(HNM) - Theo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội, năm 2015 phải đạt mục tiêu 40% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn Bộ Y tế. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, mục tiêu này khó có khả năng hoàn thành.
Đó là thông tin đưa ra tại hội nghị "Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn thành phố năm 2014 và triển khai nhiệm vụ 2015" vừa diễn ra do Sở NN&PTNT tổ chức.
Nan giải đầu tư công trình cấp nước sạch tập trung khu vực ngoại thành Hà Nội. |
Kết thúc năm 2014, tỷ lệ dân số nông thôn Hà Nội được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đạt gần 33,8%. Nếu so với bình quân chung của cả nước, chỉ tiêu còn thấp. Tính đến tháng 7-2014, cả nước có 84% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 42% sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn Bộ Y tế. Ông Lê Văn Dương, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội cho biết, việc tách địa bàn huyện Từ Liêm cũ khỏi khu vực nông thôn khiến tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn Bộ Y tế từ gần 35,3% xuống còn hơn 29,6% khiến mục tiêu tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch giai đoạn 2010-2015 bị ảnh hưởng.
Theo ông Dương, nếu xét từng địa bàn thì tỷ lệ người dân nông thôn Hà Nội sử dụng nước sạch vẫn tăng do một số trạm cấp nước xây dựng dở dang trước đây đã được doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và hộ gia đình mua sắm thiết bị lọc nước hộ gia đình. Đơn cử như huyện Gia Lâm, năm 2014, tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch tăng gần 16,7% và tính lũy kế thì đã có 50% dân số trên địa bàn huyện hiện sử dụng nước sạch. Tại các huyện Thanh Oai, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây, tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch cũng tăng khoảng 6% nhờ các công trình cấp nước tập trung như Xuân Dương, Cự Khê, Tam Hiệp, thị trấn Phùng được đầu tư khôi phục và được đấu nối với hệ thống cấp nước đô thị. Còn lại các địa phương khác, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch chỉ tăng từ 0,76 đến 3,36% so với năm trước.
Một loạt tồn tại liên quan tới việc cấp nước làm ảnh hưởng đến việc hoàn thành mục tiêu HĐND đề ra trong thời gian qua như: công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch còn hạn chế. Bộ máy quản lý trạm cấp nước yếu kém, chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ dẫn đến thất thoát, thất thu trong kinh doanh. Trong số 28 trạm cấp nước xây dựng dở dang, tạm dừng hoạt động, dù thành phố có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng tiến độ triển khai thực hiện chậm so với yêu cầu. Hiện 10 công trình đang dừng hoạt động do bị xuống cấp hư hỏng, không cấp nước được cho nhân dân, 4 công trình đang xây dựng dở dang, 11 công trình cấp nước tạm dừng hoạt động hoặc chuyển thành trạm cấp nước trung chuyển… Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi tiếp nhận đầu tư khôi phục các trạm cấp nước tập trung cũng chưa được giải quyết thỏa đáng. Công tác quyết toán, định giá tài sản đầu tư của các trạm cấp nước chậm, dẫn đến việc hoàn thành thủ tục pháp lý như cấp giấy chứng nhận, ưu đãi đầu tư, giấy phép khai thác tài nguyên, đất đai khó thực hiện. Doanh nghiệp cũng rất vất vả tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng và quỹ đầu tư... Thực tế, khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa bố trí được nguồn vốn đầu tư cho các công trình nước sạch làm ảnh hưởng lớn tới tiến độ triển khai thực hiện dự án. Đơn cử, 6 dự án cấp nước sạch liên xã tại các huyện Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mỹ Đức được thành phố phê duyệt đầu tư năm 2012, cấp nước cho khoảng 240.730 người, tổng mức đầu tư dự kiến 1.386,6 tỷ đồng, đến nay mới được bố trí 40,5 tỷ đồng. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, Sở NN&PTNT đề nghị thành phố tiếp tục bố trí vốn đầu tư, tuy nhiên, do nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung rất khó khăn nên chưa bố trí được. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016 - 2020, việc bố trí kế hoạch vốn từ ngân sách thành phố thực hiện theo Luật Đầu tư công rất chặt chẽ, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung hạn hẹp nên việc bố trí vốn tiếp tục gặp khó khăn…
Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được mục tiêu HĐND thành phố giao là một thách thức lớn từ nay đến cuối năm. Bởi tỷ lệ dân số nông thôn chưa được sử dụng nước sạch khá cao, mặt khác những tồn tại trên khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều, nhất là việc bố trí vốn cho các dự án đầu tư còn khó khăn. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt yêu cầu, đi đôi với đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc sử dụng nước sạch, các sở, ngành liên quan cần rà soát cơ chế, chính sách, tạo điều kiện tốt nhất thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án nước sạch nông thôn, đồng thời đề xuất phương án cải tạo, nâng cấp nâng cao hiệu quả công trình cấp nước sạch nông thôn… để phục vụ nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.