị lật tại Bình Dương làm 4 người chết; vụ đắm tàu du lịch tại Quảng Ninh làm 12 du khách thiệt mạng...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lỗi chính vẫn là người điều khiển phương tiện ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.