Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Lọ Lem hè phố'' dưới mắt các nhà chuyên môn

TUANANH| 08/02/2004 16:49

Theo Hãng phim Giải Phóng, tính đến ngày 6/2, phim đã đoạt doanh thu gần 6 tỷ đồng. Song bên cạnh sự khen ngợi, không ít nhà chuyên môn tỏ ra lo ngại cho một khuynh hướng làm phim kéo khách bằng việc khai thác sống sượng mặt trái cuộc sống của “những cô gái trong bóng tối”.

Theo Hãng phim Giải Phóng, tính đến 6/2, phim đã đoạt doanh thu gần 6 tỷ đồng. Song bên cạnh sự khen ngợi, không ít nhà chuyên môn tỏ ra lo ngại cho một khuynh hướng làm phim kéo khách bằng việc khai thác sống sượng mặt trái cuộc sống của “những cô gái trong bóng tối”.

Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân: "Cần thu lợi nhuận nhưng không phải bất chấp tất cả"

Tôi không chống lại việc làm phim giải trí cũng như tính thương mại của điện ảnh. Bởi chính tôi cũng từng tham gia vào việc sản xuất những bộ phim ăn khách với tư cách là biên kịch nhiều năm về trước. Ở đây, tôi chỉ muốn lưu ý một điều. Người ta hấp dẫn, thu hút khán giả đến rạp bằng phương cách nào, với nội dung gì?

Tôi là người gắn bó với phim Gái nhảy ngay từ khi nó còn là kịch bản Trường hợp của Hạnh của nhà văn Ngụy Ngữ. Tôi cho rằng nhà văn Ngụy Ngữ khi dựa trên số phận nghiệt ngã của các cô gái để xây dựng cốt truyện hoàn toàn có một chủ ý khác. Kịch bản của anh có một đứa bé và người bố là một anh thương binh, có cả chùa chiền và kinh kệ nữa, cũng như mối quan hệ giữa cô Hạnh và hai cha con này. Tất cả những thứ đó đã làm nên chất tẩy rửa cần thiết cho những cảnh ô uế, nhơ nhớp của đám khách làng chơi và các cô gái. Tất cả đều bị đạo diễn sửa lại kịch bản, tước bỏ hết và mô tả câu chuyện theo một cách khác: thô rám, trần trụi và bạo liệt hơn.

Nếu như đó là một bộ phim hiện thực phê phán thì sự dẫn dắt đưa người xem vào những ngóc ngách của mặt trái đời sống “hạ lưu” sẽ có ý nghĩa tố cáo những tệ nạn xã hội. Đằng này, phim dẫn dắt người xem với một thái độ gần như thích thú đi từ cái nhầy nhụa này sang cái nhầy nhụa khác. Khi xem bản nháp ở hãng phim, tôi bị sốc vì khó chịu. Cả bộ phim là một sự phơi bày, khơi gợi những cảnh mà những ai có sĩ diện đều thấy xấu hổ. Với tư cách phó chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của hãng phim, tôi đã đề nghị cắt bớt những cảnh khêu gợi nhục dục, bê tha đó đi. Nhưng tất nhiên là tôi đã thua.

Tôi vẫn bảo lưu ý kiến của tôi sang đến Gái nhảy 2 tức Lọ Lem hè phố. Là một thành viên trong Hội đồng Nghệ thuật của Hãng phim Giải Phóng, tôi được gởi kịch bản để đọc và góp ý kiến. Sau khi đọc xong, tôi gởi trả kịch bản và thẳng thắn không tham gia vào bộ phim này. Lý do chính là nó lại tiếp tục phát triển một lối câu khách bằng việc khai thác cái thế giới nhớp nhúa, hạ nhục phụ nữ như từng diễn ra ở tập 1. Đành rằng trong cuộc sống, ta bắt gặp cái sự thực đó nhưng nếu biến nó trở thành cái để hấp dẫn, thu tiền thì tuyệt đối không nên. Trên thế giới đã có không ít những bộ phim làm về giới các cô kỹ nữ như: Đường phố sỉ nhục (đạo diễn Nhật Bản Keaji Mizoguchi), Tích-kê (đạo diễn Hàn Quốc Im Kwon Taek) và bộ phim thời thượng của Mỹ mà nhiều người biết là Pretty woman, nhưng các phim đó đều mang lại một sự cảm thụ sạch sẽ.

NSND, đạo diễn Huy Thành: "Thế là đủ rồi đấy!"

Khai thác một đề tài gắn thật với cuộc sống, có nhiều thân phận, chọn tên tuổi ca nhạc để đóng phim, quay phim đẹp, hình ảnh hấp dẫn... đó là thế mạnh của Lọ Lem hè phố. Nếu không đặt nặng vấn đề nghệ thuật mà chỉ nhằm yêu cầu giải trí thì phải chấp nhận theo cách đó. Nghiêm túc quá sẽ không có ai đến rạp. Nhưng nội dung Lọ Lem hè phố lại bất chấp logic thật, tính cách nhân vật thật. Mà nếu cứ dẫn dắt không thật hoài, người ta sẽ không tin. Nhưng nói như thế không có nghĩa là ta khuyến khích việc đưa lên màn ảnh đề tài này mãi. Cứ tưởng như thế là ăn khách thì sẽ ăn... đòn! Thế là đủ rồi đấy!

Về nghề nghiệp, nếu không có sự cân nhắc, chỉ nghĩ đến chuyện câu khách thì cũng không được. Trình độ người xem ngày càng được nâng lên, nghề nghiệp người làm phim cũng phải nâng lên: Vừa ăn khách vừa phát triển câu truyện cho có logic, chặt chẽ.

Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn: "Đừng nói quá lên một bộ phim sao chép!"

Tôi ủng hộ Lọ Lem hè phố ở góc độ phim giải trí. Mục đích của phim là ăn khách nên đừng đòi hỏi khắt khe quá. Đòi hỏi nghệ thuật ở đây là sai chỗ. Phim mang 70% nội dung của Người đàn bà đẹp (Pretty woman) và 30% của Gái nhảy. Sẽ là vấn đề bình thường nếu đạo diễn và hãng phim đừng nói quá lên một bộ phim sao chép, đừng đại ngôn.

Đời sống ca sĩ rất phóng đãng nên chuyện một chàng ca sĩ chưa cưới mà ngủ với hôn thê thì cũng không có gì là quá đáng bởi trong đời sống điều đó có thể xảy ra. Nếu đó là một ông thầy giáo thì dễ bị lên án. Mà như ở phim Thung lũng hoang vắng, cô giáo lén lút đi ăn nằm với trai sao không lên án?

Nhà quay phim Phạm Hoàng Nam: "Đây là một bộ phim thất bại về nghề"

Với tôi, là một người trong cuộc, tôi không hài lòng và cảm thấy có lỗi với khán giả. Nhìn lại phim, cũng như qua ý kiến của khán giả, nếu bỏ qua chuyện thành công về doanh thu thì đây là một bộ phim thất bại về nghề của chúng tôi, vì: làm về múa mà không hiểu gì nghệ thuật múa, làm về “gái” mà không hiểu gì về “gái”, làm về ca nhạc mà không hiểu gì về sân khấu và đời sống ca nhạc, làm về khách sạn sang trọng mà không hiểu gì về khách sạn, làm về báo mà không hiểu gì về báo, làm về xe hơi mà không hiểu gì về xe hơi, làm về quảng cáo mà không hiểu gì về quảng cáo... Nó cũng chẳng có một đột phá gì trong phương pháp thể hiện hoặc thủ pháp nghệ thuật điện ảnh. Tôi tự nhận chúng tôi đã thực hiện bộ phim này một cách vội vã, tùy tiện và thiếu hiểu biết về thực tế đời sống.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: "Tôi ủng hộ khuynh hướng này!"

Đây là một phim tốt, nội dung tốt. Cách thể hiện có tính mùi mẫn, hơi cổ tích, xem nhẹ nhàng. Phim còn nhiều hạt sạn như mọi người nói nhưng chuyện đó là bình thường. Về nội dung, thường người ta nghĩ đã là diễn viên là hư hỏng nhưng cả hai nhân vật chính trong phim đều lương thiện, họ tìm thấy ở nhau sự cứu rỗi để trở về cuộc sống bình thường, trở lại với văn nghệ đại chúng. Phim có tiến bộ so với Gái nhảy. Nội dung chẳng phản động, nên chẳng thể cấm nó được.

Hãng Giải Phóng đã nỗ lực để có hai bộ phim đoạt doanh thu cao để có thể độc lập dù gượng gạo bằng tác phẩm. Với tư cách người quản lý, tôi ủng hộ khuynh hướng này.

Tiến sĩ nghệ thuật học Đức Kôn: "Các nhà quản lý nghĩ gì về thực trạng sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi?"

Tôi cho rằng, với những ai chỉ cần có chút hiểu biết tối thiểu về nghệ thuật và một thị hiếu bình thường, khi xem Lọ Lem hè phố (Gái nhảy 2), hẳn sẽ phải dị ứng về nhiều mặt: Dị ứng về cách sống, về cái gọi là tình yêu của một thứ nghệ sĩ nhố nhăng hòa trộn trong cái thế giới đĩ điếm bát nháo (mặc dù chưa là gì cả so với thực tế), được “tái tạo” thông qua một thứ “nghệ thuật” đầy rẫy sự chắp nối, bịa đặt ấu trĩ, phi lý và vô nghĩa, phản ánh chỉ để mà phản ánh... Tóm lại là đối đầu một cách công khai với Chân, Thiện, Mỹ...

Những người làm phim, đặc biệt là những “nghệ sĩ tài ba” hẳn là biết rõ mọi sự nhếch nhác này hơn ai hết (?!) nhưng vẫn cứ nghênh ngang “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”? Vậy nên, thiện chí và sự bàn bạc nghiêm túc có khi lại trở thành ngớ ngẩn?! Và thật ra, tất cả đã phơi ra, chẳng có gì đáng để bàn nữa.

Vấn đề đặt ra là, trong tình hình phim ảnh “chính thống” èo uột như hiện nay, nếu các nhà quản lý cứ “bình chân như vại”, thậm chí có người, bằng cách này hay cách khác, còn góp phần cổ xúy cho loại phim như Lọ Lem hè phố, dù là tiền túi của tư nhân, tiếp tục sinh sôi nảy nở (hoặc cứ để cho nó tự chết - dù cũng sớm thôi!), thì quả là khó hiểu thật! Định hướng là đâu và khán giả còn biết trông cậy vào ai đây?

Theo Người Lao Động

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Lọ Lem hè phố'' dưới mắt các nhà chuyên môn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.