(HNM) - Việt Nam có “mỏ” tài nguyên du lịch gồm các làng nghề truyền thống tuổi đời hàng trăm năm, nhưng do không biết khai thác đúng cách nên làng nghề chưa trở thành điểm đến có sức hút.
Du khách tham quan làng lụa Vạn Phúc. Ảnh: Bá Hoạt |
Khó thu hút khách
Sở hữu khoảng hơn 3.000 làng nghề thủ công, với 11 nhóm nghề chính là sơn mài, gốm sứ, thêu ren, mây tre đan, cói, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá và kim khí, Việt Nam có thể tận dụng nguồn tài nguyên độc đáo này để phát triển du lịch. Các làng nghề trải theo chiều dài đất nước, du khách có thể dừng chân ở bất cứ địa phương nào để tìm hiểu về làng nghề truyền thống. Thế nhưng, nghịch lý đang diễn ra. Trong khi nhiều đơn vị lữ hành đau đầu vì thiếu điểm đến chất lượng, ngành du lịch băn khoăn với bài toán làm thế nào tạo ra những sản phẩm độc đáo, tăng khả năng chi tiêu của du khách thì các làng nghề trong nước lại vắng bóng khách tham quan.
Khảo sát các đơn vị lữ hành tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, tour du lịch làng nghề hiện chưa được nhiều doanh nghiệp thiết kế, quảng bá đến du khách. Thường thì làng nghề được lồng ghép vào chương trình tour, và cũng chỉ có 1-2% điểm du lịch làng nghề là được du khách biết đến, đa số là những làng nghề nổi tiếng đã lâu. Theo đại diện của một công ty du lịch có trụ sở tại Hà Nội, mỗi năm công ty này đón hàng nghìn khách quốc tế đến Việt Nam tham quan, nghỉ dưỡng. Khách nước ngoài rất thích khám phá, tìm hiểu làng nghề truyền thống của nước ta, bởi thế, công ty thường thiết kế kèm chương trình tham quan làng nghề vào hành trình tour nhằm tạo dấu ấn đối với du khách nước ngoài. Nhưng, đáng buồn là kết thúc mỗi chuyến du ngoạn làng nghề, khi được hỏi, đa số khách nước ngoài trả lời rằng họ sẽ không quay lại. Lý do rất đơn giản: Thiếu người hướng dẫn có khả năng thỏa mãn nhu cầu khám phá của khách, không có sản phẩm làng nghề dành cho du lịch… Từ đó, mỗi khi xây dựng tour đến làng nghề, công ty này đều phải cân nhắc rất kỹ.
Mặc dù hướng phát triển du lịch làng nghề được ưu tiên trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam nhưng cho đến nay, du lịch và làng nghề vẫn chưa tìm được "tiếng nói chung". Ngành du lịch đến với làng nghề theo kiểu "ăn sẵn", người làng nghề thì thờ ơ với vận hội có thể có nhờ du lịch. Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch Việt Nam Phạm Trung Lương, hầu hết làng nghề hiện nay đều gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, giao thông yếu kém. Mặt khác, làng nghề chưa được "dạy" cách làm du lịch, người dân chưa nhận thức được giá trị của du lịch đem lại nên sự tham gia của họ vào sự phát triển du lịch chưa cao, phong cách phục vụ thiếu chuyên nghiệp, sản phẩm nghèo nàn, đơn điệu về chủng loại, mẫu mã.
Phần lớn các làng nghề đang mời chào khách cái đã có sẵn chứ chưa sản xuất cái mà du khách cần. Phó Tổng giám đốc Hanoi Redtours Nguyễn Công Hoan nhận xét: "Du lịch kết hợp mua sắm, nhất là sản phẩm lưu niệm là nhu cầu của rất nhiều du khách. Dù sở hữu hàng nghìn làng nghề thủ công truyền thống trải dài khắp Bắc - Trung - Nam nhưng đâu là mặt hàng lưu niệm đặc trưng của Việt Nam và của từng vùng miền để giới thiệu tới du khách, khiến họ sẵn tiền bỏ tiền mua lại là câu chuyện chưa có lời giải".
Vì nhau và cùng nhau phát triển
Hà Nội hiện có hơn 1.000 làng nghề truyền thống, một con số không nhỏ, nhưng tiếc rằng, chỉ một vài nơi được biết đến trong các tour tham quan của các công ty lữ hành.
Thực ra, ngành du lịch Thủ đô rất quan tâm đến giá trị, tiềm năng của làng nghề trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có làng nghề lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng được quảng bá rộng rãi và được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Tuy thế, ngay cả với những địa phương khá năng động trong việc phát huy lợi thế làng nghề để phát triển du lịch, khó khăn vẫn tồn tại, chẳng hạn như sự bất cập về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực phục vụ khách. Thậm chí, tại những điểm đến - làng nghề được nhiều người biết tới, ý thức kết hợp với du lịch, dùng du lịch như là bệ phóng cho sự phát triển cũng còn hạn chế. Chẳng thế mà ở những nơi này, đã có hiện tượng bày bán sản phẩm trôi nổi, hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, gây mất lòng tin đối với du khách. "Trong tương lai, ngành du lịch Thủ đô mong muốn được đầu tư một trung tâm - dạng như tổ hợp liên kết giữa bán hàng lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ cho du khách với các dịch vụ khác như ăn, nghỉ, vui chơi giải trí hay giới thiệu các món ăn ngon Việt Nam. Ở đây có thể tập trung được nhiều sản phẩm tinh hoa từ các làng nghề thủ công truyền thống. Không chỉ là nơi bày bán hàng thủ công mỹ nghệ và hàng lưu niệm, tại đây còn tái hiện quá trình sản xuất có sự tham gia của các nghệ nhân, từ đó sẽ thu hút du khách, nâng cao khả năng tiêu thụ các sản phẩm", Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội Mai Tiến Dũng nói.
Nỗ lực vực dậy các làng nghề truyền thống, đồng thời tìm ra hướng đi mới cho ngành "công nghiệp không khói", Hà Nội tổ chức "Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2013" (diễn ra từ tối ngày 8 đến 12-10 tại Cung Thể thao Quần Ngựa). Liên hoan có chủ đề "Hội tụ tinh hoa làng nghề truyền thống sông Hồng", đáng chú ý là hơn 20 gian hàng mô phỏng không gian phố nghề của Hà Nội xưa. Để gắn hoạt động của làng nghề với du lịch, đưa những sản phẩm của làng nghề truyền thống đến gần hơn với người tiêu dùng, ngay tại liên hoan này, ngành du lịch Thủ đô sẽ đón một số đoàn doanh nghiệp du lịch nước ngoài đến tham dự, giới thiệu với họ một số tour du lịch kết nối với những điểm làng nghề giàu tiềm năng. Tuy thế, có thể đưa ra nhận định rằng, liên hoan chỉ là bước đi ban đầu, một hoạt động bổ trợ, sự kết hợp như ý giữa du lịch và làng nghề sẽ chỉ có được nếu ta có định hướng lớn và tập trung thực hiện định hướng đó.
Du lịch có thể trở thành cầu nối cho sự phát triển của các làng nghề truyền thống và ở chiều ngược lại, chính các làng nghề cũng là nguồn tài nguyên tiềm năng đối với du lịch. Mối quan hệ tương hỗ ấy đòi hỏi cả hai phía "nhìn nhau", vì nhau chứ không thể "dùng nhau" hoặc thờ ơ trước cơ hội hợp tác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.