(HNM) - Khi bức ảnh chụp người đàn ông đi ô tô mở cửa xe, rồi ngang nhiên
Cảnh “xả bậy” thường thấy trên Con đường gốm sứ. |
Tuy nhiên, nếu chỉ tìm ra được "thủ phạm", rồi phạt kịch trần theo quy định 200 nghìn đồng/lượt, thì nhiều người vẫn vô tư "xả thải". Đã đến lúc phải có giải pháp mạnh, xử lý nghiêm khắc hành vi phản văn hóa này.
Những điểm đen "xả thải"
Tại một quán bia ở Đường Thành, đối diện với Vườn hoa Bát Đàn, một đám thanh niên ngồi uống bia hơi. Câu chuyện mỗi lúc một rôm rả rồi một thanh niên đứng dậy, đi thẳng sang bên vườn hoa "xả" vào bức tường của bốt điện. Xong việc, người thanh niên này quay về bàn nhậu. Liên tục có người từ quán bia này, lẫn những quán bia gần đó, người lái xe ôm, người thu gom rác… tìm đến điểm "xả hàng" này. Vì là ở giữa vườn hoa công cộng nên chẳng ai lên tiếng nhắc nhở hay phê phán dù mùi khai nồng nặc xộc thẳng vào mũi của người đi đường.
Con đường gốm sứ, đối diện với Trạm trung chuyển xe buýt Long Biên, cửa khẩu vào chợ Long Biên và chân cầu Long Biên rồi khu vực cổng Công viên Thống Nhất đối diện với hồ Thiền Quang cũng trở thành những điểm "xả bậy" dù gần đó có nhà vệ sinh công cộng hay không. Đáng nói, rất nhiều người "có nhu cầu" nhưng nhất định không vào nhà vệ sinh công cộng.
Lái xe buýt hồn nhiên “xả bậy” tại chỗ trên đường Yên Phụ. |
Khu vực ngã ba đường Trần Phú - Làng Việt kiều (khu đô thị Mộ Lao, quận Hà Đông) rất đông người qua lại. Con đường vào khu đô thị Mộ Lao mới đưa vào sử dụng, vừa rộng rãi, khang trang, vừa phong quang, sạch đẹp. Vậy mà một quãng tường rào dài khoảng hơn một trăm mét của khu văn phòng (cơ sở 2) Tổng công ty Điện lực Hà Nội biến thành "bãi đáp" quen thuộc của không ít người.
Trong khoảng 15 phút, giữa thanh thiên bạch nhật, có đến gần chục người ngang nghiên "xả thải" tại đây. Cách hành xử của họ khó có thể chấp nhận được, bởi lẽ bên kia đường là siêu thị Big C Hà Đông - nơi mọi người có thể vào đó và đi vệ sinh (không mất phí). Anh Nguyễn Văn Hùng, nhân viên trông giữ xe siêu thị bất bình: "Hành vi tiểu tiện bậy bạ của họ không thể chấp nhận được! Những người xả bậy tại khu vực này, hầu hết hành nghề xe ôm, xe ba bánh túc trực tại ngã ba này suốt ngày, không thể nói là họ không biết có siêu thị đối diện bên kia đường. Họ có thể vào đó và đi vệ sinh".
Chỉ tên, bêu danh, xử phạt nghiêm khắc
Chị Nguyễn Thu Hương làm nhân viên nhà vệ sinh công cộng (VSCC) ở gần Trạm trung chuyển xe buýt Long Biên cho biết, mỗi ngày chỉ có khoảng 200 lượt người vào mà chủ yếu là người đi xe buýt, công chức và phụ nữ, trong khi mỗi ngày từ 5h đến 21h có đến hàng nghìn lượt khách lên xuống trạm trung chuyển này. Hầu hết người đi xe buýt, cánh xe ôm chọn cách "xả" thẳng vào Con đường gốm sứ ở bên kia đường hoặc bồn cây dọc dải phân cách, nhất là vào giờ uống bia.
Theo PGS.TSKH Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đây là hiện tượng không thể chấp nhận trong một xã hội văn minh. PGS.TSKH Phan Đình Tân đề xuất, Hà Nội có thể ban hành một quy chế riêng để điều chỉnh hành vi này vì Hà Nội là một đô thị đặc biệt. Nếu Hà Nội làm được việc này thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ vì ai cũng muốn Hà Nội trở thành một thành phố văn minh đúng nghĩa, để khách du lịch đến đây hoàn toàn yên tâm và có cái nhìn thiện cảm về một Thủ đô văn hiến.
Khi được hỏi, mọi người đều lên án hành vi vô văn hóa này và đề nghị cứ phạt thật nặng những người vi phạm. Ông Phùng Chí Tâm, Chủ tịch UBND phường Mộ Lao (quận Hà Đông) cho rằng, cách hành xử của một nhóm người tại khu vực ngã ba đường Trần Phú (đường vào Làng Việt kiều Mộ Lao) là không thể chấp nhận được. Thời gian tới, phường sẽ tăng cường nhân lực, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và sẽ xử lý thật nghiêm để không để xảy ra tình trạng phản cảm tại "tụ điểm" này.
Thành phố Hồ Chí Minh đã có những biện pháp cứng rắn để tẩy trừ nạn "xả thải" bừa bãi, đó là buộc những người đã có hành vi vô văn hóa phải "khắc phục hậu quả" tại chỗ, có người phải mua đến chục chai nước để rửa chỗ mình "bậy" ra. Những người vi phạm còn bị chụp ảnh để gửi về địa phương, trường học và cơ quan công tác… Còn ở Seattle (Mỹ), từ năm 2013, tất cả người "xả bậy" trên đường phố sẽ phải đối mặt với mức phạt khá nặng là 125 USD (tương đương 2,8 triệu đồng). Trong khi đó, ngay ở Manila (Philippines), việc "xả bậy" và khạc nhổ ra đường được coi là hành vi xả rác ra thành phố. Những người vi phạm sẽ bị xử phạt 500 PHP (tương đương 235 nghìn đồng) hoặc phải lao động công ích 8 giờ. Đây là những giải pháp có thể tham khảo nhằm giải quyết triệt để những hành vi phản văn hóa nơi công cộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.