Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loại trừ việc lợi dụng thời tiết để găm hàng, tăng giá

Người Tiêu Dùng| 08/10/2011 05:46

(HNM) - Theo số liệu của Bộ Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ cả nước tháng 9 ước đạt 164,6 nghìn tỷ đồng, tính chung 9 tháng đầu năm 2011 ước đạt 1.382,8 nghìn tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2010.

Việc sức mua hàng hóa xã hội tăng như vậy trong điều kiện kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn là rất đáng mừng, tuy nhiên vẫn còn nhiều yếu tố khiến người tiêu dùng chưa thể yên tâm.

Giá các loại thực phẩm lại tăng do ảnh hưởng của bão. Ảnh: Phương Thảo

Tuần qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 5 và 6, thành phố Hà Nội phải hứng chịu nhiều trận mưa to dai dẳng, kèm theo những bất tiện là giá nhiều loại thực phẩm tăng mạnh, phổ biến từ 15-20%. Tại một số chợ nội thành, giá rau muống dao động từ 5.000-7.000 đồng/mớ, rau cải ngọt 6.000-7.000 đồng/mớ, bắp cải 9.000-10.000 đồng/kg, rau ngót, mồng tơi 3.000-5.000/mớ, bí xanh 8.000-10.000 đồng/kg... Giá các loại rau thơm, rau gia vị cũng tăng. Về thực phẩm tươi sống, thịt lợn dọi có giá từ 110.000-120.000 đồng/kg, nạc vai 130.000 đồng/kg, nạc mông 140.000 đồng/kg, gà ta 150.000 đồng/kg, cá trắm từ 100.000-120.000 đồng/kg, cá rô phi 60.000-65.000 đồng/kg, cá chép, cá quả 100.000-120.000 đồng/kg, tôm biển 140.000 đồng/kg, tôm sú 350.000 đồng/kg, cua đồng 160.000-170.000 đồng/kg...

Lý giải nguyên nhân của sự tăng giá này, các tiểu thương đều nói do mưa bão nên các vùng rau bị hư hại nặng, rau trồng tại các gia đình cũng bị ảnh hưởng. Với mặt hàng hải sản thì bão khiến thuyền bè phải đi tránh, không thể ra khơi đánh bắt được. Nguồn cung thiếu trong khi nhu cầu tiêu dùng không giảm nên tiểu thương phải tăng giá thì kinh doanh mới có lãi (!)...

Từ nay đến cuối năm, dự báo sẽ còn bão ảnh hưởng đến nước ta, trong khi đó, nhu cầu về lương thực, thực phẩm của người dân dịp cuối năm có xu hướng tăng. Khả năng giá thực phẩm sẽ không giảm, hoặc nếu có giảm cũng không nhiều, thậm chí còn có thể tiếp tục tăng là hoàn toàn có thể xảy ra. Không phủ nhận một thực tế là giá thực phẩm, rau xanh thường tăng mạnh mỗi khi có mưa bão, song nếu coi đó là chuyện đương nhiên thì lại không được. Phải xóa bỏ tâm lý chấp nhận thói quen "sống chung" với tăng giá. Muốn thế, bên cạnh việc tính toán tiêu dùng hợp lý, chủ động của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp bình ổn thị trường quyết liệt, hiệu quả hơn, kiên quyết loại trừ việc lợi dụng thời tiết để găm hàng, tăng giá, gây lũng đoạn thị trường...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Loại trừ việc lợi dụng thời tiết để găm hàng, tăng giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.