Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lo ngại vụ Thanh Hóa cho đấu giá cao hổ tang vật

Vietnam+| 02/12/2010 08:33

Sáng 1/12, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên “cầu cứu” báo chí trước việc Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho phép một số đơn vị trong tỉnh thực hiện đấu giá 2,77kg cao hổ thành phẩm trong công văn số 6414/UBND-NN ngày 19/11.


Đấu giá 50 triệu đồng/kg cao hổ

Việc số cao hổ thành phẩm này được đấu giá 50 triệu đồng/kg thực sự gây sốc cho dư luận cũng như các nhà bảo tồn và hoạt động môi trường.

Câu hỏi đặt ra là: Ai đang bảo vệ các loài động vật hoang dã đang bị đe dọa nguy cấp ở Việt Nam?

Trong nhiều trường hợp được pháp luật cho phép, khi các cơ quan chức năng đã thành công trong việc phát hiện các vi phạm và tịch thu các tang vật có thể bị đưa vào thị trường.

Tuy nhiên, với việc cho phép đấu giá 2,77kg cao hổ của Ủy ban Nhân dân Thanh Hóa, vai trò của các cơ quan chức năng chẳng khác nào một trung gian trong đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép. Rốt cuộc, số động vật hoang dã bị tịch thu kia đã trở nên “hợp pháp” sau khi qua “tay” các cơ quan chức năng.

Cách đây ít ngày, đoàn đại biểu của Việt Nam vừa mới trở về từ Hội nghị Thượng đỉnh bảo vệ loài hổ tổ chức tại Liên bang Nga với những cam kết mạnh mẽ nhằm bảo vệ loài vật này.

Cũng tại hội nghị, chính phủ của 13 nước đã đồng ý chi 127 tỷ USD để cam kết tham gia vào chương trình phục hồi hổ toàn cầu. Trong khi đó, các cơ quan chức năng Thanh Hóa lại cho phép nấu cao tang vật hổ thu giữ được để... đấu giá!

Bà Lê Minh Thi, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên nói: “Các cơ quan chức năng Thanh Hóa cần phải nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình và có hành động hợp lý đối với việc bảo vệ loài hổ.”

Thanh Hóa: Tỉnh đã làm đúng

Trả lời PV, Ông Trần Việt Hưng - Trưởng phòng Truyền thông và Nâng cao nhận thức Trung tâm Giáo dục thiên nhiên cho biết, hiện vẫn còn hai cá thể hổ chết (mỗi con nặng gần 100kg) đang được giữ đông lạnh tại trang trại của ông Nguyễn Mậu Chiến ở Thanh Hóa chờ được xử lý.

Trung tâm Giáo dục thiên nhiên đã liên lạc với cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa nhằm gợi ý phương án xử lý hợp lý nhất đối với hai cá thể hổ này. Theo đó, cách xử lý phù hợp nhất chính là chuyển giao cho một cơ sở nghiên cứu khoa học có đủ chức năng pháp lý và điều kiện cơ sở vật chất để tiếp nhận hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Trước câu hỏi cơ quan báo chí trước việc Thanh Hóa cho phép bán đấu giá 2,77kg cao hổ thành phẩm, ông Trịnh Văn Chiến - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hoá cho biết: Con hổ chết là hổ nuôi của ông Nguyễn Mậu Chiến (chủ trang trại nuôi hổ tại xóm 27, xã Xuân Tiến, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Nguyên nhân con hổ chết là do pháp luật không cho phép nuôi nên ông Chiến bỏ liều, không chăm chút.

Sau khi chết, con hổ được làm thịt tách da, xương nấu được 2,77kg cao (cao 25% vì có phụ gia). Bộ da được chuyển cho bảo tàng tỉnh. Cao hổ thì Sở Tài chính đề nghị chuyển cho Bệnh viện Đông y tỉnh Thanh Hóa và định giá mỗi lạng cao 5 triệu đồng.

Ông Chiến khẳng định "Nếu trong tỉnh đồn lên dư luận là cao có 5 triệu đồng/lạng thì rất mệt cho tỉnh xử lý chuyện này nên lúc đó tôi nói là cho đấu giá sòng phẳng, rõ ràng, tránh chuyện dị nghị. Một phần tiền đấu giá sẽ bồi thường cho ông Chiến, còn lại cho vào quỹ tài chính tỉnh. Tôi khẳng định là Thanh Hóa và cá nhân mình đã xử lý theo đúng thông tư 90.

"Tôi đã giao cho Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Thanh Hóa và Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa báo cáo Cục Kiểm lâm và cục cũng đã có ý kiến là xử lý theo một trong ba hướng theo thông tư 90. Tôi cũng giao cho Sở Tư pháp tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh xử lý. Sở Tư pháp cho biết cách xử lý của Ủy ban Nhân dân tỉnh là hoàn toàn chuẩn xác," ông Chiến nói.


Điều 2 thông tư số 90/2008/TT-BNN quy định xử lý tang vật là động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm trong nước đã chết hoặc bộ phận cơ thể, sản phẩm của chúng:

1. Tang vật là động vật rừng đã chết hoặc bộ phận của chúng thuộc nhóm IB được xử lý bằng một trong những biện pháp dưới đây: a. Chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành, cơ quan quản lý chuyên ngành, trung tâm cứu hộ loài đó để làm tiêu bản hoặc chuyển giao cơ sở y tế để nghiên cứu, bào chế thuốc. b. Tiêu hủy trong trường hợp tang vật mang bệnh hoặc không xử lý được bằng biện pháp trên.

2. Tang vật là động vật rừng đã chết hoặc bộ phận của chúng thuộc nhóm IIB được xử lý bằng một trong những biện pháp dưới đây: a. Chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành, cơ quan quản lý chuyên ngành, trung tâm cứu hộ loài đó để làm tiêu bản hoặc chuyển giao cơ sở y tế để nghiên cứu, bào chế thuốc. b. Bán cho các tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật. c. Tiêu hủy trong trường hợp tang vật mang bệnh hoặc không xử lý được bằng các biện pháp trên.

Việc áp dụng các biện pháp xử lý tang vật được thực hiện theo nguyên tắc: Áp dụng các biện pháp xử lý tang vật từ trên xuống dưới, khi không xử lý được bằng biện pháp trước mới xem xét áp dụng biện pháp kế tiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lo ngại vụ Thanh Hóa cho đấu giá cao hổ tang vật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.