Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loay hoay với thị trường lao động

Thống Nhất| 20/01/2011 07:05

(HNM) - Sự phát triển của hệ thống giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) Hà Nội đã phần nào thỏa mãn nhu cầu học tập nghề nghiệp của thanh niên, HS Thủ đô và các vùng lân cận, nhưng so với yêu cầu thực tế thì còn nhiều bất cập. Làm thế nào để GDCN làm tốt vai trò nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong thời kỳ mới như Nghị quyết Đại hội Đảng thành phố lần thứ XV đề ra đang là trăn trở của những người làm công tác quản lý GDCN khi nhìn lại quãng đường 10 năm phát triển.

Đào tạo nghề cơ khí tại Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Nguyệt Ánh


"Dậm chân tại chỗ"
Báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội đánh giá: 10 năm qua, quy mô tuyển sinh hệ chính quy của các trường TCCN ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập nghề nghiệp, nâng cao dân trí cho thanh niên, HS Thủ đô và các tỉnh bạn. Tuy nhiên, kết quả thống kê cho thấy, số lượng HS được tuyển mới vào các trường TCCN khi tăng, khi giảm. Cụ thể, năm 2001, các trường tuyển được gần 8.900 HS và giữ mức tăng liên tục trong vòng 5 năm, kỷ lục đạt được vào năm  2005 với hơn 23.000 HS được tuyển. Nhưng sang đến năm 2006 giảm còn 20.000 HS, rồi giảm tiếp còn 18.000… Phải tới năm 2010, mức tuyển sinh của các trường TCCN mới trở lại con số hơn 23.000 HS như ở thời điểm năm 2005. Một trong những yếu tố giúp cho mức tuyển sinh tăng cao trở lại là do quy mô đào tạo TCCN tăng thêm 5 trường, trong đó có 2 trường ngành y - dược, ngành đang có sức hút lớn với HS.

Theo lý giải của ông Phạm Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long thì sức hút của các trường TCCN giảm là do thu nhập của lao động tốt nghiệp TCCN thấp nên hầu hết HS đều muốn học tiếp lên bậc cao hơn, mong tìm được công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao. Nhưng ngay cả khi không có điều kiện học cao hơn, các em cũng không mặn mà với trường nghề, dù ngành GD-ĐT đã có nhiều biện pháp khuyến khích HS theo học TCCN.

Thực tế đã chứng minh điều ấy. Năm học 2007-2008, trong khi cả nước có khoảng gần 80% HS tốt nghiệp THCS vào học THPT, bổ túc THPT thì tỷ lệ HS đăng ký vào học trường TCCN chỉ chiếm 1,8%, còn tới 18% (tương ứng 275.000 HS) không tiếp tục học tập. Theo thống kê, ở cấp THPT mỗi năm có tới gần 400.000 HS chưa tốt nghiệp, bỏ học và cả HS đã tốt nghiệp nhưng không tiếp tục học… thì việc tuyển sinh vào các trường TCCN vẫn chật vật. Ngay ở Hà Nội, năm 2010 có gần 10.000 HS chưa tốt nghiệp THPT thì cũng chỉ có 2.200 em học TCCN. Đây là sự lãng phí lớn về nguồn nhân lực cho cả HS và xã hội.

Làm gì với "đơn đặt hàng" mới?
Ông Nguyễn Vũ Điệp, Trưởng phòng Quản lý lao động Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, hiện có khoảng 110.000 lao động làm việc tại gần 80 khu công nghiệp trên địa bàn TP. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động có tay nghề TCCN chỉ chiếm khoảng 11%, số có trình độ CĐ, ĐH là 12%, còn lại hơn 70% là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo. Các doanh nghiệp rất cần sự chung tay của các trường TCCN để phối hợp đào tạo, tăng tỷ lệ lao động có tay nghề, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Sự phối hợp này hiện nay mới chỉ mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm, chưa có hệ thống.

Đứng đầu một đơn vị có nhiều kinh nghiệm phối hợp với doanh nghiệp trong đào tạo, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long Phạm Quang Vinh chia sẻ, để đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời thu hút HS theo học TCCN, giải pháp của trường là tạo điều kiện để HS vừa đi học, vừa có việc làm. Nếu đi làm ca sáng, HS có thể lên lớp vào buổi chiều, hoặc ngược lại. Cơ cấu ngành nghề đào tạo được cân nhắc, lựa chọn kỹ theo nhu cầu người học và yêu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị trên địa bàn.

Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cho biết: Hiện nay, không có cơ quan nào đảm nhận phần thông tin về tuyển dụng lao động, các doanh nghiệp có nhu cầu không biết hỏi ở đâu nên thường làm việc trực tiếp với các trường. Vì thế thông tin thu được không có hệ thống, không đầy đủ và ít hiệu quả. Giải pháp khắc phục tình trạng này, theo ông Vinh, phòng giáo dục chuyên nghiệp của các sở GD-ĐT phải là đầu mối cung cấp thông tin giữa nhà trường và doanh nghiệp. Làm được như vậy, các "đơn đặt hàng" mới có thể đến đúng địa chỉ, mang lại hiệu quả cao.

Về nhu cầu tuyển dụng lao động trong 5 năm tới, ông Nguyễn Vũ Điệp cho biết, các doanh nghiệp tại khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội dự kiến tuyển thêm khoảng 220.000 người, trong đó yêu cầu lao động có tay nghề TCCN ít nhất là khoảng 30%. "Đơn đặt hàng" ấy liệu có làm thay đổi diện mạo của hệ thống GDCN Hà Nội hiện nay, khi mà hầu hết hiệu trưởng các trường TCCN đều thừa nhận: hiện mới chỉ đào tạo theo điều kiện mình có, chứ chưa bắt kịp nhu cầu của doanh nghiệp? Có khi đào tạo xong được một "mẻ" thì doanh nghiệp đã chuyển sang nhu cầu khác. Do vậy, nếu không có một "nhạc trưởng" điều hành cơ cấu đào tạo ở cả hệ thống, cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng từng ngành nghề theo lộ trình… thì các trường sẽ vẫn còn loay hoay với thị trường lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loay hoay với thị trường lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.