Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Lò'' đào tạo ''vô lăng vàng''

Tuấn Lương| 12/03/2022 06:34

(HNM) - “Chúng tôi tâm niệm, đã làm nghề lái xe buýt thì luôn phải điềm tĩnh, trách nhiệm, để mỗi hành trình, mỗi chặng di chuyển của hành khách trong mạng lưới vận tải công cộng của Thủ đô đều được an toàn. Và sau mỗi ngày làm việc, chúng tôi trở về nhà khi đêm đã muộn vẫn có gia đình ngóng đợi. Đó là hạnh phúc!”. Đây là chia sẻ từ những người lái xe buýt của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) - nơi được coi là một trong những “lò” đào tạo “vô lăng vàng”, giải thưởng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia dành tặng cho những lái xe giỏi, an toàn.

“Vô lăng vàng” Nguyễn Tiến Thịnh trong một ca làm việc. Ảnh: Tuấn Khải

Vui - buồn "ông" xe buýt

Xe buýt ở Hà Nội luôn phải chịu nhiều “búa rìu dư luận”, rằng đường phố thì bé mà cái xe lại to, tắc hết cả đường. Càng tắc thì những chiếc xe buýt kềnh càng càng trở nên nổi bật, dễ bị so sánh. Trong những lúc phải chen chúc giữa khói bụi, giữa người và xe, không ít người đi đường bực mình với xe buýt rồi bực lây sang cả người lái xe, bất chấp thực tế ùn tắc là do lượng phương tiện cá nhân gia tăng theo cấp số nhân, vượt quá khả năng đáp ứng của hạ tầng chứ không phải tại “ông” xe buýt.

Nhiều lái xe buýt bảo, muốn hiểu áp lực đối với nghề này như thế nào chỉ cần vài lần ngồi ở những hàng ghế đầu nhìn xuống đường là thấy đầu óc “căng như dây đàn”. Xe buýt dài 10m, chỉ kém xe container, trong khi cứ 500-700m lại phải ra vào điểm dừng để đón trả khách. Đường ngày càng tắc, xe máy, ô tô các loại nhiều lúc tạt đầu xe buýt, chỉ sơ suất một chút là xảy ra tai nạn.

“Có lẽ không có gì khổ hơn lái xe buýt. Giao thông Thủ đô hỗn hợp, đường đông, đã thế chốc chốc xe buýt lại ra, vào điểm đỗ. Nhiều công nhân lái xe, nhân viên bán vé bị người đi đường lườm nguýt, thậm chí còn bị hành hung trong lúc tham gia giao thông... Đã lái xe buýt, không điềm tĩnh cũng trở thành điềm tĩnh”, ông Nguyễn Tiến Thịnh (50 tuổi), Xí nghiệp Xe buýt Hà Nội (Transerco), lái xe buýt tuyến số 31 (lộ trình Đại học Bách khoa - Đại học Mỏ) chia sẻ.

Hơn 20 năm trong nghề lái xe buýt, ông Thịnh nhớ như in từng ổ gà hay hố ga của đường đi tuyến buýt số 31. Mỗi ngày, lái xe buýt có 2 ca làm việc. Nếu làm sáng, người lái xe phải dậy lúc 3h30, nhận giấy tờ, bàn giao phương tiện, kiểm tra dầu mỡ xe, phanh, côn, kính, đèn xi nhan… để 5h xe xuất bến. Chỉ khi đã bảo đảm đầy đủ các yêu cầu an toàn về phương tiện, xe buýt mới được ra tuyến phục vụ hành khách. Làm ca chiều luôn về muộn, thường 1h sáng mới có mặt ở nhà. Những hôm trời mưa gió, đi làm vô cùng vất vả.

“Lái xe buýt làm việc theo ca, trung bình chạy 8-9 giờ/ngày và được nghỉ 5-10 phút giữa mỗi lượt đi và về để vệ sinh cá nhân, nếu tắc đường thì quãng thời gian 10 phút ngắn ngủi này cũng không có. Vì thế, hành khách đi xe buýt không hiếm gặp cảnh ngay trước khi xe lăn bánh, lái xe tranh thủ gặm bánh mỳ, nhân viên bán vé ngồi ở bậc cửa xe ăn xôi”, anh Thịnh nói.

Vì đặc thù công việc, mối duyên của anh Thịnh với vợ cũng bắt đầu từ xe buýt. “Bà xã” là khách hàng ruột thường ngày của xe buýt, đi mãi thành quen xe, quen người. Từ thấu hiểu được nỗi niềm về nghề, sự chịu khó, điềm tĩnh trước áp lực công việc đã gắn kết họ thành đôi.

Trưởng thành từ lái xe tải chuyên chạy các tỉnh miền núi, đường đèo dốc, vực sâu nguy hiểm, quãng năm 2001-2002, ông Hồ Xuân Phong (49 tuổi) sang đầu quân cho xe buýt, đảm trách chạy tuyến 33 (lộ trình Bến xe Yên Nghĩa - Xuân Đỉnh) thuộc Trung tâm Tân Đạt (Transerco).

“Ban đầu nghĩ chả biết mình trụ với xe buýt được mấy tháng vì vất vả, áp lực, thế mà đến nay đã hơn 10 năm ôm vô lăng xe buýt. Tuyến xe chạy qua nhà tôi ở Hà Đông, thỉnh thoảng nhìn thấy tôi, vợ con tôi lại vẫy tay chào. Chỉ bình dị vậy thôi nhưng cũng giúp tôi vững vàng hơn trên mỗi cung đường. Tôi luôn tâm niệm, đã làm nghề lái xe thì phải tâm huyết, luôn giữ mình để có sức khỏe ổn định, hạn chế rượu, bia, tâm lý luôn thoải mái để có những chuyến đi an toàn”, ông Phong chia sẻ.

Tiêu chí chất lượng, hiệu quả, an toàn

Trong năm 2021 vừa qua, các ông Nguyễn Tiến Thịnh và Hồ Xuân Phong vinh dự là 2/5 lái xe của Transerco và 2/50 lái xe của cả nước đoạt giải “Vô lăng vàng” do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trao tặng. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh những người lái xe giỏi, an toàn.

Để đạt được thành tích trên, các lái xe phải trải qua quá trình sàng lọc, tuyển chọn và thẩm định gắt gao từ phía đơn vị. Đó là trong 4 năm trở lại đây không để xảy ra tai nạn giao thông; chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về an toàn giao thông, không bị xử phạt do vi phạm luật; lái xe an toàn 12.000km/năm; có những nghĩa cử, hành động cao đẹp, đạo đức nghề nghiệp như tham gia cứu người bị tai nạn giao thông, giúp đỡ hành khách trong trường hợp đặc biệt, có uy tín và sức lan tỏa trong đội ngũ lái xe…

Khi được tôn vinh và trao giải, bản thân các lái xe đều thấy vinh dự. “Vào tối hôm nhận giải, vợ con tôi rất phấn khởi vì những cống hiến trong công việc của tôi được ghi nhận. Cả nhà cùng xem ti vi và đùa nhau rằng mấy khi được lên sóng truyền hình”, ông Thịnh cười nói.

Ông Vũ Hữu Tuyến, Chủ tịch Công đoàn Transerco chia sẻ, năm 2021 là năm thứ 9 giải “Vô lăng vàng” được tổ chức. Ở cả 9 kỳ, Transerco đều vinh dự “đóng góp” vài cá nhân và luôn được trao tặng giải thưởng tập thể. Để có đội ngũ lái xe giỏi, qua đó từng bước nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, hằng năm, các xí nghiệp đều xét thưởng tiêu chí giữ gìn xe tốt, lái xe an toàn. Transerco có quy chế đánh giá lái xe, nhân viên phục vụ bằng các tiêu chí chấm điểm cụ thể, như không đâm va, bảo đảm an toàn, thái độ phục vụ tốt, không bị xử phạt vì vi phạm trật tự an toàn giao thông… Nếu đạt các tiêu chí thì lái xe sẽ được hưởng thêm khoản tiền lương chất lượng, hiệu quả. Trong một năm, tất cả các tháng đều đạt thì đánh giá kết quả cả năm, từ đó chọn những người uy tín nhất tham dự giải “Vô lăng vàng” quốc gia. Các tiêu chí này được đánh giá từ trung tâm điều hành dịch vụ, trung tâm kiểm soát chất lượng dịch vụ của Transerco và thông qua sự kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước (Thanh tra Giao thông - Vận tải, Cảnh sát giao thông, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội).

Ngoài ra, cứ hai năm một lần, Transerco tổ chức cuộc thi lái xe giỏi. Dù chỉ là cuộc thi nội bộ của tổng công ty song tính cạnh tranh, “màu cờ sắc áo” giữa các đơn vị rất cao. Mỗi xí nghiệp đều chọn ra những lái xe giỏi nhất để thi đấu, quyết tâm giành giải thưởng.

“Transerco có khoảng 3.000 công nhân lái xe buýt. Hiện, đời sống của anh em còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài vừa qua, khiến một số thời điểm xe buýt phải dừng hoạt động do giãn cách xã hội hoặc hạn chế tần suất hoạt động để chống dịch. Tuy nhiên, tổng công ty đã có những giải pháp hỗ trợ kịp thời để người lao động yên tâm công tác”, Chủ tịch Công đoàn Transerco Vũ Hữu Tuyến cho biết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Lò'' đào tạo ''vô lăng vàng''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.