Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loay hoay phân luồng

Thống Nhất| 23/08/2012 06:31

(HNM) - Sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn đại học (ĐH) năm 2012, gần nửa triệu học sinh (HS) vẫn đang loay hoay tìm kiếm cơ hội học tập khi không trúng tuyển ở nguyện vọng 1.

"Con… trượt rồi bố ạ" là câu chuyện cảm động được đăng tải trên mạng xã hội, kể về cô bé tên Hương vì biết hoàn cảnh gia đình không có tiền chữa bệnh cho mẹ đã nói dối bố như vậy để đi tìm việc làm thêm. Câu chuyện nhận được hàng nghìn lời chia sẻ, động viên trong suốt mấy ngày qua.


Định hướng, phân luồng ngay từ đầu sẽ giúp thí sinh không đỗ đại học có thể chọn cho mình hướng phát triển phù hợp.Ảnh: Huyền Linh

Với quan niệm học ĐH là con đường duy nhất để lập nghiệp của khá nhiều HS hiện nay, hiếm người có được quyết định như Hương. Trong thực tế, đã có tình trạng bao nhiêu HS đỗ tốt nghiệp THPT là có gần bằng ấy người thi ĐH. Thống kê của Bộ GD-ĐT cũng cho thấy có tới 56% HS sẵn sàng chờ thi lại năm sau nếu trượt ĐH.

Theo Thạc sĩ Đỗ Doãn Hải (Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội), mấu chốt của vấn đề là mỗi người cần nhận thức rõ về năng lực của mình để có quyết định phù hợp. Người tự tin có đủ năng lực để học ĐH thì hãy tiếp tục ôn luyện, còn không thì việc theo đuổi giấc mơ ĐH suốt mấy năm có khi lại là một sức ép nặng nề và dai dẳng nếu chẳng may thi trượt.

Vấn đề là làm gì để giúp HS nhận thức đúng năng lực, sở trường và chỉ cho HS thấy con đường phù hợp? Câu trả lời một phần nằm ở công tác phân luồng sớm cho HS ngay từ khi học trung học. Vài năm trước, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều chính sách để thu hút HS chưa tốt nghiệp THCS, THPT theo học các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), song sự thiếu đồng bộ, quyết liệt trong việc phát triển hệ thống đào tạo nghề đã khiến cho những chính sách ấy chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, kết quả là hệ thống trường đào tạo nghề không lôi cuốn được HS và luôn ở trong tình trạng ế ẩm trong mỗi mùa tuyển sinh.

Ông Hoàng Ngọc Vinh (Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT) cho rằng "đầu ra" kém hấp dẫn của các trường dạy nghề, trường TCCN là một trong những nguyên nhân cơ bản gây cản trở đến việc phân luồng HS, khiến quy mô trường nghề có chiều hướng thu hẹp lại trong những năm qua. Số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, tính đến hết năm học 2011-2012 cả nước có 596 cơ sở đào tạo TCCN, tăng 18 cơ sở với hai năm học trước đó, song số lượng HS chỉ còn hơn 630 nghìn, giảm hơn 42 nghìn HS.

Bằng ĐH không là tất cả

Trên thế giới và cả ở Việt Nam có nhiều người thành đạt mà không qua đào tạo ĐH, điều có thể coi là minh chứng cho thấy bằng cấp không phải là tất cả.

Thống kê của Tạp chí Forbes (Mỹ) năm 2012 cho thấy, trong số 400 người giàu nhất nước Mỹ có 63 doanh nhân không có bằng ĐH, chiếm 15%, trong đó có những cái tên mà cả thế giới ngưỡng mộ như Bill Gates, Steveb Jobs - cựu Giám đốc điều hành của Apple, Lawence Ellision - Tổng Giám đốc Công ty Oracle. Tại Việt Nam, có 3 người được mệnh danh "doanh nhân nghìn tỷ" chưa tốt nghiệp ĐH là ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai), ông Lê Phước Vũ (Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen) và ông Dương Ngọc Minh (Chủ tịch Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương). Nhiều người cũng biết đến chủ nhân của thương hiệu Phở 24 Lý Quý Trung từng khởi nghiệp từ vị trí nhân viên phục vụ sau khi trượt ĐH hơn hai chục năm về trước. Anh Nguyễn Hồng Chương (Lâm Đồng) mới học đến lớp 8 nhưng đã có nhiều sáng chế phục vụ cho sản xuất như cải tiến kỹ thuật máy gieo hạt giống rau, máy đóng đất vào chậu để trồng hoa… được nhận nhiều giải thưởng và là điển hình sáng tạo của Việt Nam.

Không có được một chỗ trong giảng đường ĐH thì vẫn còn nhiều cơ hội khác. Trong đó học hệ TCCN là con đường phù hợp với những người có nguyện vọng lập nghiệp sớm - sau hai năm học là đã có thể ra trường, tìm việc làm, có thu nhập để trang trải cuộc sống. Khi có điều kiện hơn, người học có thể vừa đi làm, vừa học liên thông lên CĐ, ĐH.

Chọn ngành đào tạo "trúng" với nhu cầu xã hội trong từng thời điểm cũng là một hướng đi. Thống kê của Bộ GD-ĐT năm 2012 cho thấy mới chỉ có 2,2% tổng số HS theo học ở nhóm ngành nông, lâm, thủy sản và chế biến tại các trường TCCN. Rõ ràng, cơ hội việc làm ở lĩnh vực này còn khá lớn. Hơn nữa, với xu thế phát triển xã hội và tốc độ bùng nổ của CNTT, nghề sửa chữa điện thoại di động (được NXB nổi tiếng thế giới Mac Millan bình chọn là một trong 100 nghề đắt giá nhất thế kỷ XXI) cũng là một gợi ý đáng để tham khảo.

Tuy thế, những tấm gương và lời khuyên sẽ trở nên vô nghĩa nếu hệ thống đào tạo ngoài bậc ĐH không đủ sức thuyết phục người học. Với việc từ năm 2013, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng, triển khai đề án đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp - một trong số 20 chương trình hành động của Bộ nhằm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, liệu có thể hy vọng vào một sự thay đổi trong tương lai, bớt cảnh "người người đi thi, nhà nhà đi thi" trong mỗi kỳ tuyển sinh ĐH?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Loay hoay phân luồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.