(HNM) - Vụ án tại Công ty Việt Hồng cho thấy tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật thông qua mạng internet, mạng viễn thông đang diễn biến phức tạp.
Cơ quan chức năng làm việc với Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng. |
Vụ 14.000 người bị nghe lén điện thoại, tuy chỉ là một trong nhiều vụ việc vi phạm trên lĩnh vực mạng internet và viễn thông trong thời gian gần đây nhưng lại gây "sốc" trong dư luận bởi số thuê bao bị xâm hại lớn. Thực tế, tình trạng sử dụng các thiết bị nghe lén, quay lén đã xâm nhập vào xã hội nhiều năm nay. Điều kiện để các loại thiết bị này dễ dàng tồn tại là do việc quản lý bị buông lỏng. Không ít người biết về sự hiện diện của các loại máy móc, công nghệ quay chụp, ghi âm lén nhưng đến nay chưa có văn bản pháp quy nào quy định việc quản lý, hạn chế, ngăn ngừa lưu hành các loại thiết bị dạng này. Khi đã có thiết bị trong tay, việc kẻ xấu sử dụng nó vào các mục đích phi pháp sẽ khó phát hiện hơn nhiều.
Một khoảng trống nữa trên mạng viễn thông là việc sử dụng các thiết bị hiện đại kết nối vào mạng điện thoại trong nước. Với thủ đoạn này, các đường dây tội phạm dẫn dụ thuê bao vào mê cung kết nối đến các đầu số giả của các cơ quan chức năng nhằm mục đích đe dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những vụ việc có tính chất như trên liên tục xảy ra trong thời gian gần đây, trong khi đó hiệu quả đấu tranh triệt phá của lực lượng chức năng còn khiêm tốn. Đơn cử như vụ việc cuối tháng 6 vừa qua, ông T. (ở quận Hai Bà Trưng) bị kẻ xấu giả danh nhân viên nhà mạng, lừa kết nối đến các số điện thoại giả để rồi cuối cùng mất trắng hơn 700 triệu đồng khi chuyển tiền vào tài khoản của tội phạm... Theo thống kê của CA, trong khoảng một tháng qua đã có 16 người dân ở các tỉnh, thành trên toàn quốc bị lừa đảo với phương thức tương tự, trong đó có 7 người ở Hà Nội và 2 người ở TP Hồ Chí Minh bị chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng.
Tội phạm cũng lợi dụng mạng internet gia tăng các hoạt động phi pháp. Một mặt, các loại tội phạm truyền thống sử dụng internet là phương tiện để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo... Trung tướng Nguyễn Văn Ba, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm - Bộ CA cho biết, trong dịp World Cup 2014, mặc dù các đơn vị phòng chống tội phạm công nghệ cao đã ngăn chặn 1.300 trang web đánh bạc từ nước ngoài thâm nhập vào Việt Nam, chặn hơn 700 lượt truy cập đánh bạc, song các vụ cá độ bóng đá trên mạng internet vẫn diễn ra nhiều.
Thời gian gần đây, Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm cũng liên tục cảnh báo về loại tội phạm sử dụng mạng xã hội để làm quen hoặc đánh cắp tài khoản trên các trang xã hội để lừa chuyển tiền, mua hộ thẻ điện thoại... Một điều tra viên cho biết, phương thức lừa đảo chủ yếu là xâm nhập vào tài khoản xã hội cá nhân, lợi dụng mối quan hệ quen biết để chuyện trò, sau đó nhờ mua card điện thoại, chuyển tiền qua tài khoản để mua quà. Nghiêm trọng hơn, lợi dụng lòng tin qua mạng xã hội, đã xuất hiện đối tượng lừa bán người qua biên giới vì mục đích mại dâm, bóc lột sức lao động... Sau khi thực hiện được hành vi, các đối tượng xóa hoặc không dùng các tài khoản trên mạng nữa, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra.
Để ngăn chặn những hành vi xâm hại sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân thông qua mạng internet, mạng viễn thông, ngoài việc đòi hỏi sự tỉnh táo và "thông thái" của người tiêu dùng, công tác quản lý cần được siết chặt. Trước tiên cần kiện toàn hệ thống pháp lý liên quan, không thể để cho các thiết bị công nghệ cao có tính chuyên biệt được thả nổi trên thị trường mà không chịu một hình thức giám sát nào, cả về thuế quan và kỹ thuật. Tương tự, vấn đề quản lý mạng xã hội trên internet cũng cần được nghiên cứu và có hình thức quản lý, giám sát phù hợp, hạn chế trở thành công cụ của tội phạm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.