Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loại bỏ Asen như thế nào?

ANHTHU| 14/03/2005 08:20

Ô nhiễm Asen trong nguồn nước là vấn đề nguy hiểm của nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới như Ấn Độ, Băng-la-đét, Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ, Ca-na-đa, Mê-hi-cô... Y học thế giới đã chứng minh, người bị nhiễm độc Asen dễ mắc các chứng bệnh về ung thư da, nội tạng, phổi, xoang, viêm răng, khớp.

Ô nhiễm Asen trong nguồn nước là vấn đề nguy hiểm của nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới như Ấn Độ, Băng-la-đét, Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ, Ca-na-đa, Mê-hi-cô... Y học thế giới đã chứng minh, người bị nhiễm độc Asen dễ mắc các chứng bệnh về ung thư da, nội tạng, phổi, xoang, viêm răng, khớp.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, Asen là một hợp chất khó bị phân hủy nhưng có khả năng bị kết tủa cùng các ion sắt. Hàm lượng sắt trong nước càng cao thì khi xử lý, sắt sẽ làm hàm lượng Asen giảm đi càng nhiều. Loại bỏ Asen khỏi nguồn nước nghĩa là làm giảm nồng độ Asen bằng các biện pháp vật lý và hóa học. Dưới đây là một số phương pháp làm giảm hàm lượng Asen trong nước có thể làm ngay tại các gia đình:

Tạo kết tủa: Dùng hóa chất tạo kết tủa nhờ các phản ứng hóa học với các ion trong dung dịch sắt. Sắt thường tồn tại trong nước ngầm ở dạng Hydro cacbonat hòa tan, khi gặp oxy sẽ được phản ứng tạo thành chất kết tủa. Lắng trong một thời gian dài sẽ làm cho Asen có trong nước kết hợp và lắng xuống đáy cùng với sắt.

Lọc: Phương pháp lọc được sử dụng để tách các chất rắn ra khỏi nước bằng cách cho đi qua khối vật liệu lọc bằng cát, than hoạt tính, vải lọc... Những vật liệu này có tác dụng cho nước đi qua và giữ các chất bẩn như: bùn, sét, các hạt thể keo, các hạt nhỏ từ các chất hữu cơ trong tự nhiên, các hợp chất kết tủa của sắt và măng-gan, bông tụ keo, vi khuẩn... Đây là giải pháp đơn giản nhất và hoàn toàn có thể áp dụng trong mỗi gia đình.

Hấp phụ: Asen có thể được hấp phụ lên bề mặt của các vật liệu dạng hạt, hạt sét hay vật liệu gốc xen-lu-lô như: than hoạt tính đã xử lý bằng một số hợp chất kim loại; các hợp chất ô-xít sắt, ô-xít ti-tan, ô-xít si-líc; sét khoáng (cao lanh, bentonite); bô-xít, hematile, felspat; nhựa tổng hợp trao đổi anion; than xương; cát bọc lớp ô-xít sắt hoặc đi-ô-xít măng-gan (MnO2); mùn cưa; bột giấy.

Ôxy hóa: Ôxy hóa là phương pháp đơn giản, đưa ôxy tác dụng và chiếm lấy điện tử trong nguyên tử của chất phản ứng. Làm thoáng bằng cách sục không khí vào nước, có thể ôxy hóa Asen và sắt có trong nước, tạo kết tủa FeAsO4.

Sử dụng ánh sáng mặt trời: Đây là quá trình xử lý Asen đơn giản trong cấp nước sinh hoạt lấy từ nguồn nước ngầm nhờ sử dụng phản ứng ôxy hóa Asen (III) thànhAsen (V) nhờ ánh nắng mặt trời. Sau đó tách Asen (V) ra khỏi nước nhờ hấp phụ bằng các hạt Fe (III). Phản ứng ôxy hóa quang hóa được tăng cường hiệu suất nhờ nhỏ thêm vài giọt chanh hoặc nước vôi đặc, giúp cho quá trình tạo bông keo có hiệu quả cao hơn.

Ngoài ra, để ngăn ngừa phần nào tác hại của Asen cần chú ý:

Thứ nhất: Đối với khu vực đã có trạm cấp nước tập trung nên ưu tiên cải tạo nâng cấp nhằm bảo đảm hiệu quả xử lý sắt, để hàm lượng Asen giảm theo.

Thứ hai: Khu vực nông thôn đã có các hệ thống xử lý đơn giản với quy mô gia đình, người sử dụng nên thường xuyên thau rửa bể chứa, thay vật liệu lọc... đúng quy trình nhằm xử lý tối đa hàm lượng sắt sẵn có.

Thứ ba: Đối với khu vực nguồn nước ngầm bị ô nhiễm Asen nhưng hàm lượng sắt thấp, không có hệ thống xử lý, cần nghiên cứu, triển khai áp dụng công nghệ hấpphụ, lọc Asen bằng vật liệu thích hợp và khuyến cáo, hỗ trợ nhân dân sử dụng...

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loại bỏ Asen như thế nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.