(HNM) - Thời gian vừa qua, ở xã Thụy Hương - Chương Mỹ rộ lên thông tin rau an toàn (RAT) quá lứa phải nhổ bỏ, người dân không được trả công, DN thuê ruộng bỏ hoang… Chúng tôi đến Thụy Hương, đa số người dân và cán bộ địa phương đều cho rằng những thông tin đó thiếu khách quan, chưa phản ánh đúng bản chất của sự việc.
Trao đổi với PV Hànộimới, ông Hoàng Văn Thám, cán bộ dự án "Phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn" xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ khẳng định, những khó khăn, bất cập của dự án là có, chủ yếu là hạ tầng phục vụ sản xuất. Khi dự án được triển khai, chính quyền địa phương đã xây dựng hệ thống cấp nước tới chân ruộng để bà con tiện chăm sóc rau. Nếu nguồn vốn cho dự án thuận lợi, đơn vị thi công tích cực… thì phải tháng 6-2011 mới hoàn thành. Phía DN tham gia dự án đã triển khai đợt xuống giống đầu tiên vào ngày 14-10-2010 trên diện tích khiêm tốn - chưa đầy 3ha với khoảng 20 hộ tham gia sản xuất. Đến tháng 4-2011, diện tích vùng sản xuất được nâng lên 7ha, với 96 hộ tham gia sản xuất. Đến tháng 4-2011, DN đã tiến hành thanh toán 4 đợt cho các hộ dân, tổng số tiền hơn trăm triệu đồng, trong đó có cả những khoản hỗ trợ cho nông dân khi sản phẩm hoặc sản lượng chưa đạt yêu cầu do người dân chưa có nhiều kinh nghiệm sản xuất hoặc ảnh hưởng của thời tiết.
Về thông tin số rau lên ngồng, phải nhổ bỏ, có thể khẳng định đó là trường hợp cá biệt bởi gia đình bà Nguyễn Thị Luyến, có chồng là lái xe gây tai nạn chết người cách đây gần 2 tháng nên không có điều kiện chăm sóc rau. Về những bất cập trong phát triển, sản xuất RAT ông Nguyễn Đức Học, Chủ tịch UBND xã Thụy Hương nhận định: "Thụy Hương được các cấp quan tâm, đầu tư, xây dựng mô hình điểm về nông thôn mới (NTM); không có chuyện người nông dân bị lãng quên, không được đào tạo, hướng dẫn, không được thanh toán tiền, để ruộng phải bỏ hoang như một số phương tiện thông tin đã đưa".
Tăng cường liên kết “4 nhà”
Dự án RAT là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình xây dựng NTM của xã Thụy Hương. Theo hợp đồng ký với Công ty CP đầu tư Tonkin, đơn vị triển khai dự án, người dân có trách nhiệm sản xuất theo yêu cầu của công ty, còn công ty có trách nhiệm cấp giống, phân bón, thuốc BVTV, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm và trả công (70.000 đồng/ngày) cho nông dân. Theo đánh giá của HTX Nông nghiệp Thụy Hương, sản xuất RAT đã cho hiệu quả cao hơn so với trồng ngô trước đây. Sau gần 7 tháng triển khai, đến nay Công ty Tonkin đã tổ chức xuống giống được gần 7ha với trên 30 loại rau, củ, quả cho 92 hộ nông dân thôn Chúc Đồng. Sản lượng rau thu hoạch đạt 5-7 tấn/ngày và phía công ty đã thanh toán cho bà con nông dân trên 130 triệu đồng. Bà Hoàng Thị Thoa, thôn Chúc Đồng, cho biết: "Nhà tôi đã tham gia được ba vụ rau, trong đó hai vụ đầu trồng su hào và súp lơ đã được thanh toán gần 2 triệu đồng/sào/vụ, 3 tháng nay đang trồng cà chua, năng suất rất cao. Nếu trồng ngô như trước đây thì cao nhất chỉ đạt 1,2-1,3 triệu đồng, trừ chi phí không còn bao nhiêu".
Tuy nhiên, theo hợp đồng của HTX NN Thụy Hương với DN, HTX phải bơm nước đều đặn cho vùng RAT 3 giờ/ngày, nhưng lượng nước bơm không thường xuyên dẫn tới vùng RAT thiếu nước, gây bức xúc trong dân. HTX thì cho rằng DN chậm thanh toán tiền, dẫn tới "không có tiền bơm nước"(?), trong khi DN lại khẳng định mỗi tháng thanh toán đầy đủ cho HTX hơn 5 triệu đồng… Ông Nguyễn Đức Học, Chủ tịch UBND xã Thụy Hương thừa nhận, do mới trong giai đoạn đầu sản xuất theo liên kết "4 nhà" nên nhiều việc còn bỡ ngỡ, bà con nông dân chưa thay đổi được tập quán sản xuất, mối liên kết giữa HTX và DN, xã viên còn lỏng lẻo… Để nâng cao hiệu quả sản xuất, giữa công ty, HTX NN và bà con nông dân cần liên kết với nhau chặt chẽ hơn.
Ngoài ra, để giúp dự án thành công, địa phương cũng cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng khu trồng rau vì hiện nay, nguồn nước tưới cho rau còn rất thiếu, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Ông Hồ Quốc Việt, Giám đốc dự án rau sạch ở Thụy Hương của Công ty Tonkin cho biết thêm: Để bảo đảm đầu ra tốt hơn, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ công ty trong thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT, chứng nhận VietGAP, xây dựng thương hiệu cho vùng rau và hệ thống cửa hàng phân phối sản phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.