(HNM) - Mái tóc dài, óng ả của phụ nữ Thái đã làm tốn không ít giấy mực của các nhà thơ, nhà văn và
Một điểm thu gom tóc tại Điện Biên. |
Từ chân đèo Pha Đin về thị trấn Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên theo quốc lộ 6 chỉ khoảng 10km nhưng có hàng chục điểm thu mua tóc. Mỗi điểm có 3-4 người ngồi chải chuốt, phân loại tóc, còn đội quân đi thu mua tóc là người trong bản. Nhìn những mái tóc mượt mà, óng ả xếp la liệt mà xót xa, còn những người thu mua ở đây nom lúc nào cũng vui, hơn hớn nụ cười. Bà Cà Thị Tuyết, chủ một điểm thu mua tóc giơ lên cho chúng tôi xem mái tóc dài khoảng 0,8-0,9m, cười toe toét: Tóc càng dài, càng đẹp thì càng được giá, nên mỗi khi mua được mái tóc như thế này thì cầm chắc là lãi cao. Tóc thu gom sẽ được phân loại và chuyển về Hà Nội.
Đội quân thu mua của bà Tuyết rất đông, thành phần đa dạng, giờ không phải là mùa vụ nên họ tranh thủ tỏa đi thu mua, điểm đến ưa thích nhất là những bản vùng cao, nơi có thể mua được những mái tóc dài đẹp với giá rẻ bất ngờ. Được biết mỗi người đi thu mua về bán lại cho các điểm gom tóc, thấp nhất tiền công cũng là 50.000 đồng/ngày, đó là với những người không có vốn, mới vào nghề, còn làm lâu, có kinh nghiệm thì tự bỏ tiền thu gom, gặp mối thì ngày trúng vài trăm nghìn đồng là chuyện thường. Cho nên ngày càng có nhiều người bổ sung vào đội ngũ thu mua. Cà Thị Lán mới đi từ sáng mà đến quá trưa đã mua được một bịch tóc mang về, cân lên được 0,5kg. Tóc rối tùy loại nhưng giá mua khoảng từ 1,9-2 triệu đồng/kg, còn tóc dài mượt thì giá từ 6-7 triệu đồng/kg. Khi được hỏi về những đối tượng bán tóc, Cà Thị Lán cho biết: Giờ đa số con gái mới lớn không muốn để tóc dài mà muốn cắt ngắn, sấy nhuộm theo mốt. Một số người vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà phải bán. Chị Lán cho chúng tôi xem một loại dầu gội đầu nhòe nhoẹt, không biết của hãng nào bên Trung Quốc sản xuất, nhưng theo quảng cáo thì loại dầu này cho tóc mọc dài ra hàng mét sau 3 tháng. Vừa đi mua tóc, vừa bán dầu gội, nên Lán rất thành công trong việc mua tóc dài ở những bản vùng sâu, vùng xa.
Mái tóc dài của người phụ nữ dân tộc và đặc biệt là của người Thái đen ở Điện Biên, Sơn La từ xưa đến nay luôn được gìn giữ như bảo bối, vì nó thể hiện vẻ đẹp văn hóa độc đáo riêng, sự thủy chung của người phụ nữ với chồng, sự kính trọng đối với họ hàng cha mẹ khi về nhà chồng. Họ, khi chưa lấy chồng thì buông tóc dài, đến ngày lấy chồng, trong lễ cưới, nhà chồng long trọng tổ chức lễ "tằng cẩu", mái tóc dài óng mượt ấy được búi cao lên đỉnh đầu, báo hiệu với mọi người rằng người phụ nữ ấy đã có chồng, chỉ trừ trường hợp chồng chết thì mái tóc ấy mới được thả xuống. Và trên nẻo đường vùng cao Tây Bắc, ta thường bắt gặp hình ảnh thật đẹp trong mỗi buổi sớm ban mai, khi mùa ban, đào, mận nở. Trong khói sương bảng lảng, hay trong nắng chiều nghiêng nghiêng đỉnh núi, những cô gái Thái thắt đáy lưng ong trong những bộ áo coóm truyền thống, tằng cẩu và đội khăn phiêu dệt lên bức tranh tuyệt mĩ của miền sơn cước. Vậy mà, buồn thay giờ đây một số thiếu nữ người dân tộc đã sẵn sàng bán đi mái tóc một cách không thương tiếc... Và cũng chính vì lợi nhuận mà gần đây xuất hiện nạn ăn cắp tóc, cướp tóc trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Có trường hợp ở huyện Tủa Chùa, phụ nữ lên nương ngủ lại ở trên lán, đến khi tỉnh dậy thì mái tóc dài đã không cánh mà bay. Mới đây, Công an huyện Điện Biên đã bắt nhóm 8 người (cả nam lẫn nữ) do Phan Anh Tùng ở tổ 17, phường Nam Thanh và Nguyễn Thị Thu ở phường Noong Bua, TP Điện Biên Phủ cầm đầu, đã gây ra một số vụ cướp tóc giữa thanh thiên bạch nhật. Chúng rình rập ở nơi vắng vẻ rồi xông ra khống chế, cắt phăng mái tóc của nạn nhân đem bán...
Tôi chợt nhớ đến câu chuyện "Bán tóc đãi bạn" ngày xưa. Đại loại chuyện là thế này: Tùng, Trúc, Mai chơi thân với nhau. Tùng may mắn được làm quan, còn Trúc, Mai lấy vợ nhưng sống trong cảnh nghèo túng. Một hôm Tùng đến chơi, nhà không còn một đồng để đãi bạn, hai vợ chồng Mai bàn nhau bán tóc đãi bạn, nhưng không cho bạn biết. Tùng thấy vợ bạn cắp rổ đi chợ, trưa về đội một rổ thức ăn, nhưng trên đầu lại trùm một chiếc khăn đen mặc dầu không phải vào mùa gió rét. Lúc đầu Tùng không để ý. Sau đó, trong khi anh đi thơ thẩn ở hồi nhà thì thấy Mai và vợ kéo nhau vào buồng rì rầm trò chuyện. Ghé trông vào, một điều kinh ngạc đập vào mắt anh: Lúc này vợ Mai đã lột bỏ chiếc khăn, nhưng mái tóc xanh trên đầu thì không còn nữa. Vì vậy, khi vợ chồng Mai bước ra khỏi buồng, Tùng vội hỏi lý do vì sao nàng lại cắt tóc. Biết không giấu được nữa, vợ Mai đành cắt nghĩa: Lúc sáng ra đi không có tiền, định hỏi mượn mấy người quen, họ cũng không sẵn. Nhân có nhà hàng tóc giả cần mua mấy lọn, sẵn có mớ tóc dài, tôi liền bán đi. Một đời một kiếp bạn mới đến chơi nhà, không lẽ ngồi nhìn nhau suông tình ư? Anh đừng ngại, tóc cắt đi rồi nó lại mọc, lo gì. Tùng hết sức xúc động về hành động của vợ Mai. Anh bèn nói thật với bạn biết, nào chuyện mình thi đỗ làm quan, cất công tìm bạn, rồi đến nhà Trúc được y đối đãi tệ bạc thế nào... Nói xong, Tùng lục tay nải đưa ra cho vợ Mai một hộp trầu bằng vàng và nói: "Hàm răng, cái tóc là góc con người", tôi rất ân hận không được biết trước để ngăn chị đừng bán mất mái tóc quý giá. Nhưng cũng nhờ đấy mà tôi mới biết được tấm lòng vàng của chị. Bây giờ xin tặng chị vật này, chị cứ bán đi mà tiêu, sau này tóc dài, sẽ lại kiếm cách đi làm ăn.
Chuyện người xưa cho thấy sự quý giá nhường nào của mái tóc. Nếu không vì chuyện "vạn bất đắc dĩ", chẳng người phụ nữ nào lại bán bỏ mái tóc dài của mình. Còn bây giờ, thấy người ta có hoàn cảnh khó khăn thì dụ dỗ, gạ gẫm bằng mọi cách, nếu không được thì... cướp tóc. Lo lắm, tóc dài ơi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.