(HNM) - Một trong ba
Chia sẻ "quyền"...
Phân cấp quản lý giáo dục Đại học - điều kiện tốt để các sở GD-ĐT nâng cao tinh thần trách nhiệm và quyền tự chủ. Ảnh: Linh Tâm
Ba "món nợ" nói trên được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, khi còn là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhắc tới nhiều lần. Trong đó bên cạnh chất lượng giáo dục và hiệu quả sử dụng ngân sách, Phó Thủ tướng cho rằng ngành GD-ĐT còn chưa trả lời được trước Quốc hội và nhân dân câu hỏi: Tình hình quản lý và chấp hành luật pháp, quy chế quản lý nhà trường ĐH, CĐ hiện nay ra sao?
Nói về vấn đề này, Phó Thủ tướng phân tích, phương pháp quản lý của ngành từ hơn 20 năm nay không có thay đổi gì đáng kể. Bản chất vẫn là Bộ trực tiếp quản lý và chỉ giao một phần cho địa phương, chưa kể việc thiếu quy chế phối hợp với các bộ, ngành. Mặt khác, có một thực tế là với 376 trường ĐH, CĐ rải rác khắp các tỉnh như hiện nay, nếu tuần nào Bộ cũng đi kiểm tra, làm việc với 2 trường thì phải mất ba năm rưỡi mới xong một vòng. "Vậy làm sao có thể trả lời câu hỏi các trường chấp hành luật pháp, quy chế như thế nào? Qua đó có thể thấy không thể tiếp tục quản lý tập trung mà phải phân cấp cho địa phương và từng nhà trường", ông khẳng định.
Ngành giáo dục - đào tạo cũng đã thừa nhận, do không với tay được tới từng nhà trường, nên theo quy định hiện hành, việc thẩm định các điều kiện mở ngành đào tạo không nhất thiết phải tiến hành tại cơ sở, mà có thể tiến hành… trên giấy! Những bất cập này cùng với sự kiện Trường ĐH Phan Thiết được nêu lên như điển hình của sự dễ dãi trong mở trường, mở ngành đã khiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên thành lập một đoàn giám sát về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đối với giáo dục ĐH". Đoàn giám sát đã có nhiều ý kiến yêu cầu hoàn thiện quy trình, điều kiện về mở ngành để nâng cao chất lượng đào tạo ĐH.
Trước thực tế bức xúc nói trên, tháng 4-2010, Bộ GD-ĐT đã quyết định tạm dừng việc thẩm định hồ sơ đăng ký mở ngành đối với các trường ĐH, CĐ cho đến khi có quy định mới. Đến nay, những quy định về quy trình, điều kiện và hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo trình độ CĐ, ĐH đang được Bộ GD-ĐT hoàn thiện và dự kiến công bố trong tháng 1-2011. Tiền đề của những quy định này chính là Nghị định 115/2010/NĐ-CP quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đối với các cơ quan bao gồm các bộ, UBND cấp tỉnh, sở GD-ĐT ở địa phương, UBND cấp huyện, cấp xã. Nghị định có nhiều điểm mang tính "cách mạng" và Bộ GD-ĐT sẽ không còn các "đặc quyền" như trước. Theo đó, UBND cấp tỉnh sẽ chịu trách nhiệm quản lý hành chính theo lãnh thổ với các trường ĐH, CĐ (cả công lập và tư thục) đóng trên địa bàn; quyết định thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể, chuyển đổi loại hình trường với các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý.
Đặc biệt, với quy định mới về điều kiện mở ngành đào tạo sẽ được công bố sắp tới, Sở GD-ĐT đã có thể "vào" được trường ĐH. Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở, có trách nhiệm kiểm tra thực tế và xác nhận các điều kiện mở ngành.
... hay bước thụt lùi về tự chủ đại học?
Chưa bao giờ giáo dục ĐH có điều kiện thuận lợi để phát triển và cũng chịu nhiều thách thức về quản lý như hiện nay. Mặc dù việc phân cấp quản lý là điều tất yếu và phù hợp với xu thế chung, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để sự "san sẻ" trách nhiệm này không đồng nghĩa với việc trút "gánh nặng" sang người khác.
"Gánh nặng" mở ngành vốn là của cơ sở đào tạo. Họ phải cân đối các điều kiện, nhất là làm sao để ngành mở ra có người học, sinh viên ra trường có việc làm. Đó là điều kiện sống còn đối với một ngành học, nhất là ngành mới mở và là uy tín của cơ sở đào tạo. Để đào tạo theo được nhu cầu xã hội mà nhu cầu ấy ngày càng phong phú thì các trường luôn phải đa dạng hóa ngành nghề. Công tác quản lý phải làm được việc là không cản trở xu hướng phát triển ấy nhưng cũng không để ngành học mở tràn lan. Việc giao cho Sở GD-ĐT thẩm định điều kiện mở ngành đào tạo có làm được điều ấy?
Không phải bây giờ vấn đề này mới được bàn đến. Ngay từ khi mới là phát biểu của một lãnh đạo ngành, nó đã gây tranh cãi trong làng giáo dục. Người ta lo lắng, tình trạng "cháo chấm cơm" liệu có kham nổi trách nhiệm giám sát? Lo lắng ấy hoàn toàn có cơ sở khi công tác quản lý của các sở GD-ĐT địa phương còn đầy rẫy những vấn đề bất cập, việc chính chưa làm tốt nay lại thêm việc quá tầm. Thêm nữa, trường ĐH chưa thoát khỏi cơ chế cơ quan chủ quản nay lại gánh thêm sự chồng chéo nữa trong cơ quan quản lý. Cơ chế xin - cho trực tiếp giữa trường với bộ chưa được giải quyết nay sẽ chuyển sang cơ chế xin - cho gián tiếp giữa 3 bên trường - sở - bộ liệu có tốt hơn?
Nhiều chuyên gia về giáo dục ĐH cho rằng, phân cấp quản lý văn minh nhất chính là trao quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm của cơ sở đào tạo. Chỉ có như thế mới giải phóng năng lực sáng tạo và quyết đoán của các nhà trường, tạo nên sức sống mới cho giáo dục ĐH. Với việc mở ngành, khi có quy định rõ ràng về điều kiện ra ngành mới, khi công tác kiểm định chất lượng làm tốt như Bộ đang phấn đấu, khi có "mở" và có "đóng" thì nên giao cho trường quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về vấn đề này. Còn làm như dự thảo mở trường mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định sẽ ban hành trong tháng 1 tới thì có lẽ đó là bước thụt lùi của phân cấp quản lý.
Theo quy trình, khi xây dựng xong đề án mở ngành, cơ sở đào tạo phải gửi một bộ hồ sơ đến Sở GD-ĐT đề nghị Sở kiểm tra thực tế và xác nhận các điều kiện của cơ sở. Trên cơ sở đó, Sở GD-ĐT ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra với thành phần gồm đại diện Ban giám đốc sở (trưởng đoàn), một đại diện lãnh đạo phòng GDCN và một chuyên gia am hiểu về ngành đào tạo mà cơ sở đăng ký được mở. Chỉ khi Sở GD-ĐT hoàn thành việc kiểm tra thì cơ sở đào tạo mới được gửi hồ sơ đăng ký mở ngành đến Bộ GD-ĐT. Bộ sẽ tổ chức thẩm định sau 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.