Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liêm khiết, không đặc quyền, đặc lợi

Nguyễn Ngọc Tiến| 15/01/2012 08:24

(HNM) - Phu nhân của ông, bà Nhữ Thị Tý kể, năm 1945, mỗi lần có khách, chị em bà phải ứng tiền nhà ra mua sắm, nấu nướng. Sau đó các ông Nguyễn Cơ Thạch (sau làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), Khuất Duy Tiến (Bí thư Thành ủy Hà Nội) đi vay, đi quyên trả gia đình, song nhiều lần không đủ.


Bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội cùng CBCNV tham gia lao động XHCN xây dựng khu tập thể Trương Định.

Tuy nhiên, gia đình bà coi đó là đóng góp chút ít cho cách mạng. Bà nói thêm, khi mới giành được độc lập, nhiều người Hà Nội góp cả ngàn cây vàng như gia đình ông bà Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện và rất nhiều gia đình khác thì số tiền gia đình đóng góp có đáng là bao. Đầu năm 1947, Pháp chiếm Hà Nội, ông cùng gia đình lên chiến khu Việt Bắc, cuộc sống vô cùng thiếu thốn và để chồng yên tâm công tác, bà Nhữ Thị Tý vốn không biết chăn nuôi, trồng trọt đã học cách trồng sắn, nuôi gà, nuôi dê, trồng rau để có cái ăn và đãi khách. Là phu nhân của vị chủ tịch thành phố Hà Nội hơn 20 năm nhưng bà chưa một lần theo chồng xuất ngoại và cũng chưa một lần can dự vào công việc của chồng hay đề nghị điều gì cho bất kỳ ai.

Chủ tịch thành phố Hà Nội tương đương với chức bộ trưởng, nhưng đến năm 1969, cán bộ dưới quyền mới phát hiện ra suốt 15 năm ông chỉ lĩnh lương ngang cấp thứ trưởng. Ông bà có 7 con ruột và nuôi 2 cháu, con của người em trai liệt sĩ nhưng đều do một tay người vợ hiền của ông xoay xở, thu vén. Các con ông cũng đi bộ đội như bao thanh niên Thủ đô khác. Ông Tiến Thành, người may complet cho nhiều đồng chí lãnh đạo từ năm 1955 đến 1980 kể rằng, thấy Chủ tịch Trần Duy Hưng ăn mặc giản dị quá nên ông có ý định may tặng một bộ complet và một bộ sơ mi mặc mùa hè nhưng vừa đặt vấn đề thì Chủ tịch Trần Duy Hưng đã từ chối: "Tôi có tiêu chuẩn vải Nhà nước cấp rồi, tiền lương của anh còn phải để nuôi vợ con chứ, vả lại đất nước còn đang chiến tranh, khó khăn trăm bề, ăn mặc sang trọng sao phù hợp". Nhà đông con, tiêu chuẩn có hạn nhưng bao giờ ông cũng chuẩn bị gói quà và cứ đến giao thừa là tặng chị công nhân vệ sinh đang quét rác khu vực phố Lê Phụng Hiểu. Tháng 7-1959, Hà Nội bắt đầu thực hiện cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh. Em ruột ông có cửa hàng nước mắm nên bị quy vào diện tư sản, tất cả vốn liếng phải bỏ ra để hợp doanh, phải đi nơi khác bán hàng. Người em gái phàn nàn, nhưng ông khuyên em chấp hành, trong khi ông có thể can thiệp. Kể chuyện đó để thấy ông không sử dụng chức quyền để giữ đặc quyền, đặc lợi cho gia đình.

Đam mê âm nhạc và hội họa

Sinh thời nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát kể rằng, vào khoảng đầu những năm 1930, ông đang dạy nhạc tại nhà thì có một thanh niên dáng mảnh khảnh bước vào, muốn xin học nhạc. Sau khi hỏi người thanh niên thích chơi nhạc cụ gì thì ông nhận được câu trả lời: "Tôi muốn chơi loại nhạc cụ có thể dễ dàng mang theo mỗi lần tôi xa Hà Nội" và thế là Nguyễn Xuân Khoát bảo nên học violon. Chỉ trong một thời gian ngắn, Nguyễn Xuân Khoát ngạc nhiên trước năng khiếu và khả năng thẩm âm của người thanh niên này. Sau này ông mới biết chàng thanh niên đó là bác sĩ Trần Duy Hưng, huynh trưởng Hướng đạo sinh miền Bắc và Hà Nội. Mỗi khi về các vùng ngoại thành cùng nhóm Hướng đạo sinh, Trần Duy Hưng kéo đàn các bài hát yêu nước của nhạc sĩ Đinh Nhu và Trần Văn Úc như "Cùng nhau đi hồng binh" hay "Tam bình", "Tiến quân".

Trong những năm tháng máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội và miền Bắc ác liệt, cứ Hà Nội im tiếng súng, lặng tiếng bom là ông lại tận dụng chút thời gian rảnh rỗi hiếm hoi để nghe nhạc. Chủ tịch Trần Duy Hưng có chiếc máy quay đĩa hiệu Gramophone thế hệ 2. Ông thích nhạc cổ điển và thường nghe Beethoven, Liszt, Chopin, Robert Schumann, Tchaikovsky... nhưng ông mê nhất Mozart. Ông không bao giờ nhận quà của ai nhưng ai tặng đĩa hát thì ông nhận. Ông Bùi Dư, nguyên là phóng viên Đài Truyền thanh Hà Nội (nay là Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội) kể rằng, cuối năm 1971, ông cùng với nhà văn Vũ Bão, nhà thơ Tô Hà đi theo đoàn văn nghệ xung kích thành phố vào biểu diễn ở mặt trận Đường 9 - Nam Lào, trước khi đoàn lên đường, Bùi Dư và Vũ Bão đến nhà Chủ tịch Trần Duy Hưng đúng lúc ông đang đắm mình trong giai điệu bản "Sonat ánh trăng" của Betthoven. Chờ cho bản nhạc kết thúc, cả hai mới bước vào thưa chuyện liền bị ông "mắng": "Chuyện quan trọng thế sao không vào luôn lại còn chiều tớ nghe hết bản nhạc", Bùi Dư và Vũ Bão chỉ biết cười. Ông căn dặn phải có các bài hát dân tộc. Khi đoàn mang theo băng thu tiếng ông để mở cho các chiến sĩ Hà Nội nghe thì Sư trưởng Nguyễn Chơn đã xúc động vì ông được nghe nhiều điều tốt đẹp nhưng chưa bao giờ nghe tiếng nói Hà Nội của Chủ tịch Trần Duy Hưng nói. Không chỉ yêu âm nhạc, Chủ tịch Trần Duy Hưng còn rất mê hội họa. Nhiều họa sĩ đã vẽ và tặng tranh bởi họ biết ông rất trân trọng tác phẩm của họ.

Yêu Hà Hội

Tháng 7-1945, bác sĩ Trần Văn Lai làm Thị trưởng Hà Nội của Chính phủ Trần Trọng Kim, việc làm đầu tiên của ông là cho giật đổ những tượng đài mang tính thực dân như: Tượng "Bà đầm xòe" ở Vườn hoa Cửa Nam, tượng Paul Bert ở Vườn hoa Paul Bert (nay là Vườn hoa Lê Thái Tổ)... đồng thời đặt lại nhiều tên phố. Chỉ 3 tháng sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 1-12-1945, Chủ tịch Ủy ban hành chính Trần Duy Hưng đã ký tờ trình về việc đặt tên phố và Công viên Hà Nội. Tên phố được đặt theo nguyên tắc: Giữ nguyên tên cũ của Hà Nội "36 phố phường"; đường phố Hà Nội mang tên các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, các nhà cách mạng cũ và mới; các tên phố và vườn hoa trong từng khu vực có liên hệ với nhau; các vĩ nhân danh tiếng nhất đặt phố to nhất và được chia ra từng khu vực có liên quan đến nhau. Không theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, ông cũng đề nghị lấy tên các danh nhân ngoại quốc có mối liên hệ với Việt Nam để đặt tên phố. Tên một số phố do Thị trưởng Trần Văn Lai cho đổi tên vẫn được giữ nguyên.

Còn với các con, vào những lúc rảnh rỗi, ông thường đưa con đến gò Đống Đa bằng tàu điện, kể cho con nghe về chiến thắng oai hùng của Vua Quang Trung đánh bại quân Thanh xâm lược. Trần Tiến Đức, con trai của bác sĩ Trần Duy Hưng kể rằng: "Tháng 10-1946, hầu hết dân ở khu vực phố cổ tản cư để tránh đạn của quân Pháp, đồng thời cũng để các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô lấy phố làm chiến lũy, gia đình tôi cũng tản cư vào Hà Đông. Dù tình hình nguy cấp, công việc rối bời nhưng cha tôi đưa tôi vào Hà Đông bằng xe máy và là cán bộ cách mạng, ông biết có thể phải xa Hà Nội rất lâu nên ông chở tôi một vòng quanh Hồ Gươm, đi qua cả những chiến lũy mới dựng". Nếu không có một tâm hồn, một tình yêu Hà Nội mãnh liệt thì không thể có việc làm như vậy.

Một chuyện khác về tình yêu Hà Nội của ông là năm 1966, khi trận bão lớn tràn qua Hà Nội, một con rùa bị thương bò lên đường Lê Thái Tổ, cán bộ ngành thương nghiệp muốn giết thịt, hay tin, ông chạy bộ từ trụ sở Ủy ban hành chính TP qua chỉ đạo bằng mọi cách phải cứu sống con rùa, nhưng không may con rùa bị thương quá nặng nên không thể cứu sống được. Ông Trần Đắc Thọ, người từng làm Chánh Văn phòng ủy ban sau này kể rằng, ông Trần Duy Hưng buồn mấy ngày, bởi rùa ở Hồ Gươm là truyền thuyết mà không người Việt Nam nào là không biết.

Nhận định về ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: "Một con người của nhân dân, vì nhân dân; là một trí thức để lại tấm gương sáng cho các thế hệ trí thức cả hôm nay và mai sau học tập, noi theo". Ghi nhận công lao của ông, năm 2005, Nhà nước đã truy tặng ông Huân chương Hồ Chí Minh. Tháng 1-1999, một con đường đẹp ở phía tây Thủ đô mới được mở trong thời kỳ đổi mới mang tên ông: phố Trần Duy Hưng. Các đường phố quanh đó mang tên những người đã từng lãnh đạo Hà Nội như Nguyễn Ngọc Vũ, Lê Văn Lương, Nguyễn Khang, Khuất Duy Tiến. Đó là sự ghi nhận công lao của "thế hệ vàng cách mạng Việt Nam".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liêm khiết, không đặc quyền, đặc lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.