Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Ukraine ở thủ đô Paris (Pháp) diễn ra ngày 27-3, các đồng minh châu Âu cho biết, hiện tại không phải là thời điểm dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga.
Giới phân tích cho rằng, châu Âu đang sử dụng các lệnh trừng phạt như một đòn bẩy để có được một ghế tại bàn đàm phán về thỏa thuận hòa bình cuối cùng cho Ukraine.
Hội nghị tại Paris có sự tham gia của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng nhiều nguyên thủ của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Sau hơn 3 giờ thảo luận, các quốc gia tham dự nhất trí sẽ thành lập một lực lượng quân sự, để bảo đảm an ninh trong trường hợp thỏa thuận ngừng bắn Nga - Ukraine được thiết lập.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, các cơ chế bảo đảm an ninh đang được thảo luận và tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới. Lực lượng này bao gồm quân đội của nhiều quốc gia, sẽ được điều động đến một số địa điểm chiến lược tại Kiev.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo cùng Tổng thống Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết, giới lãnh đạo châu Âu nhất trí rằng, chưa thể dỡ bỏ trừng phạt Nga: "Rõ ràng bây giờ không phải thời điểm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, ngược lại, điều chúng tôi thảo luận là làm thế nào để tăng cường cấm vận và hỗ trợ sáng kiến của Mỹ nhằm gây áp lực, buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán".
Còn Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định, xóa lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ là "sai lầm nghiêm trọng" và "vô nghĩa" nếu Ukraine chưa đạt được hòa bình.
Người đứng đầu Hội đồng châu Âu Antonio Costa cũng tuyên bố trên mạng xã hội rằng "cách tốt nhất để hỗ trợ Ukraine" là duy trì hiệu lực các lệnh trừng phạt chống Nga được áp dụng từ năm 2022.
Theo các nhà phân tích, điều này có thể làm phức tạp quá trình thực hiện các thỏa thuận mà Nga và Mỹ đã đạt được trong các cuộc tham vấn tại Riyadh, Saudi Arabia ngày 25-3.
Theo đó, Washington và Mátxcơva đã nhất trí thực hiện sáng kiến Biển Đen. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau khi lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng Nga giao dịch sản phẩm nông nghiệp, phân bón, khoáng sản được dỡ bỏ. Cùng với đó là kết nối ngân hàng của Nga với hệ thống Swift tới hơn 11.000 tổ chức tại 200 quốc gia cho phép chuyển tiền nhanh chóng và chính xác.
Một loạt ngân hàng Nga, trong đó có Rosselkhozbank, đã bị loại khỏi Swift trong năm đầu tiên của cuộc xung đột. Mặc dù Mátxcơva vận hành một hệ thống tài chính thay thế có tên là SPFS nhưng bị loại khỏi Swift vẫn là vấn đề nhức nhối vì nó tạo ra những trở ngại đáng kể trong hoạt động thanh toán giữa các doanh nghiệp Nga cũng như khách hàng của nước này trên toàn thế giới.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ Marco Rubio cho rằng, vấn đề không phải là lệnh trừng phạt của Mỹ mà là các hạn chế do EU áp đặt. Xuất khẩu của Nga sang châu Âu lớn hơn sang Mỹ.
Tuy nhiên, Brussels không có ý định sửa đổi các trừng phạt đối với Mátxcơva trong tương lai gần, cũng như không cho phép các ngân hàng Nga kết nối với hệ thống Swift. "Cho đến lần gia hạn lệnh trừng phạt tiếp theo (vào tháng 7-2025), sẽ không có gì thay đổi", một quan chức châu Âu cho biết.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) lưu ý: "Nga phải chứng minh ý chí chính trị thực sự để chấm dứt cuộc xung đột. Bất kỳ thỏa thuận hòa bình hoặc bất kỳ cuộc thảo luận nào về vấn đề này phải dẫn đến một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine".
Giới chức châu Âu nhấn mạnh: Châu Âu và Ukraine phải tham gia vào các cuộc đàm phán để đạt được thỏa thuận hòa bình cuối cùng và hiện đang nỗ lực sử dụng các lệnh trừng phạt làm đòn bẩy để có được một ghế tại bàn đàm phán. Các nước EU đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt chưa từng có đối với Mátxcơva kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát năm 2022 và đã thông qua gói biện pháp thứ 16 vào đầu tháng này.
Các thỏa thuận do Mỹ làm trung gian nhằm bảo vệ hoạt động vận chuyển ở Biển Đen và ngăn chặn các cuộc tấn công tầm xa vào cơ sở hạ tầng năng lượng được coi là bước đầu tiên hướng tới hòa bình tại Ukraine.
Nhưng khi các nỗ lực ngừng bắn đang diễn ra, các đồng minh của Ukraine ở châu Âu vẫn tăng cường sức mạnh quân sự cho Kiev, ủng hộ quốc gia Đông Âu tiếp tục chiến đấu cho đến khi đạt được bất kỳ nền hòa bình rộng lớn nào, đồng thời biến Ukraine thành tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại hành động quân sự trong tương lai của Nga.
(Theo Time, Euronews, Telegraph, Brusselstimes)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.