Lượng học sinh đến ôn đại học dịp này giảm một nửa so với năm trước, các lò luyện vì thế cũng vắng bóng hơn.
"Phố" luyện thi đại học cấp tốc Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hay khu vực gần và trong khuôn viên Đại học Sư phạm I dịp hè này trở nên vắng vẻ.
Con ngõ nhỏ dài khoảng 100 m sau Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) mọi năm chi chít biển báo lịch ôn cấp tốc, năm nay chỉ duy nhất lò luyện "Nhà số 01" sáng đèn. Bên trong lò, nhiều phòng học bị bỏ trống. Ca 9h30 sáng 25/6 chỉ có một lớp hoạt động với 9 học sinh ngồi lọt thỏm giữa mấy chục bộ bàn ghế đủ cho hơn 100 người.
Lớp học luyện thi đại học môn Toán tại trung tâm "Nhà số 01", ngõ 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội sáng 25/6. Ảnh: Quỳnh Trang. |
"Từ đầu mùa đến giờ có ít học sinh đến ôn thi lắm. Năm ngoái cả con ngõ 4-5 lớp luyện thi, giờ tan tầm các em ùa ra nườm nượp. Năm nay, chắc không có người học nên mấy trung tâm chuyển thành cửa hàng photocopy, dịch vụ ăn uống, chụp ảnh thẻ", chị Vân Anh bán nước ở đầu ngõ 336 Nguyễn Trãi nói.
Chị Minh, soát vé tại khu luyện ôn cấp tốc trong đại học Sư Phạm Hà Nội cũng chia sẻ rằng, mùa năm nay sĩ tử vào ôn đại học giảm nhiều so với các năm trước. Nhiều lớp ôn buổi tối không còn mở cửa nữa.
Đã học gần một tháng ở trung tâm luyện thi cấp tốc tại đại học Sư phạm I, Nguyễn Văn Minh (THPT Hoằng Hoá2, Thanh Hoá) cho biết, ngày nào lớp mình cũng chỉ có 20-30 người học trong phòng rộng thênh thang, bàn ghế thừa thãi. Lớp khối A còn đông người đến, các lớp Văn, Sử rất ít học sinh hơn.
"Lò luyện đại học cấp tốc của Hà Nội năm nay nhìn chung đều bị giảm số lượng học sinh. Riêng trung tâm chúng tôi cũng phải giảm đến một nửa so với năm ngoái", bác Du – phụ trách trung tâm luyện thi Bình Du ở ngõ 175 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy nói.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm mạnh lượng học sinh lên Hà Nội ôn đại học, theo bác Du là do: "Đề thi ra kiểu làm được 10 điểm thì khó, 9 điểm tương đối còn 6-7 điểm thì ai cũng làm được". Thí sinh do đó chẳng cần phải vất vả vào lò học vừa xa xôi, tốn kém, nóng bức mà cứ ở nhà tự ôn tập cũng không sợ bị điểm 5.
Bên cạnh đó việc nhiều em không cần thi cũng có 4-5 giấy báo nhập học, rồi tình trạng sinh viên ra trường 75% thất nghiệp khiến học sinh mất hứng thú với học hành. "Anh chị mình học đại học xong vẫn thất nghiệp tràn lan thì các em lo ngại cho tương lai, nghĩ thà không thi cử, cứ đi làm ngay từ đầu còn hơn", bác Du nói.
Thầy Văn Hưng, giáo viên dạy Toán tại trung tâm luyện thi gần đại học Bách khoa thì cho rằng, lượng học sinh năm nay giảm mạnh do nhiều trường cấp 3 cũng tổ chức ôn thi. Các em học quen thầy cô giáo ở trường nên sẽ tiếp tục luyện bài tại đó. Giáo viên này cũng đồng tình với ý kiến, do đề thi những năm gần đây dễ lấy điểm 7-8, nội dung bám sát sách giáo khoa nên nhiều học trò tự tin ôn tập tại nhà.
Tin rằng, học ở trung tâm với sự hướng dẫn của thầy cô có nhiều kinh nghiệm ôn đại học, nắm được cấu trúc đề, các dạng bài thì việc thi cử sẽ thuận lợi, song Nguyễn Thị Mai (THPT Tân Trào, Thái Nguyên) vẫn chọn cách tự ôn tập. Mai cho biết, vì sợ kiểu nhồi nhét học sinh trong phòng chật hẹp, nóng bức nên em không vào lò luyện thi. Bạn bè trong lớp cấp 3 cùng nữ sinh này cũng hoặc tự ôn hoặc luyện thi ngay tại trường Tân Trào.
"Mọi người ai cũng kêu vào lò luyện đông đúc, học khổ lắm nên em chỉ ở nhà ôn thôi. Em thấy tự học và luyện đề qua Internet cũng hiệu quả. Đề môn Văn luôn có dàn bài hướng dẫn chi tiết cho thí sinh. Môn Toán thì cấu trúc, dạng đề thi các năm đều giống nhau nên em nghĩ cứ chăm luyện đề để quen phương pháp là ổn. Môn tiếng Anh học chắc kiến thức sách giáo khoa và làm nhiều bài đọc chắc cũng không sợ điểm kém", Quỳnh Hoa (THPT Nguyễn Du, Nam Định), thí sinh thi khối D1 vào đại học Hà Nội nói.
Năm "mất mùa" nặng này, giá các giờ học ở trung tâm được đẩy cao hơn những năm trước. Lò luyện trong đại học Sư phạm Hà Nội, trung tâm luyện thi Thăng Long (Chùa Bộc, Đống Đa, HN), trung tâm Đa Minh (gần ĐH Bách Khoa)... thu 40-80.000 đồng/1 ca học khoảng 1h30-2 tiếng. Những năm trước, mỗi ca học chỉ mất 25-30.000 đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.