(HNM) - Chiến tranh lùi xa đã khá lâu, nhưng ngay tại Hà Nội còn một người lính "bị coi" là liệt sỹ, dù vẫn sống. 15 năm nay ông bền bỉ đi gõ cửa các cơ quan chức năng để xin quyền… được"tồn tại", nhưng xem ra hành trình đi tìm lại chính mình của ông còn nhiều gian nan. Dù nỗi buồn riêng chưa được giải tỏa, nhưng nhiều năm nay chỉ bằng trí nhớ của mình, cựu chiến binh Phạm Văn Nam đã lặn lội trở về các chiến trường xưa tìm, đưa hơn 200 hài cốt liệt sỹ là đồng đội của mình về quê hương.
“Liệt sỹ” Phạm Văn Nam vẫn hằng ngày bán nước chè mưu sinh. |
Hành trình "đòi" quyền làm người còn sống
Năm 1973, chàng thanh niên 17 tuổi Phạm Văn Nam từ giã người thân, tạm biệt vùng đất Hà Đông yêu dấu lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc theo tiếng gọi thiêng liêng của Bác Hồ. Tham gia đơn vị bộ binh Trung đoàn 141 sư đoàn 7, Quân đoàn 4 chiến sỹ trẻ Phạm Văn Nam đã chiến đấu giải phóng miền Nam. Năm 1977, trong một trận chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, anh bị thương rất nặng, huyết áp không đo được, mạch cũng không còn, nghĩ là anh đã hy sinh nên đồng đội bọc anh vào ny lon, chờ để mang chôn. Bị thương và ngất lịm từ 9 giờ sáng, đến 9 giờ tối, sương xuống thấm lạnh nên Nam bắt đầu tỉnh lại và cử động. Thật may mắn cho anh, một đồng đội đã kiểm tra lại, thấy anh còn thở nên Nam được chuyển về tuyến sau. Ngay lúc đó, quân Pôn Pốt kéo đến. Sau trận đánh ác liệt, nhiều người hy sinh thi thể không còn nguyên vẹn, trong đó có cả người đồng đội đã phát hiện ra anh còn sống. Khi đơn vị khác vào tiếp quản, chỉ thấy bọc ny lon mà đồng đội quấn cho anh trước đó với những thông tin tên tuổi, đơn vị... họ hoàn tất thủ tục để đến năm 1978 gia đình anh Nam nhận được giấy báo tử.
Một thời gian sau khi được đưa về tuyến sau điều trị, dù vết thương chưa khỏi hẳn nhưng Nam quyết định tìm đường về đơn vị cũ và anh đã nhập vào đoàn tân binh của quân khu 9. Đơn vị cũ chưa tìm được, nhưng trên đường đi, anh cùng đồng đội đã đánh nhiều trận, bị thương thêm 2 lần nữa và được chuyển ra tuyến sau. Do bị thương nhiều lần, sức khỏe yếu nên Phạm Văn Nam hết nằm điều dưỡng tại miền Nam lại chuyển ra các trại điều dưỡng ở miền Bắc. Năm 1991, anh trở về quê nhà trong sự ngạc nhiên của gia đình và làng xóm.
Ở quê mấy năm điều trị các vết thương thấy tạm ổn, đến năm 1995, ông Nam bắt đầu tìm cách để đi đòi quyền được làm người còn sống. Ban đầu, ông đi đến Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tây (cũ) để trả giấy báo tử và bằng Tổ quốc ghi công. Sau đó, ông tìm đến các đồng đội cũ và các cơ quan chức năng có liên quan từ Bộ Quốc phòng, rồi năm lần bảy lượt vào Nam tìm đơn vị cũ để chứng minh cho việc mình còn sống. "Từng trải qua chiến tranh, nay được trở về sống trong hòa bình tôi thấy mình may mắn hơn rất nhiều đồng đội. Nhưng cho đến nay tôi vẫn bị coi người đã chết. Chỉ mỗi phường Quang Trung, nơi tôi đang cư trú là cơ quan nhà nước duy nhất biết tôi vẫn còn sống. Việc công nhận liệt sỹ cho người vẫn còn sống cần phải được cải chính, nhất là khi chiến tranh đã qua rất lâu, mọi tồn tại đã được giải quyết gần như cơ bản", ông Nam nói. Thế nhưng đã 15 năm nay hành trình đi tìm lại chính mình của ông vẫn chưa có hồi kết, cơ quan chức năng thì vẫn hứa và… để đấy. Các vết thương cũ vẫn hàng ngày hành hạ, nhưng vì "là liệt sỹ" nên ông không được hưởng chế độ của thương binh. Gần đây nhất, vào ngày 10-2-2009 Ban chỉ huy quân sự thành phố Hà Đông vẫn có giấy mời "liệt sỹ Nam" đến nhận Huân chương chiến công hạng Ba. Bức xúc quá, ông Nam không đến nhận.
Gác nỗi buồn của mình sang một bên, người lính cụ Hồ đã từng vào sinh ra tử
trên các chiến trường miền Nam - người tự tay mình chôn cất nhiều đồng đội, nay được may mắn trở về, rất đau lòng khi chứng kiến cảnh còn nhiều gia đình âm thầm chịu đựng nỗi đau khi người thân chưa trở về, dù chỉ là một chút di cốt. Thế là, theo sự mách bảo của lương tâm, ông Nam đã quyết định làm một việc đầy ý nghĩa: Đi tìm đồng đội.
Như một nhân duyên
Chuyện bắt đầu từ lần đi viếng đám tang người bạn đồng ngũ. Không biết vô tình hay là nhân duyên đưa đẩy, ông gặp hai mẹ con người phụ nữ đi tìm mộ chồng, mộ cha nhưng không thấy. Tiếng khóc than của mẹ con họ đã khiến ông động lòng và như là linh tính mách bảo, ông đã tìm đến chia sẻ với họ. Ông gợi hỏi, người đàn bà kể chuyện suốt quãng đường dài và ông chợt bàng hoàng khi nhận ra những chi tiết quen quen như đã gặp đâu đây.
“Liệt sỹ” Phạm Văn Nam trao đổi với PV. |
Như cuốn băng quay chậm, hình ảnh của người đồng đội quê Quảng Ninh được tái hiện rõ nét khi ông xâu chuỗi các chi tiết trong câu chuyện cảm động giữa ông và hai mẹ con nọ. Người mà mẹ con họ cần tìm là liệt sỹ Nguyễn Đình Hòa, đồng đội của ông hy sinh năm 1975 tại Bình Phước khi đơn vị bị địch phục kích. Chính ông là người đã chôn cất cho người bạn hiền lành như cục đất này. Ông còn nhớ rất rõ mình đã đánh dấu phần mộ của bạn như thế nào. Và thế là ông Nam đã giúp hai mẹ con người đàn bà ấy thực hiện điều mong ước trong chuyến đi tưởng không thành… Chuyến đi tìm mộ liệt sỹ Nguyễn Đình Hòa thành công vào năm 1993 là động lực rất lớn để ông Nam thực hiện tiếp ý nguyện đưa đồng đội trở về sau nhiều năm ấp ủ. Từ đó đến nay, gần 20 năm, những chuyến trở lại chiến trường xưa của ông Nam luôn nối tiếp, trung bình mỗi năm ông đi 5-7 chuyến, năm nhiều đi gần 20 chuyến. Và biệt danh: Nam "hài cốt" đã được đồng đội yêu mến đặt cho ông.
"Liệt sỹ" Phạm Văn Nam với vết thương trên đầu do "va" phải đạn cối và thường bị hành hạ khi trái nắng, trở trời vẫn mải miết đi tìm đồng đội. Lạ lùng thay, tuy mảnh đạn vào đầu vẫn còn, vết thương liên tục tái phát nhưng không hiểu sao trí nhớ của ông lại rất minh mẫn. Những dấu vết từng phần mộ đồng đội đã được ông chôn cất năm xưa vẫn như những kho tư liệu được cất giữ cẩn thận trong đầu, khi cần là lại tái hiện. "Có lẽ do đồng đội phù hộ nên tôi vẫn nhớ rành rọt những phần mộ mà tôi và đồng đội đã chôn cất. Trừ những trường hợp đã được phát hiện và chuyển đi từ trước, chưa lần nào tôi không đưa được đồng đội về với gia đình. Nhiều hôm, thoáng đâu đó một dấu hiệu liên quan, như rừng cây, màu áo bộ đội, tiếng xe chạy… là trong đầu tôi lại hiện lên một gương mặt nào đó, một vị trí nào đó xa lắc trong những cánh rừng biên giới Tây Nam, đó là hình ảnh của những đồng đội cũ đã hy sinh…" - ông Nam nói. Và mỗi lần nhớ ra được những chi tiết quan trọng ông lại lấy giấy bút ra ghi lại để làm "tư liệu" cho những chuyến đi tiếp theo.
Gần 20 năm thực hiện hành trình vì một chữ tâm ấy, chưa khi nào ông Nam có ý nghĩ khác ngoài việc tìm mọi cách đưa đồng đội trở về như lời ước hẹn năm nào. Bởi ông biết, mỗi đồng đội có một cảnh ngộ riêng, nếu vô tình một chút thì có thể mãi mãi họ sẽ không bao giờ được về đoàn tụ cùng gia đình. Mặc dù cuộc hành trình trở lại chiến trường xưa không hẳn là đã hết gian truân, nhiều khi phương tiện đi lại của ông là tàu, xe thậm chí là đi bộ, ngủ rừng, lương thực mang theo có khi chỉ cơm nắm muối vừng nhưng ông Nam không quản ngại. Động lực to lớn tiếp sức cho ông chính là hương hồn của 236 liệt sỹ được ông tìm thấy đã "đoàn tụ" cùng người thân. Với những gia đình ở xa, khi có được thông tin nào đó, ông lại gọi điện, viết thư hướng dẫn đường đi, vị trí chôn cất để gia đình họ tìm đến…
Làm việc như vậy nhưng chưa khi nào ông nhận của ai thứ gì. "Mấy năm về trước, mẹ thằng Hoàng Anh khóc ngất khi tôi và mấy người trong gia đình đưa nó về nghĩa trang thị xã. Cụ gom đâu được mấy triệu mang sang tôi, xin mãi cụ không nghe, cụ không hiểu làm vậy khiến tôi đau lòng. Không còn cách nào khác, tôi nhận tiền và mang lên bàn thờ thằng bạn nhờ gia đình hương khói cho nó, làm như vậy thì cụ mới chịu thôi. Giờ thì cụ đã thanh thản ra đi rồi…". Ông Nam kể đồng đội của ông bảo nhau: Thằng này ghê lắm, chẳng nhận của ai cái gì bao giờ, tôi đã từng bị nó "xạc" cho một trận vì tội mang cho nó ít quà…
Còn sức, tôi còn tìm đồng đội
Mấy chục năm nay, ông bán hàng nước, vợ chạy chợ, thu nhập không bao nhiêu, cuộc sống đạm bạc nhưng trong ngôi nhà nhỏ ở khu phố 6 phường Quang Trung, Hà Đông ấy luôn đầy ắp tiếng cười. Sức khỏe không tốt nhưng ông Nam vẫn đảm nhiệm công tác xã hội như tổ trưởng tổ dân phố, phó chi hội trưởng chi hội CCB phường, phó ban bảo vệ khu phố… tham gia hòa giải nhiều vụ vợ chồng mâu thuẫn, giải quyết kịp thời nhiều vụ trộm cắp, tai nạn xảy ra trên địa bàn. Ông nói: "Nhiều người cho rằng tôi tham gia công tác xã hội này là rỗi hơi, nhưng với những người đã đi qua chiến tranh như tôi thì bất cứ việc gì mình thấy làm có ích thì nên làm". Chính bởi với suy nghĩ và cách sống như vậy nên ngay cả khi đau yếu, ông cũng không bi quan bởi "được trở về là may mắn lắm rồi, nhiều đồng đội tôi đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường".
"Ngày nào còn sức, tôi còn đi tiếp, bởi tôi biết vẫn còn khoảng 800 đồng đội của tôi chưa được về cùng gia đình, họ vẫn nằm đâu đó ở khu vực Gò Dàu, bến Cầu, Long Thành, Tân Biên… của tỉnh Đồng Nai"- Ông Nam bộc bạch. Thế nên ông vẫn bố trí việc nhà để có những chuyến đi "Nam tiến" tìm đồng đội dài ngày. Cầu trời cho ông khỏe mạnh...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.