(HNM) - Báo Hànộimới số ra ngày 30-3-2013, có bài viết
Do chậm xử lý, hàng chục lò gạch thủ công tại xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) đã gây thiệt hại nhiều diện tích lúa, hoa màu và cây ăn quả. Điều đáng nói, "điệp khúc" này diễn ra năm này qua năm khác, bất chấp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội.
Nhiều diện tích lúa ở khu Bãi đã bị lò gạch thủ công “đốt cháy”. |
Sáng 3-4, chúng tôi có mặt tại xã Sài Sơn, khi địa phương này đang khẩn trương chuẩn bị cho Lễ hội chùa Thầy (mùng 7-3 âm lịch). Tương phản phong cảnh nên thơ của chùa Thầy với hoa gạo, hoa sữa là cánh đồng phía sau danh thắng với gần 60 lò gạch ngạo nghễ tồn tại như những lô cốt, trong đó nhiều lò đang nhả khói. Đất ruộng bị đào khoét nham nhở để lấy đất làm gạch. Con đường ven đê đi ra khu vực nghĩa trang thôn Thụy Khuê, trên cánh đồng Bãi hiện vẫn còn tới 13 lò gạch thủ công. Thời điểm sáng 3-4, mặc dù trời mưa nhưng vẫn có 2 lò đang hoạt động. Nhiều lò còn lại vẫn còn gạch mộc, nguyên vật liệu tập kết xung quanh, chưa có dấu hiệu nào cho thấy chủ lò sẽ dừng đốt như chính quyền
địa phương khẳng định. Ghi nhận tại thực địa cho thấy, rất nhiều ruộng lúa xuân ở cánh đồng Bãi bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều thửa lúa chuyển màu vàng úa hoặc bị cháy rụi.
Theo Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thụy Khuê Nguyễn Tất Tình, HTX có gần 200ha đất nông nghiệp, riêng khu đồng Bãi có 18ha. Toàn thôn có tới hơn 50 lò gạch thủ công các loại, qua tuyên truyền vận động mới có 4 chủ lò tự tháo dỡ, hoàn trả lại mặt bằng. Các chủ lò còn lại tìm cách trì hoãn và bằng mọi cách để tiếp tục hoạt động. "Khi xảy ra sự cố làm chết lúa, hoa màu của người dân, các chủ lò đứng ra bồi thường theo thỏa thuận với người dân. Hộ nào đồng ý đổi ruộng thì chủ lò đổi, còn không cuối vụ sẽ quy 240kg thóc/sào để bồi thường" - ông Tình cho hay. Không chỉ những hộ cấy lúa, trồng hoa màu ở khu vực gần sát với các lò gạch bị ảnh hưởng mà nhiều trang trại, hộ chăn nuôi ở các thôn xung quanh như Đa Phúc, Phúc Đức cũng bị thiệt hại. Nhiều diện tích cây ăn quả như bưởi Diễn, ổi tỷ lệ đậu quả thấp, nhiều năm liền không cho thu hoạch, thiệt hại tới cả trăm triệu đồng.
Về câu hỏi tại sao vẫn để lò gạch thủ công "đỏ lửa" trong giai đoạn lúa ở đồng Bãi, thôn Thụy Khuê, đang trong thời kỳ phát triển và chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về hạn cuối cùng giải tỏa lò gạch thủ công là hết tháng 12-2012, ông Tình giải thích: "Khi kiểm tra thì họ chấp hành nhưng khi chúng tôi đi khỏi, hoặc lợi dụng ban đêm, khi không có người, các chủ lò lại tiến hành đốt gạch. Lúc phát hiện được thì lò đã "đỏ lửa" nên việc xử lý rất khó". Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là phải đến khi phóng viên đề cập thực tế có lò gạch đang hoạt động (vào thời điểm sáng 3-4), lãnh đạo xã Sài Sơn mới hay biết.
Xã Sài Sơn là "điểm nóng" về lò gạch thủ công của huyện Quốc Oai. Quá trình xóa lò gạch ở đây đang đặt ra nhiều vấn đề về ý thức của chủ lò cũng như sự thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương. Chủ tịch UBND xã Sài Sơn Nguyễn Đình Thụy thừa nhận việc xóa lò gạch thủ công trên địa bàn còn rất nan giải. Lý do ông Thụy đưa ra là: "Những hộ dân này tận dụng nốt phần nguyên liệu đã tập kết trước đó và phần gạch mộc đã làm". Tuy nhiên, lý do này không chính đáng bởi việc xóa lò gạch thủ công đã được UBND TP Hà Nội chỉ đạo giải tỏa quyết liệt hơn hai năm nay. Các cơ quan thông tin đại chúng cũng phản ánh nhiều nhưng chính quyền địa phương phớt lờ, bất chấp dư luận. Chính sự chỉ đạo thiếu kiên quyết, có phần "nhượng bộ" của chính quyền địa phương mà các hộ dân này đã "tự do" đốt gạch, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đặc biệt ở khu vực này lại có khu danh thắng chùa Thầy. Ông Dương Tôn Kiên, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết: "Huyện đang chỉ đạo xã Sài Sơn tập trung tuyên truyền để người dân tự giác tháo dỡ. Nếu không chấp hành, chúng tôi sẽ yêu cầu xã Sài Sơn và các ngành chức năng liên quan hoàn thiện thủ tục pháp lý, tổ chức cưỡng chế trong quý II năm 2013".
Tuy nhiên, nếu thực trạng này ở xã Sài Sơn không được quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân cụ thể để xử lý rõ ràng thì khó có thể trông đợi kết quả tích cực nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.