(HNM) - Sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 mở đường cho các dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) tham gia vào thị trường Việt Nam. Tuy có nhiều thành công nhưng các doanh nghiệp (DN) FDI đang bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt là trong sử dụng và chuyển giao công nghệ (CGCN).
Áp dụng công nghệ trong sản xuất linh kiện tại Công ty TNHH Sumimoto. Ảnh: Bảo Lâm |
Cái nhìn sòng phẳng
Với đóng góp khoảng 16-18% GDP trong những năm gần đây, DN FDI đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nước ta theo hướng thị trường, trở thành một trụ cột của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, khi nhắc đến trình độ công nghệ của khối DN này, nhiều người vẫn tin rằng họ sẽ mang vào Việt Nam những công nghệ tiên tiến nhất. Điều này đúng nhưng chưa đủ, bởi lẽ phần nhiều công nghệ đó tuy "hơn" công nghệ sản xuất của các DN trong nước nhưng chỉ ở mức trung bình so với thế giới.
Nghiên cứu công bố tháng 4-2008 của TS Hồ Ngọc Luật (Bộ KHCN) cho thấy: Xếp hạng năng lực công nghệ của Việt Nam đứng gần cuối bảng trong khu vực châu Á, thua Thái Lan 49 bậc, Malaysia 65 bậc và Singapore 81 bậc. Trong các nước ASEAN, nhóm ngành công nghệ cao của Việt Nam chỉ chiếm 21% tổng sản phẩm sản xuất, con số này của Thái Lan gấp chúng ta 1,5 lần; Malaysia gấp 2,5 lần, Singapore gấp 3,5 lần. Tỷ lệ xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam chỉ chiếm 7% tổng lượng hàng xuất khẩu, trong khi của Thái Lan là 30%, Trung Quốc là 27%, Singapore 57%. |
Công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 7 năm đầu thế kỷ XXI cho thấy, quy mô đầu tư của khu vực này phổ biến là ở mức vừa và nhỏ. Bình quân một DN có 256 tỷ đồng vốn (năm 2006) và có xu hướng giảm so với năm 2000, trong đó có tới 2/3 có vốn dưới 50 tỷ đồng... Xu hướng đầu tư vốn và trang bị tài sản cố định bình quân một DN giảm, nhưng lao động lại tăng lên, dẫn đến con số bình quân về mức đầu tư này cho một lao động cũng "tuột dốc" từ 363 triệu đồng/người năm 2000 xuống còn 233 triệu đồng năm 2006 (giảm hơn 35%). Xu hướng này còn phản ánh trình độ kỹ thuật, công nghệ nói chung của các DN FDI những năm qua chậm phát triển.
Đến nay, hoạt động của các DN FDI chủ yếu vẫn là gia công lắp ráp. Hiện tượng này có không chỉ ở ngành sản xuất ô tô, thiết bị điện tử, máy chính xác mà cả ở ngành may mặc, da giày. Trong những ngành trên, tỷ lệ nội địa hóa đến nay so với cách đây gần chục năm gần như chưa có tiến bộ đáng kể. Những dự án đầu tư vào các ngành công nghệ cao, các dự án có vốn lớn chưa nhiều. Điều đáng quan tâm là các nhà FDI đều "lảng tránh" công nghiệp phụ trợ (CNPT).
PGS-TS Phùng Xuân Nhạ (ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: "CNPT có thể tạo ra 80-95% giá trị gia tăng cho sản phẩm. Tuy nhiên, hiện các DN sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam phải nhập khẩu từ 70-80% lượng sản phẩm này". Do đó, DN FDI thường "bao sân" từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm và "ẵm gọn" chuỗi lợi nhuận tạo ra từ quá trình đó.
Bài toán nhân lực
PGS-TS Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu tư FDI còn hạn chế, đặc biệt là về công nghệ và CGCN. Song, trước hết phải "tiên trách kỷ". Do điều kiện phát triển còn thấp nên nước chủ nhà chưa có nhiều sự lựa chọn và không lường hết được những hậu quả khi thu hút vốn FDI một cách dễ dãi là điều khó tránh khỏi. Mặt khác, việc trao quyền cho địa phương trong việc thu hút FDI một mặt làm tăng tính chủ động của địa phương, song cũng tạo ra hiệu ứng cạnh tranh để thu hút FDI bằng mọi giá. Còn một nguyên nhân nữa là việc điều chỉnh chính sách FDI chậm, chưa phù hợp với bối cảnh phát triển mới của Việt Nam.
Với tiềm lực công nghệ của Việt Nam như hiện nay sẽ rất khó để tự phát triển mạnh nếu không dựa vào bên ngoài. Tuy nhiên, nhiều dự án FDI sử dụng công nghệ cao đang gặp khó khăn vì thiếu trầm trọng nguồn lao động kỹ thuật và hạ tầng kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Điển hình là Tập đoàn IBM với việc mở Trung tâm Dịch vụ toàn cầu tại Việt Nam. Hãng này cho biết sẽ tuyển dụng bước đầu khoảng 250 chuyên gia công nghệ thông tin vào làm việc và tùy thuộc vào tốc độ phát triển, họ có thể tiếp nhận từ 3.000-5.000 lao động trẻ có trình độ cao... Hay Tập đoàn Intel cũng phải loay hoay trong việc tuyển dụng người vào làm việc tại Nhà máy lắp ráp và kiểm định chíp tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Điều đó cho thấy thách thức về nhân lực chất lượng cao đang là bài toán cần giải để có thể thu hút được những dự án FDI chất lượng.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 9 tháng đầu năm 2010, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 12,19 tỷ USD, bằng 87,3% so với cùng kỳ 2009. Điều đó cho thấy, sức hút của thị trường Việt Nam rất lớn và đem đến cơ hội để siết chặt vấn đề công nghệ trong các dự án FDI.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.