(HNM) - Trong thời điểm khó khăn do đại dịch Covid-19, nhiều cán bộ ở các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã không quản ngại khó khăn, vất vả trong việc thống kê, tổng hợp, điều phối và "lên sóng" online hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Việc làm kịp thời, ý nghĩa này đã giúp người dân yên tâm hơn trong thời điểm khó khăn, đồng thời mở ra hướng đi mới trong xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu nông sản.
Khi cán bộ vào cuộc “chốt đơn”...
Anh Nguyễn Hữu Hiếu (tổ dân phố An Lạc, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm) có 700m2 trồng nhãn. Thời điểm thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch lại trùng vào mùa thu hoạch nhãn. Anh Hiếu rất lo lắng bởi vườn nhãn không có thương lái đến hỏi mua như mọi năm. Không riêng gia đình anh Hiếu, 30 hộ trồng nhãn ở thị trấn Trâu Quỳ cũng "ngồi trên đống lửa", bởi với khoảng 20ha, sản lượng 300 tấn, trong bối cảnh dịch bệnh việc tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Nắm bắt sớm nỗi lo của nông dân, cán bộ ngành Nông nghiệp huyện Gia Lâm đã vào cuộc. Theo đó, tại Diễn đàn trực tuyến Hà Nội 2021 - Kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn, do thành phố Hà Nội tổ chức đầu tháng 9-2021, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Hoàng Thị Thúy Nga đã “lên sóng” online (trực tuyến) để bán nông sản. Tại đây, chị Nga giới thiệu 4 sản phẩm nông nghiệp của huyện Gia Lâm đang cần hỗ trợ tiêu thụ ngay, trong đó có quả vải ở thị trấn Trâu Quỳ, xã Yên Thường; cải củ của xã Lệ Chi; rau mùi tàu ở xã Đông Dư... “Toàn bộ nông sản đều bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và có giá rất “mềm”, lại do chính lãnh đạo địa phương đứng ra bán hàng nên tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Cứ thế, những đơn hàng được “chốt” nhiều dần lên…”, chị Hoàng Thị Thúy Nga thông tin thêm.
Với cách làm trên, niềm vui đã đến với bà con nông dân huyện Gia Lâm. Hiện gia đình anh Nguyễn Hữu Hiếu (tổ dân phố An Lạc, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm) đã cơ bản bán hết 15 tấn nhãn của vụ này. Khoảng 70% sản lượng nhãn của 30 hộ gia đình ở thị trấn Trâu Quỳ cũng đã được tiêu thụ và số còn lại sẽ được bán hết trong những ngày tới. "Trong lúc khó khăn như thế này, việc tiêu thụ được nông sản khiến chúng tôi rất vui mừng", anh Hiếu chia sẻ.
Cũng chung cách làm, sáng 7-9, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND xã Song Phương (huyện Hoài Đức) Nguyễn Thị Dung rất phấn khởi bởi vừa "chốt" được đơn hàng online bán ở khu vực nội thành Hà Nội, với số lượng 10 tấn rau xanh và các loại trái cây cho nông dân của xã.
“Những ngày qua, chúng tôi tới từng hộ dân thống kê, khảo sát các loại nông sản đến kỳ thu hoạch. Sau đó, gửi thông tin từng loại nông sản về huyện Hoài Đức để được huyện điều phối tiêu thụ. Mặt khác, với các mối quan hệ cá nhân, lãnh đạo xã “bắt mối” online với đại diện các địa phương bạn, ban quản lý các tòa nhà chung cư… để chào hàng. Công việc nhiều, ai nấy đều mệt, song tất cả bảo nhau cùng cố gắng để tiêu thụ hết nông sản cho bà con”, Phó Chủ tịch UBND xã Song Phương Nguyễn Thị Dung nói.
Chia sẻ về việc làm kịp thời của lãnh đạo địa phương, bà Nguyễn Thị Chỉ ở thôn 1, xã Song Phương (huyện Hoài Đức) nói: “Trước đây, rau của nhà tôi có thương lái thu mua tại ruộng. Từ khi thực hiện giãn cách xã hội việc bán hàng khó khăn hơn, vì thế, được xã hỗ trợ đưa nông sản đi tiêu thụ chúng tôi rất mừng. Tôi vừa thu hoạch 70kg mướp hương, cà tím, dưa chuột… và đã được xã tìm mối tiêu thụ hết”.
Chủ động tiêu thụ nông sản cho nông dân
Hiện nay, huyện Hoài Đức có 1.117ha gieo trồng vụ hè thu đang đến kỳ thu hoạch, trong đó có 638ha rau, củ, quả; 145ha nhãn; 334ha ổi... tập trung ở các xã: Vân Côn, Song Phương, Tiền Yên, Cát Quế, Minh Khai, Vân Canh... Sản lượng rau, củ, quả toàn huyện đạt khoảng 50 tấn/ngày. Xác định nhiệm vụ tiêu thụ nông sản cho nông dân là rất quan trọng trong thời gian thực hiện giãn cách nên từ ngày 4-8, huyện Hoài Đức đã thành lập Tổ điều phối các mặt hàng nông sản, thực phẩm.
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến, Tổ phối hợp với chính quyền các xã thống kê những mặt hàng nông sản trên địa bàn để luân chuyển, điều phối giữa các địa phương, bảo đảm sản phẩm thu hoạch tới đâu tiêu thụ tới đó. “Sau hơn một tháng hoạt động, Tổ điều phối đã giúp nông dân tiêu thụ hơn 440 tấn rau các loại; hơn 118 tấn nhãn, ổi; 222.000 cây rau giống; 336.000 quả trứng gà, vịt…”, ông Cao Văn Tuyến thông tin.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Hoàng Thị Thúy Nga cho hay: "Nhờ việc đa dạng hóa các hình thức bán hàng, trong đó có bán hàng trực tuyến mà trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản của huyện không bị đứt gãy. Huyện Gia Lâm đang tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng cùng các xã, thị trấn khảo sát để chủ động có phương án giúp người dân tiêu thụ nông sản trong thời gian tới".
Cũng như huyện Hoài Đức và Gia Lâm, hiện ở khu vực ngoại thành, tình hình sản xuất - tiêu thụ nông sản cơ bản duy trì ổn định. Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với các sở, ngành liên quan thường xuyên trao đổi, làm việc với các đơn vị thu mua nông sản; đẩy mạnh chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu các mặt hàng nông sản tại thị trường trong nước một cách hiệu quả. Đặc biệt, vai trò của cán bộ địa phương được thể hiện khi chủ động liên hệ, mời gọi khách hàng, đối tác cùng vào cuộc để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho nông dân”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, từ nay đến cuối năm, trên địa bàn thành phố còn nhiều loại nông sản vào vụ thu hoạch. Bên cạnh mặt hàng rau, hoa, từ nay đến tháng 10-2021 là vụ nhãn chín muộn với diện tích khoảng 1.020ha, sản lượng dự kiến hơn 8.065 tấn; bưởi sẽ thu hoạch từ nay đến tháng 1-2022 với 5.330ha, sản lượng 90.600 tấn; chuối thu hoạch từ nay đến tháng 12-2021 với 1.640ha, sản lượng hơn 41.300 tấn… "Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cùng tinh thần chủ động của bà con nông dân, sự vào cuộc kịp thời, trách nhiệm của các cấp chính quyền, hội đoàn thể và nhất là cán bộ ở địa phương sẽ giúp nông dân tiêu thụ nông sản hiệu quả, đồng thời mở ra hướng đi mới trong xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu nông sản", ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.