Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loay hoay nghề nuôi ong ở Bắc Sơn

Bạch Thanh| 24/07/2011 07:08

(HNM) - Ai cũng bảo mật ong Sóc Sơn, đặc biệt là ở Bắc Sơn, sắc ngọt hơn bất kỳ vùng nào. Nghề nuôi ong có ưu điểm là vốn ít, công chăm sóc nhàn lại kiếm cả trăm triệu mỗi năm. Vậy tại sao ở nơi còn khá nhiều hộ nghèo như một số xã ở vùng đồi gò huyện Sóc Sơn nghề này lại khó phát triển?

Chăm sóc đàn ong. Ảnh: Sơn Tùng


Nghèo trên diện rộng

Nằm sát với tỉnh Thái Nguyên, thuộc diện vùng xa của thành phố, Bắc Sơn là xã nghèo với trên 1.000 hộ nghèo, chiếm hơn 40% dân số, thu nhập bình quân đầu người năm 2011 còn phải phấn đấu đạt trên 4 triệu đồng. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Việt cho hay, địa bàn xã rộng, nếu tính cả đường liên thôn, xóm, xã, nội đồng thì tổng chiều dài giao thông của xã lên tới 300km nhưng đa số là đường đất, đá xấu vào hạng nhất nhì Hà Nội. Ai đến Bắc Sơn đều bị ám ảnh bởi cái nghèo quay quắt, nghèo trên diện rộng ở đây. Tìm lời giải cho bài toán thoát nghèo là cả vấn đề làm đau đầu chính quyền địa phương. Nghề nuôi ong đã thâm nhập vào đây nhiều năm, làm thay đổi số phận một số gia đình nhưng phần lớn người dân vẫn loay hoay không biết làm thế nào để nhân rộng.

Bên cạnh những ngôi nhà thấp bé thủng lỗ chỗ, vá chằng vá đụp, nép sau những rặng tre ven đường, ngôi nhà của hộ bà Nguyễn Thị Thi, thôn Đô Lương nổi trội với hai tầng mái bằng khang trang, xây kiểu cách, nhiều hoa văn trang trí. Bà Thi cho biết, gia đình bà xây được hai cơ ngơi như thế này cũng từ đàn ong. So với nhiều nơi giàu có khác thì kinh tế nhà bà chẳng thấm vào đâu nhưng ở vùng quê này mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng từ nuôi ong là niềm mơ ước của nhiều người. Tôi hiểu câu nói của bà Thi bởi biết ở vùng này, người dân muốn kiếm dăm ba chục ngàn/ngày cũng chỉ có cách đi nhặt rác. 90% dân số sống bằng nông nghiệp nhưng đất đai lổn nhổn toàn sỏi cơm với đá óc chó, khô như rang và nghèo dưỡng chất.

Bà Thi nhận xét: Đối với gia đình tôi, chẳng nuôi con gì hiệu quả hơn con ong. Từ thời các cụ (những năm 60, 70 của thế kỷ trước) đã nuôi ong rồi đến vợ chồng tôi. Lúc nào gia đình cũng có 40 đến 50 đàn, trung bình mỗi năm 3 vụ mật. Mật ong ở đây có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, tùy theo thời vụ nhưng giá thấp nhất cũng được 200.000 đồng/lít, vào vụ cuối năm lên tới 250.000 đồng/lít, nhiều khi thương lái còn đặt tiền trước để chờ lấy mật. Theo bà Thi, nghề nuôi ong không mất nhiều vốn, không tốn nhiều công sức chăm sóc và chẳng mất thức ăn hằng ngày, lại thu lãi nhanh.

Thoát nghèo từ con ong không dễ

Nói tưởng dễ, nhưng nhiều hộ nuôi ong lại khốn đốn. Chị Nguyễn Thị Hương, cán bộ khuyến nông xã Bắc Sơn kể: Thấy hộ khác chăn nuôi ong "vào cầu" lãi ròng tới cả trăm triệu đồng mỗi năm, bố chị, ông Nguyễn Văn Bình cũng muốn đổi đời từ đàn ong nhưng cứ nuôi đàn nào chết đàn ấy. Mới đây ông Bình nhập tiếp đàn ong về chưa cho thu mật thì cả đàn đã bỏ đi. Hiện đầu tư một đàn ong từ giống, thùng, cầu… chỉ khoảng một triệu đồng, với số vốn ban đầu 10 triệu là đã có 10 đàn ong. Nghề nuôi ong một vốn bốn lời nhưng không dễ mở rộng.
Theo báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn, hiện nay toàn huyện có hơn 200 hộ nuôi ong lớn, thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm, tập trung nhiều nhất ở các xã vùng cao như Minh Trí, Minh Phú, Hồng Kỳ, Nam Sơn, nhiều nhất là Bắc Sơn với 151 hộ. Tuy nhiên, nghề nuôi ong lấy mật ở đây chủ yếu vẫn dựa trên kinh nghiệm. Việc tìm hiểu về kỹ thuật nuôi ong chưa được mọi người chú trọng nên cứ một thời gian là ong lại bỏ đi hoặc bị bệnh. Vì vậy, việc phát triển đàn ong quy mô lớn theo hướng hàng hóa còn nhiều khó khăn. Nhiều người nuôi ong nhỏ lẻ vốn nghèo nên chỉ một hai đàn ong chết hoặc bỏ đi là mật chẳng thấy đâu chỉ thấy nợ nần chồng chất, gắng gượng một vài lần không thành công là chán, là bỏ. Câu nói của một người hàng xóm của bà Thi làm tôi băn khoăn mãi: Nhìn nhà bà Thi và hơn 100 hộ khác trong xã "phất" lên từ mật ngọt của ong, chúng tôi thèm lắm mà loay hoay mãi chẳng biết bắt đầu từ đâu.

Một tín hiệu lạc quan cho đàn ong và người nghèo ở đây là lãnh đạo huyện Sóc Sơn rất quan tâm tới việc xóa đói giảm nghèo vùng quê này và coi đây là một hướng thoát nghèo cho người dân vùng đồi gò, đặc biệt là xã Bắc Sơn với nhiều chương trình tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ… Hy vọng, một ngày không xa, con ong sẽ là cứu tinh của người nghèo ở Bắc Sơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Loay hoay nghề nuôi ong ở Bắc Sơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.