Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên kết phát triển du lịch Sơn La - Hà Nội: Sản phẩm đặc trưng, khác biệt - nền tảng thu hút khách

Bài và ảnh: Linh tâm| 30/10/2022 08:07

(HNMCT) - Sơn La là tỉnh miền núi nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam, cách Thủ đô Hà Nội hơn 300km, với hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu di chuyển của du khách. Sơn La cũng là nơi sinh sống của 12 dân tộc anh em, tạo nên nguồn tài nguyên nhân văn phong phú. Trên tất thảy, Sơn La được thiên nhiên ưu đãi, là nơi quanh năm khí hậu ôn hòa, cảnh sắc tươi đẹp. Đó là điều kiện thuận lợi để xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch khác biệt, thu hút khách từ Thủ đô cũng như các tỉnh, thành, qua đó khẳng định vị thế trung tâm du lịch của khu vực Tây Bắc.

Các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội khảo sát đảo Trái Tim - một điểm đến hấp dẫn tại Khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.

Đa dạng sản phẩm

Trước đây, mỗi khi nhắc tới Sơn La, người ta thường nghĩ tới cao nguyên Mộc Châu, Nhà tù Sơn La, Nhà máy Thủy điện Sơn La, hang Vợ chồng A Phủ, Biển hồ thủy điện Quỳnh Nhai... Nhưng sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nắm bắt được sự thay đổi về thị hiếu, xu hướng đi du lịch của du khách, ngành Du lịch tỉnh đã xây dựng, phát triển nhiều tuyến, điểm, sản phẩm mới và làm mới các sản phẩm cũ nhằm đưa Sơn La trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn của vùng Tây Bắc, qua đó thu hút khách từ thị trường tiềm năng là Hà Nội và các tỉnh, thành.

Bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La cho biết: Nhờ được tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, những năm gần đây, các nhà đầu tư đã đầu tư vào Sơn La nhiều khu, điểm du lịch với các sản phẩm, dự án nghỉ dưỡng, lưu trú, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí có quy mô lớn và hiện đại như: Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, Khu nghỉ dưỡng The Nordic, Cầu kính Bạch Long, điểm du lịch Pha Đin Top, Khu du lịch Phượng Hoàng rừng thông bản Áng, điểm du lịch sinh thái thác Dải Yếm, Sống lưng khủng long - săn mây Tà Xùa... Đặc biệt, năm 2022, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu - Sơn La được bình chọn là “Điểm đến du lịch thiên nhiên hàng đầu Việt Nam và hàng đầu châu Á”.  

Không những thế, nhờ có 274km đường biên giới chung với nước bạn Lào nên Sơn La có nhiều điều kiện để phát triển các sản phẩm du lịch gắn với kinh tế cửa khẩu hay giao lưu, trao đổi hợp tác với Lào để tạo thành những sản phẩm khác biệt, mang dấu ấn riêng.

Giám đốc Công ty Tiên Phong Travel Phùng Xuân Khánh chia sẻ: “Những năm qua, công ty tôi đã tổ chức một số sản phẩm du lịch qua cửa khẩu Loóng Sập với tuyến du lịch Mộc Châu - Sầm Nưa vô cùng hấp dẫn, thu hút đối tượng khách miền Trung và miền Nam. Nếu cửa khẩu này được đầu tư nhiều hơn, chắc chắn sẽ thu hút cả khách du lịch từ nước thứ ba qua Lào vào Việt Nam”. 

Hà Nội là thị trường tiềm năng

Đánh giá cao về nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú mà Sơn La sở hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, trong khi nhiều tỉnh ở khu vực Tây Bắc đã đi trước Sơn La về phát triển du lịch, nhưng chính việc phát triển sau lại giúp Sơn La có thời gian, cơ hội và kinh nghiệm để định hướng phát triển một cách bài bản, bền vững hơn. “Điều quan trọng là Sơn La cần xây dựng hệ thống sản phẩm độc đáo, khác biệt dựa trên nền tảng nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Sơn La cần đẩy mạnh liên kết tour tuyến để phát triển tuyến du lịch Tây Bắc; kết nối Hà Nội - Sơn La với các tỉnh, thành phố ở phía bắc của Lào như thành phố Luang Prabang, thị xã Sầm Nưa (tỉnh Hủa Phăn) tạo thành một tour khép kín với những trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch ở Hà Nội rất mong tuyến du lịch này phát triển để thu hút đối tượng khách chi tiêu cao từ Hà Nội, đồng thời kéo dài thời gian lưu trú của du khách, giúp du lịch Sơn La phát triển nhanh và bền vững hơn”. 

Là một trong những doanh nghiệp Hà Nội đưa nhiều khách đến Sơn La nhiều năm nên Công ty Du lịch Bàn chân Việt nắm khá rõ nhu cầu của du khách và các điểm đến ở Sơn La. Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc công ty chia sẻ: “Sơn La hội tụ mọi tiềm năng, lợi thế nhưng hệ thống cơ sở lưu trú hiện chưa đáp ứng được nhu cầu. Vì thế, tỉnh cần tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa các loại hình lưu trú để kéo các đoàn khách MICE, đoàn du lịch thể thao đến với tỉnh nhiều hơn”. 

Nhìn nhận về hiệu quả liên kết giữa Sơn La và Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, những năm qua, Hà Nội và Sơn La đã liên tục triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá về văn hóa - du lịch, đặc biệt là kết nối các sản phẩm đã được các doanh nghiệp của hai địa phương khai thác hiệu quả. Cùng với đó, cơ quan quản lý về du lịch giữa hai địa phương đã phối hợp tốt trong việc tăng cường công tác quản lý hai chiều để bảo đảm cho các doanh nghiệp khai thác tour tuyến, cung cấp các sản phẩm du lịch chất lượng; bảo đảm an toàn cho du khách; tăng cường hỗ trợ hoạt động cho các doanh nghiệp, câu lạc bộ, hiệp hội du lịch nhằm thúc đẩy du lịch giữa hai địa phương... Đặc biệt, Hà Nội - Sơn La cũng phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, xúc tiến quảng bá sản phẩm hai chiều, qua đó, thu hút sự quan tâm của người dân, du khách đến với hai địa phương và vùng Tây Bắc nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết phát triển du lịch Sơn La - Hà Nội: Sản phẩm đặc trưng, khác biệt - nền tảng thu hút khách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.