(HNM) - Trong thông điệp nhân Ngày quốc tế xóa nghèo, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ngày 17-10, nhấn mạnh, lần đầu tiên sau 2 thập kỷ, tình trạng nghèo đói cùng cực đang gia tăng.
Năm 2020, khoảng 120 triệu người đã rơi vào cảnh nghèo đói khi đại dịch Covid-19 tàn phá các nền kinh tế. Trong khi đó, sự bất bình đẳng về vắc xin đã tạo điều kiện cho các biến chủng mới của vi rút phát triển và hoành hành, khiến thế giới có thêm hàng triệu ca tử vong và kéo dài giai đoạn suy thoái với thiệt hại có thể lên tới hàng nghìn tỷ USD. Do đó, quan chức Liên hợp quốc đã kêu gọi sự phục hồi mang tính chuyển đổi, toàn diện và bền vững từ đại dịch Covid-19 để chấm dứt nghèo đói và tạo ra một thế giới công bằng, phẩm giá và cơ hội cho tất cả mọi người.
Thứ nhất, sự phục hồi phải mang tính chuyển đổi thay vì quay trở lại những bất lợi về cơ cấu và bất bình đẳng đã gây ra tình trạng đói nghèo ngay từ trước đại dịch. Thứ hai, sự phục hồi phải bao trùm để tránh bỏ lại các nhóm dễ bị tổn thương và đẩy các mục tiêu phát triển bền vững ra xa tầm tay. Thứ ba, sự phục hồi phải mang tính bền vững với các mục tiêu về giảm phát thải, đưa phát thải CO2 đến bằng 0.
Ngày 17-10, Bộ Y tế Lào cho biết trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 296 ca mắc và 2 trường hợp tử vong do Covid-19, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh tại Lào lên 32.029 ca, trong đó có 40 bệnh nhân tử vong. Số ca mắc Covid-19 hằng ngày tại Lào có chiều hướng giảm so với những ngày trước đó.
Cơ quan phòng, chống Covid-19 của Nga cho biết, khoảng 45% dân số nước này đã có kháng thể nhờ được tiêm phòng hoặc phục hồi sau khi nhiễm vi rút. Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova cho rằng, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng cần ở mức 80% để bảo đảm khả năng bảo vệ người dân và kỳ vọng tỷ lệ này có thể đạt được vào đầu tháng 11.
Tính đến 23h ngày 17-10, trên toàn thế giới có 241.370.737 ca mắc Covid-19, trong đó có 4.912.707 trường hợp tử vong và 218.583.074 bệnh nhân đã hồi phục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.