(HNM) - Những ngày giáp Tết Nguyên đán, người người đổ ra đường với đủ thứ việc công, việc tư. Từ sáng sớm đến tối muộn, ô tô, xe máy, xe đạp… lấn nhau từng vài chục xăng ti mét khiến giao thông Hà Nội luôn trong cảnh ùn tắc.
Áp lực tăng hơn ngày thường
9h sáng ngày 11-2 (tức ngày 23 tháng Chạp), phố Lò Đúc gần như tắc nghẽn, đoạn từ ngã tư Nguyễn Công Trứ xuôi về Kim Ngưu, ô tô, xe máy nhúc nhích trong sự nhẫn nại của người đi đường. Các cô, các cậu cỡ tuổi học trò đi xe đạp điện len lỏi giữa nườm nượp người xe. Bất ngờ một cậu tạt ngang đầu chiếc xe tải nhỏ, tay lái xe phanh gấp, không thấy tài xế thò đầu ra văng tục như những ngày thường, có lẽ anh ta lo chống đỡ đám xe máy áp sát thành xe bên phải. Tôi cũng kịp phản xạ đạp phanh, chậm một giây là tan đầu xe. Một rung động phía sau, tôi biết có xe máy đã không kịp phanh, đâm vào đuôi xe. Đành chịu vậy. Bên phải xe tôi, một chị xe thồ chở đầy đồ gốm sứ cố đẩy khối dễ vỡ lên vỉa hè nhưng không nổi vì xe máy chiếc nọ nối chiếc kia, lo lắng nhưng chẳng thể làm gì. Tôi đoán cái Tết của nhà chị trông vào xe hàng này. Nếu có ai đó đâm vào, xe đổ, bình hoa vỡ chắc sẽ không có đền bù. Dòng phương tiện bò như rùa mà mấy ông xe biển ngoại tỉnh chở bình ga bóp còi inh ỏi. Ai cũng nhăn mặt. Ơn giời, sau gần 25 phút tôi cũng về được Trần Khát Chân dù đoạn đường này hằng ngày tôi chỉ đi mất chừng 5 phút. Hai bên thành xe xước sát vì bị những cành đào to tướng, xe máy va quệt. Đành chịu.
Ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Như Ý |
Tuyến phố Lò Đúc ngày thường chỉ đông vào giờ cao điểm sáng và chiều, ngày ông Công, ông Táo ùn ứ thế thì các tuyến phố là điểm đen giao thông chỉ nhích vài xăng ti mét một. Trên địa bàn Hà Nội có 27 công trình trọng điểm trong đó có 10 công trình vừa thi công vừa sử dụng, các công trình này tạo ra 44 rào chắn lớn nhỏ. Không có rào chắn đường đã ùn ứ, có rào chắn thời gian ùn ứ kéo dài hơn. Vài năm trở lại đây, giao thông Hà Nội có phần cải thiện vì đường Vành đai 2 đưa vào sử dụng nhưng áp Tết xe chở hàng từ các tỉnh đổ về, xe con cũng về quà cáp cho đối tác làm ăn, bạn bè, người thân hay mua sắm vô cùng đông đúc và ách tắc chính là từ đường vành đai vào nội đô, nguyên do là hàng đoàn xe máy ô tô từ nội đô lao lên tuyến vành đai về quê quà cáp họ hàng, lễ nhà thờ tổ. Ai cũng kêu biếu xén là hủ tục nhưng không người nào dám bỏ nên hội chợ Tết hàng hóa đông đúc, chợ hoa thì người chen người và từ làng hoa Nhật Tân, Tứ Liên ào ào những chiếc xe máy chở những cây đào, cây quất ngật ngưỡng lao ra đường, khối cồng kềnh ấy tuy tạo ra không khí Tết song cũng làm đường thêm chật…
Áp lực không chỉ cho những tuyến phố mà cho cả người điều khiển phương tiện. Có đeo khẩu trang thì người đi xe máy vẫn phải hít khí CO2 vào phổi bởi lượng khí thải quá lớn, bụi vẫn tung lên bám vào da mặt. Về đến nhà mệt nhoài muốn nghỉ nhưng không thể vì vẫn còn việc. Tết mà. Lái ô tô lại có áp lực khác, đầu óc căng thẳng hơn ngày thường. Kẹt đường mới thấy giá trị của xe số tự động, không phải đạp côn hay tay lúc nào cũng nắm cần số nhưng chân trái dù "liệt" thì chân phải lại mỏi nhừ vì liên tục chuyển từ bàn ga sang bàn phanh. Thi thoảng có bác xe máy bất ngờ luồn ngang đầu xe, không kịp phanh là khổ cả mình khổ cả người ta. Cánh lái xe buýt còn mệt hơn, lo sao mỗi khi rẽ phải hay rẽ trái không va chạm, đảo mắt nhìn hai gương nhanh như mắt kẻ trộm. Lại lo chậm giờ so với quy định sẽ bị phạt. Rồi đến điểm đỗ dừng thế nào cho khách xuống, khách lên trong khi đằng sau, đằng trước, bên trái, bên phải đều bị các phương tiện bao vây…
Theo truyền thống, Tết bắt đầu từ ngày ông Công, ông Táo, từ ngày này cho đến 29 Tết, giao thông còn căng thẳng hơn. Đám đông phương tiện lúc nào cũng ào lên phía trước, Luật Giao thông gần như tê liệt trong sự vồi vội của mỗi con người. Tất cả phờ phạc, mệt mỏi… vì giao thông.
Cần một giải pháp tổng thể
Giải bài toán giao thông đô thị nói chung bao gồm mở rộng đường, xây các nút giao thông lập thể, tăng cường phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân… Các giải pháp đó cần rất nhiều tiền và đòi hỏi thời gian dài và Hà Nội đang đi theo hướng đó khi hai dự án đường sắt trên cao, tuyến Hà Đông - Cát Linh và Diễn - ga Hà Nội đang được thi công, dự kiến vài năm nữa thì hoàn thành. Khi hai dự án này đưa vào sử dụng chắc chắn việc đi lại sẽ được cải thiện nhưng hiệu quả thế nào thì cũng cần phải chờ.
Hạ tầng là quan trọng nhưng nếu hạ tầng tăng theo cấp số cộng còn số dân tăng cấp số nhân thì có đầu tư liên tục cũng chỉ là chuyện "rùa chạy đua với thỏ". Nhiều năm nay, những người Hà Nội cũng chỉ mong đến Tết, vì không chỉ được nghỉ, được đoàn viên mà ngày Tết đi lại không lo ùn ứ. Từ Ba mươi Tết đến trước ngày đi làm, các tuyến phố Hà Nội thưa người và phương tiện. Lý do là gần 1 triệu người ngoại tỉnh tập trung chủ yếu trong khu vực nội đô đã về quê ăn Tết. Điều đó cho thấy mật độ dân số tác động trực tiếp đến giao thông. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mật độ dân số khu vực nội đô Hà Nội là 3.490 người/km2, cao gấp 100 lần mật độ dân số trung bình của cả nước và còn cao hơn cả TP Hồ Chí Minh. Từng ấy con người dàn ra trên 1 km2 cũng đã chật chưa nói một phần trong số đó còn có ô tô hay xe máy. Đầu năm 2015, UBND quận Hoàn Kiếm họp báo thông tin cho giới truyền thông kế hoạch giãn dân phố cổ giai đoạn 1. Giãn dân là để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân ở khu vực này trong đó có giao thông, thế nhưng đi trên nhiều tuyến phố, người ta vẫn thấy các tòa nhà văn phòng, chung cư mới hoàn thành hoặc đang xây dựng. Đằng sau một phép trừ về dân số lại là một phép cộng thì áp lực sẽ không giảm. Do vậy bài toán giảm mật độ dân số nội đô cần thiết phải tính tới trong lời giải bài toán giao thông Hà Nội.
Một việc có vẻ không liên quan đến giao thông nhưng đôi khi lại là nguyên nhân gây ùn tắc khi công nhân của Công ty Vệ sinh môi trường đô thị thu gom rác, kéo xe đến điểm tập kết đúng giờ cao điểm. Hay như một công ty quản lý giao thông sơn dải phân cách đúng giờ đi làm buổi sáng đã gây ra tắc đường hàng giờ mà truyền thông đưa tin. Và chỉ cần một chiếc ô tô quay đầu ngay trong con phố chật hẹp cũng sẽ gây ra chuyện. Phân luồng tuyến cũng rất quan trọng, ví dụ như phố Mai Hắc Đế là đường hai chiều, không có biển cấm đỗ ô tô vì thế tầm chiều, ô tô đỗ hai bên và khi có hai xe đi ngược chiều thế là tắc.
Các dự án thi công trong khu vực nội đô buộc phải rào chắn theo quy định và ban ngày nhà thầu phải có người chỉ dẫn, ban đêm phải có đèn cảnh báo thế nhưng nhà thầu thi công tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh chẳng mấy quan tâm chuyện này, để mặc người đi đường tự lo. Người dân sẵn sàng chia sẻ khó khăn khi thành phố đang phát triển nhưng không thể không bức xúc nếu nhà thầu vô trách nhiệm. Cánh lái xe taxi hằng ngày chạy trên các tuyến phố vì thế dễ dàng phát hiện ra đường Lê Đại Hành rẽ phải ra Đại Cồ Việt bị thóp lại vô lý, tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa, đoạn ngã ba rẽ Trung Tự vẫn có ngôi nhà chưa được giải tỏa đã tạo ra nút thắt. Áp lực giao thông áp Tết đã lộ thêm những bất cập. Xe máy hiện là phương tiện giao thông cá nhân chủ yếu, tuy nhiên vào buổi sáng, phần lớn mỗi xe chỉ có một người. Chỉ cần một phần ba trong số đó chở thêm một người nữa thì sẽ giảm được một phần ba số xe máy lưu thông.
Để giải quyết căn cơ giao thông Hà Nội có lẽ phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ lớn đến bé, nếu không thì tắc đường, ùn ứ chắc vẫn diễn ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.