Xã hội

Liên tiếp sự cố thang máy: Sử dụng thế nào cho an toàn?

Chu Dũng 12/09/2023 18:27

Hiện thang máy đã trở nên phổ biến, từ các trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, bệnh viện, chung cư… đến nhà tư. Tuy nhiên, đây là thiết bị đòi hỏi tính an toàn rất cao do liên quan trực tiếp đến tính mạng con người nên cần có sự hiểu biết đầy đủ về nguyên lý hoạt động, kiến thức phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

cuu-4090-7490.jpeg
Vụ giải cứu 5 người mắc kẹt trong thang máy ở quận Tây Hồ.

Nhiều vụ mắc kẹt

Ghi nhận trong thời gian gần đây, có nhiều vụ mắc kẹt thang máy được can thiệp kịp thời. Đơn cử, vào 3h28 sáng 6-9, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) nhận được tin báo từ Trung tâm Thông tin chỉ huy 114 Công an thành phố Hà Nội, tại số nhà 11 ngõ 67/12, Tô Ngọc Vân, phường Quảng An, quận Tây Hồ, có người bị mắc kẹt trong thang máy. Đơn vị nhanh chóng điều động phương tiện, cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường, phối hợp Công an phường Quảng An triển khai công tác cứu nạn.

Tại hiện trường, lực lượng cứu nạn trấn an người bị mắc kẹt, đồng thời sử dụng các biện pháp cứu nạn, cứu hộ mở cửa thang máy. Sau hơn 5 phút xử lý, lực lượng cứu hộ đã đưa 5 người bị mắc kẹt ra ngoài an toàn.

img-0888-9625-4075.jpeg

Qua vụ việc trên, cơ quan công an khuyến cáo người dân không nên sử dụng thang máy để thoát nạn khi có hỏa hoạn xảy ra. Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: Ngay khi xảy ra vụ việc, đặc biệt khi phát hiện có cháy, một trong những phản ứng đầu tiên của những người quản lý tòa nhà là phải tắt toàn bộ hệ thống điện. Vì vậy, nếu chẳng may có người trong cabin thì sẽ vô tình bị kẹt trong thang máy. Thêm nữa, do hố thang máy hút khói rất mạnh, chỉ ít phút sau khi đám cháy bùng phát thì toàn bộ hố thang đã mịt mù khói… nên thang máy lại trở thành nơi tiềm ẩn rủi ro cao.

Rủi ro rất cao nếu sự cố thang máy do cháy

Ông Lê Quốc Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thang máy và xây dựng Trí Tuệ Việt cho biết: Đặc điểm vận chuyển bằng thang máy so với các phương tiện khác là thời gian của một chu kỳ vận chuyển nhỏ, tần suất vận chuyển lớn và đóng mở máy liên tục. Thang máy mang lại rất nhiều lợi ích phục vụ cho cuộc sống của con người. Tuy nhiên, người dân cũng cần trang bị cho mình các kiến thức về cứu nạn, cứu hộ để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và của do các sự cố thang máy gây ra.

Liên quan nguy cơ sự cố thang máy khi xảy ra cháy, ông Lê Quốc Lâm giải thích rõ hơn: Do chi phí quá cao nên hệ thống cửa thang máy rất hiếm khi được trang bị loại chống cháy mà nếu có cửa chống cháy thì cũng chỉ chịu được một khoảng thời gian với nền nhiệt độ nhất định. Một số thang máy được cài đặt chế độ để ứng phó với tình huống cháy đó là cảm biến cháy được kết nối với hệ thống điều khiển của thang, khi cảm biến được kích hoạt thì cabin sẽ tự động chạy về một tầng nào đó đã được lập trình sẵn và thường là tầng 1.

“Trong trường hợp tầng 1 là một trong những tầng cháy mạnh nhất mà thang máy lại tự động chạy về tầng 1 thì hậu quả sẽ cực kỳ thảm khốc, nếu trong cabin thang máy có người. Cửa thang mở ra, phía trước là một biển lửa còn phía sau thì không còn đường lui. Chế độ này có thể may mắn cứu sống tính mạng của người dùng khi tầng cài đặt không cháy, không cháy quá lớn…” - ông Lâm phân tích.

thang_may-1679225138269.jpeg
Can thiệp một sự cố mắc kẹt trong thang máy.

Về mặt kỹ thuật, cáp tải thang máy là loại cáp có lõi tẩm dầu nên rất bắt lửa. Khi cáp tải bị đứt do lửa có thể có hai tình huống xảy ra: Một là, cả cáp tải và cáp thắng cơ đều cùng bị đứt, khi đó thang sẽ rơi tự do, dẫn đến người trong cabin sẽ bị thương hoặc chết vì va đập. Hai là, cáp tải đứt trước, cáp thắng cơ đứt sau, cabin sẽ bị rơi tự do một đoạn nhất định, sau đó hệ thống thắng cơ sẽ hoạt động được giúp cabin bám vào ray, người trong cabin có thể thoát chết khi cabin không bị rơi. Tuy nhiên, chỉ sau đó ít lâu thì khói và lửa sẽ nuốt trọn cabin thang máy.

Lường trước mọi khả năng nguy hiểm trong quá trình vận hành thang máy và khi xảy ra sự cố, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an thành phố Hà Nội) thường xuyên diễn tập các phương án cứu nạn và hướng dẫn người dân không sử dụng thang máy tại các tòa chung cư khi xảy sự cố cháy. Các phương án này đã được phổ biến tới từng ban quản lý các tòa nhà, trung tâm thương mại.

Ông Nguyễn Đình Hà, Chủ tịch UBND phường Xuân La, quận Tây Hồ khẳng định, sau những sự cố liên quan đến kẹt thang máy trên địa bàn, kiến thức sử dụng an toàn thang máy, nhất là khi xảy ra sự cố cháy nổ đều đã được trang bị cho Ban quản lý, người dân các tòa nhà, trung tâm thương mại… trên địa bàn được biết và thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên tiếp sự cố thang máy: Sử dụng thế nào cho an toàn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.