(HNM) - Trước những khó khăn trong công tác tuyển sinh những năm học gần đây, nhiều trường cao đẳng tại TP Hồ Chí Minh đã mạnh dạn thay đổi, tìm hướng đi mới để thu hút thí sinh vào học, trong đó có việc liên kết chặt chẽ với các đơn vị, doanh nghiệp.
Ảnh minh họa |
Thạc sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cho biết, năm nay trường có hơn 2.000 chỉ tiêu nhưng hiện tại mới tuyển được 500 thí sinh. Dù thời gian tuyển sinh còn dài nhưng vẫn rất lo lắng về kết quả tuyển sinh năm nay.
Trong khi đó, theo ông Lâm Văn Quản, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP Hồ Chí Minh: “Sau hai đợt xét tuyển, đến nay mới có hơn 500 thí sinh nhập học trong khi chỉ tiêu là trên 1.200. Hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 2 cao hơn chỉ tiêu rất nhiều. Chúng tôi chờ vài ngày nữa hết hạn nhập học mới quyết định có cần xét tuyển đợt 3 hay không”.
Tương tự, Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách Việt cho biết, hiện trường mới tuyển được 600/2.000 chỉ tiêu. Về lý thuyết, thời điểm này chưa phải mùa tuyển sinh nhưng vẫn lo bị các trường đại học tuyển hết nguồn.
Tuy nhiên không ít trường cao đẳng lại tuyển sinh đạt đến 90%. Điển hình như Trường Cao đẳng Cao Thắng, Trường Cao đẳng Tài chính hải quan, Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, Trường Cao đẳng Công Thương, Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, Trường Cao đẳng Viễn Đông, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Vinatex. Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế Kent cho biết, tính đến thời điểm này, trường đã nhận được số lượng hồ sơ đăng ký nhập học chiếm gần 2/3 chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2017.
Theo các chuyên gia giáo dục, thực tế trên cho thấy, để thu hút người vào học cao đẳng không phải chuyện đơn giản như vài năm trước. Chia sẻ kinh nghiệm, ông Lâm Văn Quản, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết, ngoài nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất thì trường còn chú trọng chăm lo cho sinh viên ở các khía cạnh khác, điển hình như cải tạo ký túc xá khang trang, các phòng có máy điều hòa...
Còn theo ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông, hiện có nhiều học viên mới vào trường chưa hiểu ngành nghề học sau này sẽ làm gì. Vì vậy, trường đã tổ chức những buổi tham quan thực tế tại các doanh nghiệp lớn để các em định hình công việc, nghề nghiệp. Doanh nghiệp không chỉ cung cấp giảng viên cho trường, mà còn là nơi sinh viên thực tập cũng như sử dụng nguồn lực của trường sau khi đào tạo. Việc gắn kết này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên.
Tương tự, ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Nhà trường phối hợp với công ty tổ chức đào tạo người lao động theo hình thức gắn kết “Đào tạo - Thực tập - Tuyển dụng”. Với cách đào tạo này, học sinh, sinh viên được học phần lý thuyết cơ sở tại trường và phần thực tập, thực hành được tới công ty tham gia trực tiếp trên các hệ thống, máy móc thiết bị hiện đại. Trong quá trình thực tập, sinh viên được hỗ trợ chi phí ăn ở và trả thù lao theo quy định. Kết thúc quá trình thực tập, nếu có nguyện vọng, sinh viên sẽ được công ty tuyển dụng với mức lương khởi điểm từ 5 đến 7 triệu đồng trở lên/tháng.
Từ kinh nghiệm trên cho thấy, chỉ có những trường thay đổi cách tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo, chăm lo cho người học, đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sinh viên mới không vắng người học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.