(HNM) - Trận đấu lớn cuối cùng của mùa giải Premier League 2009-2010 vừa khép lại. Cảm giác chung của giới chuyên môn là vừa bất ngờ vừa không bất ngờ. Còn giới hâm mộ? Khen ngợi Chelsea, buồn cho Liverpool, đáng trách nhất là Steven Gerrard.
Là thủ quân đội bóng ở trận đấu then chốt cuối mùa giải nhưng Gerrard lại có đường chuyền về vô cùng bất cẩn tạo nên bước ngoặt của trận đấu. Bàn thắng ở phút 33 của Didier Drogba từ sai lầm của Gerrard như chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài Liverpool.
Các cầu thủ Chelsea ăn mừng bàn tháng sau pha chuyền bóng sai lầm của Gerrard. |
Thật khó tin một cầu thủ ở đẳng cấp của Gerrard lại thiếu tập trung và vô trách nhiệm đến thế. Cầu thủ này đã sổ toẹt mọi cố gắng của đồng đội trong 30 phút đầu tiên của trận đấu. Liverpool vẫn tự biết không thể sánh bằng Chelsea về lực lượng, tinh thần thi đấu cũng không tốt (sau thất bại trước Atletico Madrid ở bán kết lượt về Europa League) nhưng các học trò của HLV Rafa Benitez đã thi đấu kiên cường ở trận đấu có thể là cuối cùng của mình trong sắc áo đỏ của CLB vùng Merseyside. Vạn người làm, chỉ một người phá là xong!
Bài học bóng đá của Liverpool không mới, nhưng cái giá phải trả lúc nào cũng như nhau: thật đắt. Một khi Gerrard đã bỏ cuộc, đã muốn ra đi thì tất cả chẳng còn nghĩa lý gì với người đội trưởng của Liverpool. Hãy quay lại với quá khứ 5 năm về trước…
Gerrard từng nói rằng, Liverpool không chỉ là đội bóng mà còn là nhà, là tổ ấm của anh. Gerrard mong muốn Liverpool có đủ khả năng cạnh tranh những danh hiệu cao quý nhất của bóng đá châu Âu, nếu không anh sẽ ra đi. Lý lẽ này chấp nhận được. Nhưng Gerrard còn có thể nói gì khi anh đòi ra đi ngay sau khi Liverpool đoạt được chức vô địch Champions League?
Chuyện gì cũng có cái giá của nó. Các CĐV Liverpool từng vui sướng bao nhiêu khi Gerrard chơi thật xuất sắc, ghi bàn khởi đầu cho cuộc lội ngược dòng ngoạn mục nhất của Liverpool trước AC Milan ở chung kết Champions League năm 2005 (Liverpool bị dẫn 0-3 sau hiệp 1, sau đó gỡ 3-3 trong hiệp 2 rồi thắng ở loạt sút luân lưu). Và cũng chính họ buồn bã bấy nhiêu khi Gerrard từng cương quyết nói lời chia tay Liverpool sau trận chung kết Champions League lịch sử đó. Hóa ra, cái giá mà người hâm mộ Liverpool phải trả để có được chiếc cúp vô địch châu Âu chính là sự bội tín của cầu thủ được ví là linh hồn của đội bóng.
35 triệu bảng, kèm mức lương 100.000 bảng/tuần, đó là cái giá mà Chelsea từng đưa ra (trên thực tế có thể còn cao hơn, nếu vụ chuyển nhượng được thực hiện) để mua lòng trung thành của Gerrard. Bên ngoài sân Anfield, các CĐV Liverpool đã biểu tình phản đối. Áo số 8 của Gerrard, chiếc áo được bán chạy nhất tại Liverpool, đã bị đem ra đốt. Với các CĐV, không gì đau hơn bị cầu thủ yêu quý nhất "phản bội". Và không chỉ một lần.
Gerrard gia nhập Liverpool từ khi còn là một cậu bé, được đào tạo và phát triển thành ngôi sao hàng đầu thế giới. Chính Gerrard từng tuyên bố: "Làm sao tôi có thể rời Liverpool sau những gì đã trải qua với đội bóng này?". Những lời nói của Gerrard sẽ chẳng ý nghĩa gì trước những gì anh thể hiện trên sân cỏ ở trận Liverpool - Chelsea diễn ra tối qua (2-5).
Liverpool như rắn mất đầu, chả trách thất bại cay đắng trước Chelsea bắt đầu từ sai lầm khó tha thứ của Gerrard.
Liverpool có 2 siêu sao, 1 người ngồi trên khán đài vì chấn thương (Fernando Torres) người kia chơi cực kỳ tồi tệ, đội bóng chủ sân Anfield không thua mới là lạ. Trước một đối thủ nhụt ý chí, Chelsea không quá khó giành chiến thắng rất có thể sẽ mang tính quyết định đem về cho đội bóng của tỷ phú Roman Abramovich chiếc cúp Premier League sau 4 năm chờ đợi.
Công bằng mà nói, Chelsea xứng đáng nhất giành chức vô địch Anh năm 2010. Đội bóng của HLV Carlo Ancelotti thi đấu ổn định nhất và hiệu quả nhất. Chelsea đã ghi đến 95 bàn chỉ sau 37 trận, trong lịch sử của đội bóng này chỉ có 1 mùa giải ghi được nhiều bàn thắng hơn (mùa 1961-1962 ghi 98 bàn). Phong cách thi đấu tấn công rực lửa của Chelsea được cụ thể hóa bằng những chiến thắng tưng bừng và rất ấn tượng. CLB có biệt danh The Blues toàn thắng cả 6 trận gặp các đội thuộc Big Four (M.U, Arsenal, Liverpool) trong mùa bóng này.
Chelsea cũng là đội đầu tiên trong lịch sử Premier League có 2 cầu thủ ghi trên 20 bàn/mùa là Frank Lampard (21 bàn) và Drogba (26 bàn, dẫn đầu danh sách Vua phá lưới). Chelsea cũng lập kỷ lục có đến 3 trận thắng ghi được 7 bàn/trận trước Sunderland, Aston Villa và Stoke City.
Với khoảng cách hơn 4 điểm so với M.U (đá ít hơn 1 trận) trước 1 vòng cuối cùng, Chelsea gần như đã chạm tay vào chiếc cúp vô địch Premier League. Đáng khen Chelsea vì đội bóng này đã vượt qua những khó khăn lớn về lực lượng (chấn thương của Essien, Joe Cole cùng nhiều cầu thủ khác) và các vụ scandal ngoài sân cỏ (John Terry, Ashley Cole "ăn vụng") tung cú nước rút ngoạn mục vào cuối mùa. Khi đã thua Chelsea 1-2 ngay trên sân nhà Old Trafford, M.U có mất chức vô địch Anh về tay Chelsea cũng phải "tâm phục khẩu phục".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.