Ngày 20-6 (giờ Việt Nam), Liên hợp quốc đã thông qua hiệp ước quốc tế đầu tiên trên thế giới bảo vệ các vùng biển quốc tế. Đây là một thỏa thuận về môi trường mang tính lịch sử được xây dựng nhằm bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng đối với nhân loại.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres gọi sự kiện này là một "thành tựu lịch sử", theo đó tạo ra một khuôn khổ pháp lý cho việc mở rộng phạm vi bảo vệ môi trường ra các vùng biển quốc tế, vốn chiếm 60% diện tích các đại dương trên thế giới. Văn bản của hiệp ước đã được các bên thống nhất vào tháng 3-2023, sau 15 năm thảo luận và 4 năm đàm phán chính thức.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Trưởng đoàn đàm phán khẳng định, thành công ngày hôm nay thể hiện cam kết và quyết tâm mạnh mẽ trong việc đạt được một văn kiện nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng biển ngoài phạm vi tài phán quốc gia.
Đại sứ đánh giá, hiệp định này củng cố hơn nữa Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), đồng thời là dấu mốc mới trong sự phát triển của luật pháp quốc tế và góp phần thực hiện Thập kỷ Liên hợp quốc về khoa học biển phục vụ phát triển bền vững, thực hiện Mục tiêu phát triển thứ 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển bền vững.
Sau khi được Liên hợp quốc thông qua, hiệp ước cần được tối thiểu 60 nước thành viên Liên hợp quốc phê chuẩn để có hiệu lực áp dụng. Giới quan sát nhận định, việc các nước thông qua hiệp ước là không khó, nhưng còn nhiều vấn đề phải thảo luận liên quan việc thực thi văn kiện này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.