Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lo viết kịch bản xong sẽ không viết văn được nữa

Hải Giang| 05/08/2015 06:29

(HNM) - Đỗ Bích Thúy là cây bút văn xuôi từng được định danh với đề tài miền núi, nhưng những năm gần đây đã mở rộng địa hạt văn chương của mình khi khai thác các vấn đề của đời sống đô thị và còn

Nhà văn Đỗ Bích Thuý ký tặng sách cho độc giả


- Cuối tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên chị tham dự trại viết của ngành điện ảnh. Điều gì gây ấn tượng với chị về lực lượng sáng tác kịch bản điện ảnh?

- Đúng là lần đầu tiên tôi tham gia một trại sáng tác kịch bản điện ảnh và được xem như "tác giả trẻ". Với tôi thì đây là một lĩnh vực đòi hỏi ở người sáng tác nội lực "thâm hậu". Nghe nhiều nhà biên kịch tên tuổi kể về công việc sáng tác, đặc biệt là quãng đường để một kịch bản đến với màn ảnh, tôi thấy sao mà gian nan. Có những kịch bản sửa đến mười lần, có những bộ phim phải dựng đến mười bốn, mười lăm bản. Tất cả đều mới mẻ và tôi cảm thấy mình như đang chiến đấu với một cái cối xay gió (cười). Tất nhiên, vì chưa lường hết sự vất vả nên tôi chưa biết sợ. Và vì chưa biết sợ nên tôi cứ cắm đầu làm cái đã. Theo tôi biết thì ở ta hiện đang khan hiếm kịch bản hay. Đội ngũ các nhà biên kịch khá đông đảo, nhiều tác giả trẻ, nhưng hầu hết mới chiếm lĩnh sân chơi phim truyền hình, còn phim truyện điện ảnh thì cơ bản vẫn là các tác giả đầy bản lĩnh, kinh nghiệm, từng trải. Nói chung, đây là một lĩnh vực đầy thử thách và tôi đang mò mẫm quyết tâm tới đích.

- Cơ sở để quyết tâm chắc hẳn phải là những kịch bản mà chị đang hoàn thiện?

- Tôi gửi hai đề cương, cả hai đều được nghiệm thu. Cả hai đều về miền núi, một câu chuyện của hôm nay và một câu chuyện của một thế kỷ trước. Hạn nộp là ngày 30-9-2015, tôi cũng không dám chắc mình có thể hoàn thiện cả hai kịch bản trong vòng hai tháng vì quả thực là tôi đang làm nhiều việc quá.

- Là những công việc liên quan đến văn chương và điện ảnh?

- Tôi vừa hoàn thành một kịch bản phim truyền hình 30 tập hợp tác với VFC (Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài THVN), nghe nói tháng 9, tháng 10 này sẽ được đưa vào sản xuất.

Bên cạnh đó, trong lần dựng đề cương cho hai kịch bản phim dự trại sáng tác, tự dưng tôi viết được một cuốn tiểu thuyết. Nói tự dưng là thế này, khi dồn sức cho một đề cương (viết mới hoàn toàn), tôi đã ngồi lặng đi và chợt nhận ra nó chính là câu chuyện của một cuốn tiểu thuyết. Nó đầy chất văn học, nhân vật của nó quá tuyệt vời. Tôi thức trắng cả đêm đó. Gần một tháng qua, câu chuyện này chiếm lĩnh tôi và tôi viết sắp xong rồi.

- Ngày càng có nhiều tác phẩm văn học của ta được chuyển thể sang điện ảnh. Chị nghĩ đây là sự tìm đến của điện ảnh với văn học hay ngược lại?

- Tôi từng rất nể nhà văn Chu Lai, khi viết xong một tiểu thuyết, lập tức ông chuyển thể thành một kịch bản phim và một kịch bản sân khấu.

Văn học thường là cái có trước, là nền tảng, là cảm hứng cho người làm phim. Điện ảnh cũng mang tới một chân dung mới cho tác phẩm văn học. Khi ta rung cảm trước một tác phẩm văn học, tìm thấy yếu tố điện ảnh trong đó, ta sẽ dựa vào tác phẩm để làm phim. Cách này không mới, hầu như các tác phẩm văn học lớn mà bạn đọc say mê đều lần lượt được các nhà điện ảnh chạm tới. Còn việc viết một tác phẩm văn học trên nền tảng của một bộ phim thì tôi không biết đã có ai làm như vậy chưa. Nhưng chắc chắn làm ngược như vậy là không dễ, trừ khi tác giả kịch bản và văn học là một. Nói thế là vì tôi cũng đang có ý định viết lại kịch bản phim truyền hình 30 tập của tôi thành một tiểu thuyết (cười)

- Quả là những ý tưởng đầy hứa hẹn! Vậy điều gì trong ngôn ngữ điện ảnh hấp dẫn và thách thức chị nhất?

- Ngoài cảm xúc thì kịch bản phải dựng được hành động, nếu không thì đạo diễn biết lấy gì mà hình dung. Nhưng viết kịch bản chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc viết văn. Đã có tác giả viết kịch bản xong không viết văn nữa. Đấy là điều tôi lo ngại. Vì mình cũng là con người thôi, đâu phải cái máy xay, bấm nút này cho ra hạt vỡ, bấm nút kia cho ra bột.

- Cảm ơn chị! Dù thế nào cũng chúc chị sẽ thành công ở cả hai lĩnh vực!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lo viết kịch bản xong sẽ không viết văn được nữa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.