Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liệu có “bình mới rượu cũ”?

Phong Châu| 17/10/2015 07:17

(HNM) - Quyết định của UBND thành phố yêu cầu di dời toàn bộ tàu thủy nội địa tại bến thủy (đầu đường Thụy Khuê) hiện nay về khu vực Đầm Bảy (phường Nhật Tân) trong tháng 10-2015 nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân. Tuy nhiên, dư luận lo ngại việc di chuyển này có giải quyết triệt để

Không chỉ ô nhiễm môi trường, bến thủy (phía đường Thụy Khuê) còn bị bao vây bởi bèo, rác và du thuyền cũ nát.



Có thể nói, tình trạng ô nhiễm môi trường quanh các thuyền, nhà nổi hoạt động kinh doanh trên Hồ Tây không phải là chuyện mới. Không chỉ 1-2 năm gần đây, tình trạng này trở nên "nóng" khi có nhiều ý kiến đề xuất cần thiết di dời bến thuyền tại đây để trả lại cảnh quan mặt hồ, không để tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng. Thực tế, nhiều năm qua, người dân đã không ít lần chứng kiến cảnh cá chết nổi trắng mặt hồ (khu vực Hồ Tây men theo đường Thanh Niên). Nước hồ không ô nhiễm sao được khi đoạn ven hồ chưa đầy 1km có hàng chục nhà hàng, du thuyền, nhà nổi lớn nhỏ kinh doanh ăn uống hoạt động, neo đậu ngày đêm. Rất nhiều nhà hàng xả thẳng nước thải xuống hồ mà không qua bất kỳ hệ thống xử lý nào, gây ô nhiễm trầm trọng hệ sinh thái hồ.

Hiện nước Hồ Tây (đoạn từ số 4 Thụy Khuê đến sau Trường THPT Chu Văn An) đã chuyển màu đen. Nhiều hôm, đặc biệt vào những ngày hè oi nóng xuất hiện mùi hôi thối khó chịu. Ông Cao Phương (phường Thụy Khuê, Tây Hồ) phàn nàn: "Nhiều chủ kinh doanh vì lợi nhuận đã "quên" mất việc bảo vệ "lá phổi" của Thủ đô. Các nhà hàng du thuyền như thế này không khác gì những "lò rác" lưu động. Họ làm vệ sinh thuyền, xả thẳng nước xuống mặt hồ. Không biết hệ thống thu gom, xử lý nước thải đến đâu nhưng cứ thấy quanh khu vực nước hồ cứ một màu đen sì như vậy thì cũng đủ biết ô nhiễm đến mức nào. Đấy là không kể khách đến ăn uống đông đúc, giải quyết nhu cầu vệ sinh…

Khi đường ven Hồ Tây nối thẳng với đường Thanh Niên được mở (mang tên phố Nguyễn Đình Thi), khu vực này không còn là đường cụt nên người dân, du khách cũng như các phương tiện lưu thông qua lại đông. Tình trạng bến thuyền hoạt động tại đây không chỉ là vấn đề gây ô nhiễm môi trường mà còn mang đến hình ảnh không mấy đẹp mắt khi tồn tại một số du thuyền cũ nát, gỉ sắt, bị bỏ hoang. Bèo, rêu phát triển mạnh, kéo theo sự sinh sôi của muỗi, các loại thủy sinh có hại. Hoạt động của các nhà hàng, du thuyền không chỉ gây ô nhiễm môi trường nước hồ mà còn thiếu an toàn khi qua công tác kiểm tra, phát hiện nhiều phương tiện đã hết hạn đăng kiểm, nhân viên không có chứng chỉ nghiệp vụ an toàn giao thông…

Việc UBND thành phố đã chấp thuận đề xuất của Sở GT-VT di dời toàn bộ tàu thủy nội địa trên Hồ Tây hiện nay (đầu đường Thụy Khuê), đồng thời yêu cầu thực hiện ngay trong tháng 10-2015 là điều mong mỏi của nhiều người dân khu vực. Tuy nhiên, theo đề xuất của Sở GT-VT, vị trí mới được di dời là khu vực Đầm Bảy (phường Nhật Tân) - vẫn thuộc mặt nước Hồ Tây. Do đó, người dân không khỏi hoài nghi liệu Hồ Tây có tránh được ô nhiễm hay xóa điểm ô nhiễm này lại sinh ra điểm ô nhiễm khác? Bởi trên thực tế lâu nay, trước tình trạng hàng loạt du thuyền, nhà nổi gây ô nhiễm môi trường, "bức tử" Hồ Tây, cơ quan quản lý, UBND quận Tây Hồ đã không ít lần kiểm tra, xử lý, thậm chí là xử phạt song kết quả vẫn là… chưa triệt để. Vậy nên, với sự di chuyển lần này, liệu có bảo đảm được rằng các nhà hàng, du thuyền nổi này lại không tiếp tục gây ô nhiễm ở địa điểm mới ?

Thiết nghĩ không nên vì lợi nhuận của một vài cá nhân mà làm ảnh hưởng tới môi trường và cảnh quan thiên nhiên của một danh thắng Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Liệu có “bình mới rượu cũ”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.