Hàng triệu loài sinh vật đang tồn tại trên Trái đất là quà tặng vô giá mà thiên nhiên dành tặng cho hành tinh của chúng ta. Không may là thế giới đang đối mặt với tốc độ tuyệt chủng các loài lớn nhất kể từ thời điểm loài khủng long biến mất hơn 60 triệu năm trước.
Nhưng không giống như câu chuyện của khủng long, sự tuyệt chủng nhanh chóng của các loài trong thế giới hiện đại là kết quả đáng báo động từ những hoạt động thiếu trách nhiệm của con người.
Thảm họa diệt vong trên Trái đất. (Nguồn: Answers With Joe) |
Ngày Trái đất 22-4 năm nay có chủ đề Bảo vệ các giống loài, với mong muốn thúc đẩy nỗ lực bảo vệ tất cả các loài động, thực vật trên thế giới trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn.
Thế giới đang đối mặt với sự tuyệt chủng hàng loạt của các loài, từ động vật có vú, chim, bò sát, loài lưỡng cư, động vật chân đốt (côn trùng và nhện), đến cá, động vật giáp xác, san hô và các loài thực vật. Theo báo cáo của Liên đoàn Bảo tồn thế giới (IUCN), đã có 953 loài biến mất trong tự nhiên kể từ năm 1500. Đáng ngại hơn, khoảng 33% và 20% động vật lưỡng cư và động vật có vú đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong những thập niên tới.
Thông thường, mỗi năm Trái đất sẽ chứng kiến từ 1 đến 5 loài tuyệt chủng. Tuy nhiên, các nhà khoa học ước tính rằng chúng ta đang mất các loài với tốc độ gấp 1.000 đến 10.000 lần so với tốc độ bình thường này, và các vụ tuyệt chủng diễn ra ở cấp độ hằng ngày.
Linh trưởng, loài động vật có họ gần nhất của con người, đang đứng trước hiểm họa chưa từng có. Gần 60% của 504 loài linh trưởng toàn cầu đang bị đe doạ tuyệt chủng và 75% các loài linh trưởng đang bị suy giảm dân số nghiêm trọng.
Trong khi đó, trên toàn thế giới, hơn 650.000 động vật biển có vú bị bắt hoặc bị thương hằng năm bởi hoạt động đánh bắt trên biển. 40% các loài chim trên thế giới đang suy giảm và cứ 8 con chim lại có 1 con bị đe dọa tuyệt chủng.
Những loài mèo lớn, bao gồm hổ và báo, đang trong tình trạng suy giảm số lượng nghiêm trọng, và nhiều loài bị cảnh báo sẽ tuyệt chủng trong thập niên tới.
Quần thể thằn lằn đặc biệt dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu gần đây cho thấy nếu tốc độ suy giảm hiện tại của quần thể thằn lằn tiếp tục, 40% loài này sẽ bị diệt vong vào năm 2080.
Sự biến mất nhanh chóng và với tốc độ chưa từng thấy của các quần thể động, thực vật hoang dã có liên quan trực tiếp đến các hoạt động của con người: Biến đổi khí hậu, phá rừng, mất môi trường sống, buôn lậu và săn bắn trộm, canh tác nông nghiệp thiếu bền vững và ô nhiễm. Khắp nơi trên thế giới, những khu vực nơi con người khai thác tài nguyên thiên nhiên hoặc trải qua quá trình phát triển lấn chiếm đều có cùng một kết quả: Một môi trường tự nhiên bị can thiệp và mất cân bằng.
Trái đất đang chứng kiến nhiều loài động vật bị tuyệt chủng. (Nguồn: NG) |
Đặc biệt, tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay càng đẩy nhanh tốc độ “biến mất” của các loài. Nhiệt độ toàn cầu ấm lên sẽ đẩy khoảng 50% các loài sinh vật tại những vùng đa dạng sinh học quan trọng hàng đầu trên thế giới, như Amazon, tới bờ vực tuyệt chủng.
Đây là một xu hướng không thể tiếp tục. Bởi trong một môi trường cân bằng và lành mạnh, tất cả các loài, bao gồm cả động vật và thực vật, đều có vai trò quan trọng. Tất cả các loài trên hành tinh này có một vị trí độc nhất trong chuỗi thức ăn, đóng góp cho hệ sinh thái theo cách riêng của nó. Nếu hệ sinh thái bị mất cân bằng, khả năng duy trì và đáp ứng nhu cầu các loài, trong đó bao gồm cả con người, sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Nói cách khác, bảo vệ các loài chính là bảo vệ sự sinh tồn của con người.
Nếu quan tâm và có đầu tư, con người vẫn còn cơ hội giảm tốc “cơn lốc” tuyệt chủng đang diễn ra. Nhiều loài đang bị suy giảm số lượng, bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng vẫn có thể được cứu nếu con người bắt tay để tạo dựng một phong trào có sức ảnh hưởng toàn cầu yêu cầu hành động ngay lập tức.
Chiến dịch Bảo vệ các giống loài của Ngày Trái đất 2019 nhằm mục tiêu giáo dục và nâng cao nhận thức về tình trạng tuyệt chủng đáng báo động của hàng triệu loài cũng như nguyên nhân và hậu quả của hiện tượng này; vận động những chính sách bảo vệ các nhóm loài cũng như các loài riêng lẻ và môi trường sống của chúng; xây dựng và khởi động một phong trào toàn cầu về bảo vệ thiên nhiên; khuyến khích thay đổi tích cực từ mỗi cá nhân như áp dụng chế độ ăn nhiều rau ít thịt hay ngừng sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ.
Theo chuyên gia Peter Ward của Đại học Washington, Mỹ, những gì thế giới đang trải qua rất giống với sự kiện khủng long tuyệt chủng của 60 triệu năm trước. Tuy nhiên, khi đó, một hành tinh dưới sức ép của khí hậu thay đổi đột ngột đã bị đẩy vào thảm họa tuyệt chủng khi một thiên thạch tấn công.
Lần này, có thể không có sự xuất hiện của “vị khách ngoài hành tinh” nào, mà “cánh cửa” dẫn tới thảm họa tuyệt chủng hàng loạt lại do chính con người tự mở. Bảo vệ các loài khỏi nguy cơ tuyệt chủng cũng chính là con người đang tự bảo vệ mình khỏi những thảm họa trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.