Lọ thuốc tiểu đường và chiếc bánh sinh nhật ở khu cách ly
A-lô, a-lô, xin hỏi bác Cúc ở phòng 303 nhà K2 đã hết đá bảo quản thuốc tiêm chưa ạ?” - Nghe tiếng Đại úy Bắc hỏi qua loa giọng khản đặc, bà Nguyễn Thị Cúc (sinh năm 1956; phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vội ra hành lang nói vọng xuống cảm ơn vì trong thùng xốp vẫn đầy đá.
Đêm trắng đầu tiên trong khu cách ly
13h45 ngày 24-3, vừa ăn xong bữa trưa muộn để kịp triển khai công việc buổi chiều, Đại úy Phạm Tường Bắc, Trợ lý tham mưu, Ban Chỉ huy quân sự quận Nam Từ Liêm chợt nhớ ra thùng đá lạnh của bà Cúc có thể đã hết nên vội bắc loa hỏi. Với người bệnh tiểu đường ngày phải uống 3 lần thuốc kết hợp 1 lần tiêm như bà Cúc, thuốc là vật bất ly thân.
Tuy nhiên, đêm 21-3, sau khi nhập cảnh từ Nhật Bản về Việt Nam, được chuyển thẳng về khu cách ly phòng, chống dịch Covid-19 tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (quận Nam Từ Liêm), thuốc uống vẫn còn nhưng lọ thuốc tiêm của bà chỉ đủ cho mũi cuối cùng. Nhận phòng xong, bà vội nhờ người chiến sĩ vừa giúp chuyển đồ lên phòng mua hộ thuốc. Đêm đầu tiên trên chiếc giường tầng ký túc xá, vừa lạ nhà, vừa lo lắng, bà Cúc không chợp mắt nổi...
Đại úy Phạm Tường Bắc (bên phải góc dưới) chỉ huy vòng trong cùng của khu cách ly.
“Phòng của em ở đâu anh ơi?”, “phòng có wifi không anh?", “tầng 1 có muỗi, anh đổi cho em lên phòng cao hơn được không?”, “chú bộ đội cho tôi xin nước nóng pha mì cho cháu”, “mai tôi không ăn cơm được phát thì có được nhận tiền không?”…
Cũng trong đêm 21-3, ánh đèn tại khu nhà phục vụ đặt ngay dưới sảnh tầng 1, giữa hai tòa nhà K1, K2 ký túc xá Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã không tắt. Việc tiếp nhận 255 người nhập cảnh đầu tiên kéo dài từ 15h30 ngày 21 đến ngày 22-3.
Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, bức bí, Đại úy Phạm Tường Bắc, Trung úy Nguyễn Duy Tôn, Thiếu úy Nguyễn Như Vương cùng 8 dân quân, tự vệ ai nấy mắt cay xè, cơ thể mỏi nhừ sau một đêm trắng dẫn đường và vận chuyển đồ đạc giúp bà con về phòng, hỗ trợ các nhân viên y tế kiểm tra, lấy thông tin sức khỏe và hoàn thiện tờ khai y tế với từng người… Đại úy Bắc không nhớ mình đã trả lời biết bao câu hỏi, giải đáp bao thắc mắc, đề nghị như thế. Tuy nhiên, yêu cầu cấp bách về lọ thuốc tiểu đường được anh nhớ nhất.
Ngày hôm sau, hình ảnh lọ thuốc tiêm dưới da có hàm lượng Insulin 40 IU/ml được lập tức chuyển ra vòng ngoài. Thượng tá Phạm Văn Tuân, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận Nam Từ Liêm, Tổng chỉ huy toàn khu cách ly chốt trực ở vòng 2 vội yêu cầu Thiếu tá Nguyễn Thị Hà ra các hiệu thuốc quanh vùng tìm mua gấp.
Còn chưa kịp ráo mồ hôi vì vừa đi mua gom hàng trăm chiếc chổi quét, chổi lau nhà và hót rác chuyển vào cho các phòng làm vệ sinh, Thiếu tá Hà lại xỏ găng tay, kéo kín khẩu trang, tất tả phóng xe ra đường. Khó một nỗi, không dễ như mua chổi, Scilin là loại biệt dược chỉ bán theo đơn nên chị nhận được nhiều cái lắc đầu của các chủ hiệu thuốc. Quay về vòng ngoài khu cách ly, chị phải nhờ đến sự giúp đỡ của kíp y, bác sĩ thuộc Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội đang chốt trực bên trong.
Tối 22-3, nhận được thùng xốp đựng đá bên trong có những lọ thuốc quen thuộc, bà Cúc thở phào nhẹ nhõm vì không bị “đứt bữa” tiêm nào. Từ đêm thứ hai, bà bắt đầu ngon giấc trên chiếc giường tầng ký túc xá. Mối âu lo dần vơi theo từng ngày.
09883678xx - đường dây nóng phục vụ nước pha sữa, sửa khóa và thông tắc bồn cầu
Gần 700 người đang thực hiện cách ly tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đều biết chủ nhân của số điện thoại, Đại úy Phạm Tường Bắc, là tổng chỉ huy vòng trong, thực hiện “4 cùng” - cùng ăn, cùng ở, cùng chăm sóc, cùng cách ly - trong suốt 14 ngày với bà con. Tuy nhiên, rất ít người rõ anh đã tự xung phong vào vị trí này. “Khi cả nước đang cùng chung sức, đồng lòng phòng, chống Covid-19, tôi thấy mình nên xung phong để được đóng góp sức lực nhiều nhất có thể”, Đại úy Bắc chia sẻ ngắn gọn. Trong đời binh nghiệp gần 20 năm, đây có lẽ là nhiệm vụ đặc biệt nhất mà Đại úy Bắc cùng với các chiến sĩ khác đang chung vai đảm nhận và ngày đêm gắng sức hoàn thành trọn vẹn nhất có thể.
Trong những bộ trang phục bảo hộ kín mít, bức bí, lực lượng phục vụ chuẩn bị những bữa ăn hằng ngày cho người cách ly.
“Bé Đạt đã đỡ nhiệt miệng chưa chị Hương? Trưa nay chị nhớ xuống lấy phần sữa chua chúng tôi để dành cho cháu nhé!” - Đại úy Bắc tranh thủ hỏi thăm mẹ con chị Hương tại phòng 302 nhà K2.
Để phục vụ gần 700 người cách ly, Đại úy Bắc tạm chia “đội quân” phục vụ gồm 11 người ra thành các tổ nhỏ như tổ phun thuốc, tổ vệ sinh, tổ phát quà, tổ xung kích giải quyết sự cố và tổ chuyên phục vụ trẻ em, “bà bầu”. Lý giải về tổ phục vụ "bà bầu", Trung úy Nguyễn Duy Tôn bẽn lẽn cười, giải thích, trong khu cách ly có đến hàng chục phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.
Tuổi đời còn trẻ, thậm chí còn tự nhận mình chưa có người yêu, Trung úy Tôn hay Thiếu úy Vương chẳng quản ngại đun nước nóng phục vụ nhu cầu pha sữa, nấu mì cho "bà bầu" hay con trẻ những lúc đêm hôm. Mỗi đêm, 4 chiến sĩ trong tổ phản ứng nhanh vẫn thay nhau trực để giải quyết các tình huống xảy ra. “Phòng nọ gọi xin nước nóng, phòng kia nhờ hỗ trợ vì tắc bể phốt, rồi có người bị kẹt ngoài ban công do khóa hỏng, khiến anh em phải tìm cách phá khóa giải cứu mất hàng giờ đồng hồ…”, Đại úy Bắc kể một vài tình huống họ đã giải quyết.
Chị Hương đã yên tâm khi con trai được chữa khỏi nhiệt miệng, ăn ngon miệng và chơi ngoan trở lại.
Được bộ đội nhường cơm, cả đời không quên ơn nghĩa
Để tạo sự thân thiện, không khí vui vẻ, cởi mở trong khu cách ly, tất cả các chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tại đây đều không quên hỏi han và chú tâm tới bữa ăn của từng người.
Khi đi thu gom hộp đựng đồ ăn sau các bữa, Đại úy Bắc thấy lạ khi bà Phạm Thị Đào (51 tuổi, quê Thái Bình), trong hai ngày đầu chỉ ăn cơm trắng với rau và xì dầu, bỏ lại hết phần thịt. Anh gặng hỏi thì biết bà Đào ăn chay. Ngay ngày hôm sau, bà Đào đã được phục vụ cơm trắng nấu lẫn các loại đỗ với giò chay, nấm, đậu phụ và nhiều loại rau xanh thay đổi theo bữa. Thấy các suất cơm chay phong phú và ngon miệng như vậy, cả 7 người còn lại trong phòng 204 nhà K2 của bà Đào cũng nhất loạt đổi chế độ ăn.
Những suất cơm đầy đặn được người thực hiện cách ly chụp ảnh "khoe" với người thân.
Cậu bé 3 tuổi Nguyễn Tiến Đạt, phòng 302 nhà K2 cũng trong diện được chăm sóc đặc biệt. Hai ngày đầu vào khu cách ly, Đạt bị nhiệt miệng kèm táo bón nặng nên ngày đêm quấy khóc, không chịu ăn uống. Nhìn con gầy rộc trông thấy, chị Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1991, quê Bắc Ninh) xót con cũng chỉ muốn khóc theo. Vậy mà chỉ sau vài viên thuốc kèm men tiêu hóa, nước súc miệng được các bác sĩ tặng, Đạt đã khỏi hẳn.
“Các bác sĩ và các chú bộ đội đều nhiệt tình chăm sóc. Lúc miệng cháu đau, chưa ăn được cơm, các bác đổi sang ăn cháo. Được vài bữa, cháu chán cả cơm lẫn cháo thì lại được uống sữa, đúng loại sữa cháu thích. Để cháu khỏi táo bón, các bác còn nhường cho cháu sữa chua trong khẩu phần của mình”, chị Hương xúc động kể.
Không chỉ nhường sữa chua hay hoa quả cho trẻ nhỏ, những chiến sĩ phục vụ tại khu cách ly còn nhường cả suất cơm cho những nam thanh niên tuổi mới lớn, vốn ăn một suất không đủ no. “Nhường cơm cho mọi người, bữa ít thì 2 suất, bữa nhiều thì 8 suất, các chú lại chỉ ăn mì tôm, trong khi phải làm việc vất vả từ sáng đến đêm. Chúng tôi chưa giúp được gì, trở về lúc này thậm chí là gánh nặng cho Tổ quốc, nhưng lại được nhường cơm, sẻ áo để có 14 ngày sống đủ đầy. Ơn nghĩa này cả đời tôi không quên”, bà Đào nghẹn ngào nói.
Những nụ cười và tình cảm luôn ngập tràn tại trung tâm cách ly.
“Mẹ cứ thử nhờ các bác bộ đội cho chuyển bánh gato vào xem sao? Nếu không được con sẽ chỉ vờ thổi nến với bánh đồ chơi thôi” - nghe con gái thủ thỉ, chị Quỳnh đánh liều cất lời nhờ Đại úy Bắc. Không ngờ, yêu cầu này của hai mẹ con được chấp nhận ngay tức khắc. Ban Chỉ huy khu cách ly đã linh động cho người nhà chị Quỳnh gửi bánh vào đúng ngày 29-3.
Chiếc bánh sinh nhật và bữa tiệc đặc biệt của bé An
Đã thành lệ, trước mỗi giờ cơm chiều, sảnh dưới khu ký túc xá lại trở thành sân khấu đặc biệt, rộn rã tiếng nhạc, tiếng hát. Trong lúc chờ xe chở cơm tối đến, đội phục vụ ai có chút năng khiếu văn nghệ đều xung phong làm ca sĩ. Bộ phận loa đài, sau giờ phát nội dung tuyên truyền liền chuyển sang phục vụ nhu cầu giải trí. Chiều 29-3, giọng đã bớt khàn, Đại úy Bắc thông báo qua loa về một bữa tiệc đặc biệt sẽ diễn ra.
Dứt lời anh, tiếng nhạc bài hát “Happy birthday” quen thuộc vang lên trong những tràng vỗ tay không ngớt của hơn 700 người. Trong phòng 302 nhà K2, bé Nguyễn Hải An, chủ nhân của sự kiện đặc biệt đó, nhắm vội mắt thì thầm ước rồi thổi nến cắm trên chiếc bánh gato, cười òa vui sướng. Mẹ An, chị Lại Thị Thúy Quỳnh lau nhanh giọt nước mắt hạnh phúc, hai tay chạm nhẹ lên bụng để chia sẻ với em bé thứ hai đã bước sang tháng thứ tư.
Có đủ bánh, nến và quà tặng của các chú bộ đội là 4 vỉ sữa cùng hộp bánh quy, bé An đã đón tuổi mới vui vẻ, hạnh phúc như thế. Những tưởng sinh nhật tuổi lên 6 của con sẽ có chút thiệt thòi nên chị Quỳnh dự định sau khi hết hạn cách ly sẽ bù đắp cho con bằng một bữa tiệc vui hơn. Tuy nhiên, giờ chị đã chắc chắn sẽ không có bữa tiệc nào có đông người cùng chúc mừng bé An, lại ăm ắp tình người và sự quan tâm đến thế. Khoảnh khắc đón tuổi lên 6 của bé An cũng như quãng thời gian ngắn chị vừa mang thai, vừa chăm sóc con nhỏ trong khu cách ly sẽ mãi là ký ức bình yên, ngọt ngào như chính chiếc bánh được nhận vào đúng lúc.
Trong khi bé An còn mải ngắm nghía chiếc bánh gato đẹp đẽ của mình trên phòng thì dưới tòa nhà, Đại úy Bắc tiếp tục điều phối phần âm nhạc sôi động dành tặng một người nữa sinh cùng ngày. Sau mỗi bài hát, các chiến sĩ lại nhận được những tràng pháo tay, tiếng reo hò tán thưởng. Từ ban công hai tòa nhà, nhiều bạn trẻ nhún nhẩy, đưa tay lên tạo hình trái tim.
Đã qua tuổi thể hiện tình cảm trẻ trung, táo bạo như thế, những người như bà Cúc, bà Đào hay chị Hương, chị Quỳnh chỉ thầm nói lời cảm ơn những cán bộ, chiến sĩ đã hết lòng phục vụ. Từ đáy lòng mình, tất cả mang ơn Tổ quốc đã dang rộng vòng tay, đón họ trở về, bình yên và an lành!
Bé Hải An nhận quà và đón sinh nhật tuổi lên 6 tại trung tâm cách ly.