(HNM) - Cứ mỗi buổi sáng, từ Liên Châu (Thanh Oai), nhiều xe máy cùng 3-4 ô tô lại nối đuôi nhau vận chuyển gạo, thịt lợn, gia cầm, trứng… cung ứng cho nội thành Hà Nội. Vào xã Liên Châu, đi trên con đường nhựa phẳng lì, hai bên là cánh đồng ô thửa lớn mát mắt, được quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, trở thành mẫu hình nông thôn mới.
Chủ trương đúng và trúng
Là xã thuần nông, Liên Châu có hơn 1.700 hộ với gần 8.500 nhân khẩu lương - giáo. Đồng đất nơi đây thấp trũng được coi là rốn nước của huyện Thanh Oai. Từ năm 2002 về trước, nhiều diện tích chỉ cấy được một vụ lúa bấp bênh, đồng ruộng manh mún, mỗi hộ bình quân từ 5-6 thửa, hộ nhiều có tới 11-12 thửa, năng suất thấp, đời sống khó khăn. "Cái khó ló cái hay", địa phương đã khuyến khích một số hộ dồn điền đổi thửa (DĐĐT) thực hiện mô hình lúa - cá - vịt cho hiệu quả kinh tế cao. Đảng bộ Liên Châu đã có nghị quyết chuyên đề về DĐĐT, tạo đột phá trên vùng đất trũng. Sau khi thực hiện DĐĐT, hiện bình quân mỗi hộ có từ 1-2 ô thửa, thuận lợi cho sản xuất, giảm chi phí sản xuất. Đời sống của nhân dân được cải thiện rõ nét, số hộ khá và giàu tăng.
Đưa chúng tôi đến những trang trại lúa - cá - vịt ở thôn Châu Mai, Phó Chủ tịch xã Đào Quang Huệ cho hay: Ở Liên Châu, từ khi hoàn thành DĐĐT đến nay, trang trại V.A.C "mọc" lên rất nhiều. Cả xã hiện có trên 80 trang trại kết hợp. Có hộ đầu tư cả tỷ đồng quy hoạch, phát triển trang trại. Đáng chú ý là 110ha ruộng ở các cánh đồng Loàn, Bạch Kỳ, Mộc Vật… của xã trước đây chỉ cấy được một vụ lúa bấp bênh nay đã hình thành khu trang trại kết hợp thả cá, chăn vịt, cho giá trị kinh tế cao.
Nhìn cánh đồng Bạch Kỳ, đồng Mộc Vật của thôn Châu Mai phủ kín một màu xanh của chuối, khế, cam, nhãn, khu này có 30 trang trại, nông dân gây dựng từ năm 2003 đến nay đã và đang cho hiệu quả kinh tế rất cao (trên 100 triệu đồng/ha). Trang trại của "triệu phú" Đào Quang Cà, với diện tích 2,3ha ở khu đồng Bạch Kỳ, quy hoạch khá khoa học, khép kín tận dụng tối đa diện tích đất, mặt nước để trồng cây ăn quả, thả cá và nuôi vịt. Anh Cà quy hoạch 2 ao cá thịt và 1 ao cá giống, còn lại anh xây dựng chuồng trại, trồng cây ăn quả. Theo anh Cà, cánh đồng này trước đây cấy được 2 vụ lúa nhưng vụ mùa không chắc ăn vì hằng năm bị úng ngập. Hiện tại, ngoài thả cá, nuôi 2.000 con vịt đẻ, anh còn đầu tư mua 3 máy ấp trứng (công suất 5 vạn trứng/máy/mẻ). Từ mô hình trang trại, gia đình anh thu lãi gần 300 triệu đồng/năm.
Bài học kinh nghiệm
Thực hiện chủ trương dồn ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, từ những năm 1997-1998, Liên Châu đã DĐĐT lần 1 và đến năm 2004-2005, tiếp tục DĐĐT lần 2. Với quyết tâm cao của Đảng bộ và chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân, năm 2005 xã Liên Châu đã hoàn thành DĐĐT, mỗi hộ dân Liên Châu chỉ còn 1-2 ô thửa. Năng suất lúa và giá trị thu nhập trên 1ha canh tác cũng từ đó tăng nhanh. Sản xuất trên cánh đồng ô thửa lớn đã thực sự đem lại cho nông thôn diện mạo mới, HTX đảm nhận 5 khâu dịch vụ sản xuất, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng cao, đời sống người dân cải thiện rõ rệt (bình quân thu nhập đầu người đạt 13 triệu đồng năm 2009), số hộ nghèo giảm. Để có được kết quả đó không dễ, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích, tập quán canh tác và tâm lý của người nông dân muốn có ruộng xa, ruộng gần, ruộng cao, ruộng thấp.
Chủ tịch UBND xã Liên Châu Nguyễn Công Khoái cho biết: Nhờ thực hiện tốt DĐĐT, nông dân đã có sự thay đổi lớn nhận thức về tập quán canh tác, từ chỗ sản xuất nông nghiệp manh mún, sang sản xuất theo hướng hàng hóa, bền vững. Nổi bật nhất là sau khi thực hiện DĐĐT, ruộng đất ở Liên Châu đã được quy hoạch theo vùng chuyên canh thuận tiện cho canh tác, ứng dụng tiến bộ KHKT và đưa cơ giới hóa vào sản xuất, 3 máy kéo lớn, 10 máy kéo nhỏ làm cày bừa làm đất đúng khung thời vụ. Hệ thống 6 trạm bơm tưới, tiêu, kênh mương nội đồng… được đầu tư cải tạo, xây mới vừa phù hợp với địa hình đất đai, đáp ứng nhu cầu canh tác của người nông dân, giải quyết được tình hình tưới, tiêu bất cập trước đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.