(HNMO) – « Ở đây hát có « tay vịn » không? Bao tiền một tiếng? Có được chọn « hàng » không? »… Những câu hỏi này đương nhiên là « xưa như trái đất »...
Có cầu, ắt có cung
Mỳ ăn liền và karaoke là hai phát minh của người Nhật đóng góp vào mười phát minh lớn của loài người trong thế kỷ hai mươi. Không nói đến mỳ ăn liền, có lẽ với karaoke được du nhập vào miền Bắc nước ta khoảng hơn hai chục năm trở lại đây.
Lúc đầu (những năm chín mươi của thế kỷ hai mươi), khi kỹ thuật số chưa « lên ngôi », người ta say sưa hát cả băng (thường là 90 phút) và muốn hát lại bài mình hoặc bạn bè yêu thích thì phải « tua » lại. Rồi đến khi có đầu đĩa VCD, DVD xuất hiện việc chọn bài hát của người hát karaoke dễ dàng hơn… Đương nhiên, cùng với đó, đời sống vật chất càng ngày càng được nâng lên thì phòng hát của các quán kinh doanh karaoke phải được cách âm, phải có điều hòa nhiệt độ thì mới thu hút được khách hàng.
Cũng cùng với thời gian, lại xuất hiện một loại hình dịch vụ để « câu » khách đến với nhiều quán hát, đó là loại hình dịch vụ «ca-ve ». Trên thực tế, “ca-ve” là một từ không có trong từ điển. Đây là từ « lóng » mà dân gian ám chỉ người (chủ yếu là phụ nữ) biết hát và biết để khách hàng nam giới ve vãn. Lưu ý, ở góc độ nào đấy, “ca-ve” không hẳn là « gái gọi », “gái bán hoa” hay gái điếm. Ở đây, họ là những người làm công việc chọn bài hát, hát cùng khách hàng hoặc hát để phục vụ khách hàng trong phòng hát; họ phải biết uống bia, uống rượu cùng khách hàng.
Khi "ca-ve" về làng sẽ phá vỡ những giây phút hành lành mạnh như thế này! |
Khi mới xuất hiện loại hình dịch vụ này, tại nhiều quán kinh doanh karaoke trong khu vực nội thành, phần lớn các chủ quán nuôi ăn, nuôi ở những nhân viên nữ tại quán; còn về thu nhập của họ thì hầu hết phụ thuộc vào tiền «thưởng » mà khách hàng cho. Đương nhiên, trên thực tế, chủ quán yêu cầu họ phải khéo léo, biết chiều chuộng khách hàng để mở thật nhiều bia, rượu hoặc đồ uống khác, ăn thật nhiều hoa quả, bánh kẹo của quán hát (càng nhiều càng tốt) nhằm giúp chủ quán thu về nhiều lợi nhuận hơn…
Thường thì những nhân viên làm nghề này tại nhiều quán kinh doanh karaoke là những phụ nữ trẻ, có ngoại hình bắt mắt, không cần thiết phải có giọng hát hay mà điều bắt buộc là phải ăn mặc hở hang và phải biết chiều chuộng khách hàng (tức là để cho họ được vuốt ve, sờ mó). Có như vậy, mới giúp quán hát hút khách và «tiền thưởng» của khách dành cho họ mới nhiều hơn. Bởi vậy, trong dân gian mới truyền nhau câu nói đi hát karaoke để tranh giải «bàn tay vàng» chứ không phải để tranh «giọng ca vàng».
Phá vỡ sự bình yên nơi làng quê
Những năm gần đây, nhiều quán kinh doanh karaoke trong nội thành không còn nuôi ăn, nuôi ở đội ngũ nữ nhân viên «ca-ve» như trước đây nữa mà chuyển hướng sang nếu khách có nhu cầu thì gọi các em đến phục vụ. Thế rồi, xu hướng này đã lan về không ít vùng quê ven đô Hà Nội và đang trở thành «mốt» chơi của không ít khách khi đi hát karaoke.
Trước đây, những quán kinh doanh karaoke ở ngoại thành Hà Nội mở ra thuần túy chỉ nhằm phục vụ nhu cầu đi hát của gia đình, nhóm bạn bè. Nhưng rồi, thấy thu nhập từ nghề kinh doanh karaoke cũng khá, nên nhiều gia đình có lợi thế ở mặt đường trục chính tại các vùng quê đã thi nhau mở quán hát. Do đó, sự cạnh tranh cũng trở lên quyết liệt. Và để thu hút khách hàng, không ít chủ quán đã nghĩ đến việc cần tạo ra sự mới lạ đó là gọi gái về phục vụ nhu cầu hát của khách nam giới. Ban đầu còn dè dặt, nhưng chỉ một thời gian sau nó đã trở thành xu hướng kinh doanh mới của không ít chủ quán hát tại một số làng quê ven đô.
Khách hàng có nhu cầu các « em gái » hát phục vụ, chỉ cần đợi khoảng 15-20 phút, lâu hơn chút nữa khoảng 30 phút là có cả tá các em về đáp ứng. Giá cả được ấn định trước là 200 nghìn đồng dành cho mỗi em trong thời gian phục vụ hát là một tiếng đồng hồ. Thế là không kể ngày nắng, ngày mưa, ban ngày hay đêm tối, ngày cuối tuần hay ngày hành chính, chỉ các «thượng đế» có nhu cầu là chủ quán hát gọi các em về phục vụ. Thậm chí, các thượng đế còn có quyền đổi các «ca-ve» một khi chưa ưng ý.
Mặc dù trên thực tế các em thuần túy chỉ là «ca-ve » theo đúng nghĩa, tức là không có sự mua bán dâm mà chỉ biết chọn bài hát, hát cùng khách hàng, biết uống bia, uống rượu và cũng biết để các «thượng đế» vuốt ve, nhưng khi đã xuất hiện loại hình dịch vụ này thì không thể nói thuần phong mỹ tục tại làng quê không bị phá vỡ.
Đáng lo ngại hơn, đã xảy ra không ít cuộc ẩu đả, đánh chửi nhau gây mất an ninh trật tự. Trước hết là giữa các nhóm «thượng đế»; rồi phức tạp hơn là giữa các nhóm bảo kê «gái gọi». Thường thì mỗi quán có một hay vài «ông anh» đến đặt mối với chủ quán, nếu khách hàng có nhu cầu thì gọi… Thậm chí, các «ông anh» bảo kê còn đe dọa cả chủ quán hát nếu không cho các «em gái » của mình vào quán phục vụ khách hàng thì…
Bên cạnh đó, ngoài mất việc gây mất an ninh trật tự, thì còn có mối lo về an toàn giao thông. Bởi mỗi khi khách hàng có nhu cầu, thì một xe máy do một «ông anh» điều khiển trên xe chở đến 2-3 «em gái», thậm chí là 4 em không đội mũ bảo hiểm «phóng» như bay đến quán hát. Bắt gặp cảnh tượng này, ai cũng ngao ngán lắc đầu.
Vẫn biết có cầu, ắt có cung. Nhưng để bảo đảm sự bình yên cho các làng quê ven đô, đã đến lúc chính quyền sở tại, cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn thực trạng này, nhất là với những hành vi khiêu dâm trong các quán kinh doanh karaoke.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.