Theo dõi Báo Hànộimới trên

Logistics thông minh - Chìa khóa gia tăng tính cạnh tranh

Lam Giang| 24/05/2023 07:09

(HNM) - Những năm qua, ngành dịch vụ logistics đã từng bước chuyển mình nhằm đáp ứng yêu cầu của thương mại nội địa và hoạt động xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, để hướng đến cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp, gia tăng tính cạnh tranh, đáp ứng theo các chuẩn mực quốc tế thì phát triển logistics thông minh chính là chìa khóa.

Bốc xếp hàng hóa tại kho thông minh của Công ty TNHH Quốc tế Delta Hà Nội. Ảnh: Đức Nghĩa

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh cho biết, thời gian qua các doanh nghiệp dịch vụ logistics phần nào nhận thức được việc đẩy nhanh chuyển đổi số, đồng thời nhanh chóng ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động kinh doanh, tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động. Một số doanh nghiệp logistics lớn đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ của mình, giảm đáng kể chi phí liên quan. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ, tạo động lực để triển khai quyết liệt hơn nữa chuyển đổi số trong ngành.

Theo Giám đốc Chuỗi cung ứng Tập đoàn Nestlé Nguyễn Trần Hoàng Yến, doanh nghiệp đã đầu tư chuyển đổi số cho toàn bộ hoạt động logistics nhằm kết nối với thị trường toàn cầu và tối ưu hóa vận chuyển, phân phối hàng hóa tại thị trường nội địa. Theo đó, Nestlé Việt Nam triển khai ứng dụng thông minh mang tên Cargoo nhằm kết nối giữa nhà sản xuất với nhà nhập khẩu và các hãng tàu. Nền tảng này giúp theo dõi trạng thái của toàn bộ quá trình vận chuyển hàng hóa giữa các đối tác cho từng đơn hàng, truy xuất thông tin lô hàng khi có nhu cầu, thực hiện đặt chỗ với hãng tàu và quản lý xuyên suốt bộ chứng từ xuất, nhập khẩu…

Còn Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn Trương Tấn Lộc cho hay, đơn vị đã đồng loạt triển khai cảng điện tử, hệ thống kho hàng điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào chăm sóc khách hàng... Tiêu biểu như việc đưa AI vào công tác chăm sóc khách hàng qua hoạt động của trợ lý ảo đã hỗ trợ giải đáp thắc mắc và cung cấp thông tin cho khách hàng, từ đó nâng tầm chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với 90% số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics là doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc ứng dụng logistics thông minh còn nhiều hạn chế. Cụ thể, quy mô và tính chất ứng dụng công nghệ chưa cao, chủ yếu là dịch vụ khai báo hải quan, thanh toán thuế, quản lý hành trình xe vận chuyển hàng hóa, quản lý kho bãi... Nói về rào cản khiến logistics thông minh chưa được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Lê Quang Trung chỉ rõ, đó trước hết là hạn chế về tư duy nhận thức, những lúng túng trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp, thiếu nguồn lực tài chính và nhân lực; thiếu đồng bộ trong chính sách cho chuyển đổi số.

Theo các chuyên gia, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý và vận hành, sử dụng hệ thống phần mềm, nền tảng tối ưu hóa logistics là giải pháp hiệu quả để doanh nghiệp cắt giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ. Mặt khác, theo Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn Trương Tấn Lộc, các doanh nghiệp logistics cần có sự chung tay, hợp tác đồng hành cùng phát triển, tăng cường liên kết, gia tăng tính cạnh tranh của dịch vụ logistics Việt Nam. Các doanh nghiệp logistics cần xây dựng kho dữ liệu chung cho hệ thống cảng biển Việt Nam, kết nối với các cảng trong khu vực và trên thế giới, góp phần tăng hiệu suất khai thác cho ngành logistics Việt Nam. Cũng theo đại diện Tân Cảng Sài Gòn, Nhà nước và các địa phương cần đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục, xây dựng và kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung, tiến tới số hóa và giải quyết các thủ tục trực tuyến. Hệ thống cơ sở pháp lý cũng cần được cập nhật theo kịp xu hướng công nghệ nhằm khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển dịch vụ, công nghệ mới.

Về logistics cho thương mại điện tử, Giám đốc Khối vận hành miền Bắc (Công ty Lazada Việt Nam) Nguyễn Triều Quang cho rằng, doanh nghiệp logistics cần ứng dụng công nghệ và chuẩn hóa quy trình, tối ưu hiệu suất vận hành, xây dựng hệ sinh thái bền vững và toàn diện để nắm lấy cơ hội của thương mại điện tử, đồng thời nâng cao trải nghiệm giao nhận hàng hóa từ mọi điểm chạm. Từ phía cơ quan chức năng, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng, chuyển đổi số là việc của từng cá nhân, từng cơ quan, từng đơn vị. Tuy nhiên, để thúc đẩy ứng dụng công nghệ số thành công cần có sự đồng hành, phối hợp, hỗ trợ, liên kết không chỉ của các doanh nghiệp logistics mà của tất cả các đơn vị liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Logistics thông minh - Chìa khóa gia tăng tính cạnh tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.