Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lò gạch gây hại hoa màu

Ánh Dương| 03/11/2017 08:09

(HNM) - Thời gian qua, UBND huyện Phúc Thọ đã chỉ đạo cơ quan chức năng và UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, bảo đảm hoạt động của các lò gạch nung đúng quy trình công nghệ.


Trên địa bàn huyện Phúc Thọ hiện tồn tại 31 cặp lò (62 vỏ lò) sản xuất gạch nung theo công nghệ có ống khói cao và hệ thống xử lý khói thải (lò gạch cải tiến). Theo đề xuất của Sở Xây dựng với UBND thành phố tại Báo cáo 388/2016/BC-SXD, đến ngày 31-12-2016, những lò gạch cải tiến trên địa bàn huyện Phúc Thọ phải dừng hoạt động. Nhưng do nhiều lò gạch mới được phê duyệt xây dựng, đưa vào sử dụng từ năm 2014-2015, các chủ lò chưa thu hồi được vốn đầu tư nên xin gia hạn hoạt động đến năm 2018-2020. Trên cơ sở đó, những địa phương có lò sản xuất gạch nung đã đề nghị UBND huyện Phúc Thọ trình UBND thành phố xem xét.

Trong quá trình hoạt động, một số lò gạch bị xuống cấp, quá trình đun đốt gạch đã gây cháy lúa, hoa màu và ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Đa cho biết: Trên địa bàn xã có 2 cặp lò sản xuất gạch nung, xây dựng tại khu đất công ích, thuộc xứ đồng Chàng Cày, thôn Phú Đa. Liền kề là địa bàn thôn Phú Mỹ (xã Ngọc Tảo), có 4 cặp lò đang hoạt động. Tháng 5-2017, một lò gạch ở xã Ngọc Tảo trong quá trình đun đốt, gặp mưa nhiều, bị nứt vỡ góc vỏ lò, khiến khói và sức nóng “táp” xuống, làm thiệt hại lúa, hoa màu của hơn chục hộ dân thuộc hai thôn Phú Đa và Thanh Mạc. UBND xã Ngọc Tảo yêu cầu chủ lò gạch kiểm tra, đánh giá thiệt hại hoa màu, bồi thường cho nhân dân và khắc phục sự cố. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay tại các lò gạch thuộc địa bàn xã Thanh Đa và Ngọc Tảo, một số vỏ lò bị nứt, lại đang trong quá trình đun đốt, khói tràn ra xung quanh... nên khó bảo đảm không ảnh hưởng đến hoa màu của người dân.

Tương tự, địa bàn xã Võng Xuyên có 9 cặp lò cải tiến. Người dân phản ánh, khoảng tháng 8-2017, hai chủ lò đun đốt gạch, hơi nóng táp xuống ruộng đồng, làm thiệt hại rau màu của một số hộ dân ở Cụm dân cư số 10 (thôn Bảo Lộc). Cũng vì ảnh hưởng của khói lò và khó khăn trong tiêu thoát nước, nhiều hộ dân có ruộng ở gần lò gạch, thuộc thôn Bảo Lộc đã bỏ ruộng, không canh tác.

Theo ông Ngô Văn Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên, có thời điểm gặp thời tiết xấu, hoạt động của các lò gạch đã gây cháy lúa, hoa màu, chủ lò phải chủ động thỏa thuận bồi thường cho người dân. Thế nhưng, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Hùng lại khẳng định: “Huyện không nhận được thông tin gì”. Trong khi trước đó, UBND huyện Phúc Thọ đã yêu cầu các chủ lò gạch phải cam kết “không gây ô nhiễm môi trường, không gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của nhân dân khu vực lân cận…”. Phải chăng, công tác kiểm tra quy trình công nghệ, hoạt động đun đốt gạch của cơ quan chức năng huyện Phúc Thọ thiếu thực tế?

Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo đảm mục tiêu hài hòa trong phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, người dân rất mong UBND huyện Phúc Thọ sớm kiểm tra quy trình công nghệ, hoạt động đun đốt gạch trên địa bàn và xử lý nghiêm vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lò gạch gây hại hoa màu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.