Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, quy định diện tích tối thiểu nhà ở cho thuê là cần thiết. Theo đó, sẽ linh động quy định diện tích bình quân 4-5m²/người, tùy từng khu vực.
Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội và các vấn đề dư luận quan tâm do Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tổ chức chiều 8-8, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đã phản hồi về thông tin nhà ở tại thành phố để được hoạt động, phải bảo đảm diện tích sàn tối thiểu 5m²/người.
Theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19-7-2024, cơ quan này đã có tờ trình báo cáo UBND thành phố dự thảo đề cương đề án quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ tại thành phố.
Kết quả kiểm tra, khảo sát của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, có khoảng 60.500 công trình nhà trọ tư nhân đang kinh doanh trên địa bàn thành phố, với tổng số 560.220 phòng trọ, khoảng 1,4 triệu người đang thuê.
Phần lớn công trình nhà trọ này được người dân xây dựng, có tình trạng sai phép (đối với dãy phòng cho thuê độc lập) hoặc tự ý chuyển đổi loại hình từ nhà ở riêng lẻ sang cho thuê trọ (tự ngăn chia từng phòng), tăng quy mô số lượng người sinh hoạt, lưu trú lên gấp nhiều lần nhưng chưa được cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, các nguy cơ và thực trạng về cháy nổ đã xảy ra trên cả nước của nhà ở trọ tập trung đông người, Sở Xây dựng nhận thấy, quy định tối thiểu áp dụng cho loại hình nhà ở cho thuê trọ là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất ban đầu (hẻm rộng 3-4m, cách đường chính 100m, diện tích bình quân 5m²/người...). Căn cứ tình hình thực tế, kết quả thống kê mà các quận, huyện rà soát, Sở Xây dựng sẽ đề xuất cụ thể như: Hẻm rộng từ 2-3m, hoặc cách đường chính 150-200m, diện tích bình quân 4-5m²/người hoặc tùy theo từng khu vực cụ thể.
Cũng theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến khi triển khai thực hiện đề án quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ, theo kết quả khảo sát ban đầu, khoảng 12.800 công trình (chiếm tỷ lệ 21%) không đủ điều kiện an toàn để tiếp tục hoạt động cần phải thực hiện chuyển đổi, cải tạo để đạt tiêu chí của quy định tối thiểu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.