Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lễ thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại qua lời kể của nhà thơ Huy Cận

Theo VnExpress| 30/08/2015 20:22

Sau nghi thức trao ấn kiếm khá đơn giản chiều 30/8/1945, hoàng đế Bảo Đại đã đọc bản Chiếu thoái vị ngay trên tầng 2 của Ngọ Môn và chính nhà thơ Cù Huy Cận đã gắn huy hiệu công dân lên ngực áo cựu hoàng.

Nhà thơ Cù Huy Cận tại Hội thảo ở Huế năm 2000. Ảnh: Tiến sĩ Sử học Phan Thanh Hải cung cấp.


Trong hai ngày 28-29/7/2000, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị tuồng cung đình Huế". Đây là hội thảo rất đặc biệt của đất cố đô, vì lần đầu tiên cuộc hội thảo tại địa phương lại quy tập được đông đảo nhà quản lý, nhà nghiên cứu về văn hóa, sử học với những cây đại thụ như các giáo sư Trần Văn Khê, Vũ Khiêu, Hoàng Châu Ký, Hoàng Chương, Hoàng Trinh, Nguyễn Lộc, nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm...

Nhưng một sự kiện đặc biệt khác ở bên lề hội hội thảo đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Đó là việc nhà thơ Cù Huy Cận, vị khách mời danh dự, theo gợi ý của Ban tổ chức, đã mời tất cả đại biểu cùng ông lên tầng 2 của lầu Ngũ Phụng - Ngọ Môn để ôn lại câu chuyện cách đó 55 năm - sự kiện hoàng đế Bảo Đại thoái vị và trao ấn kiếm cho đại diện của chính phủ cách mạng lâm thời.

Ngày đó nhà thơ Cù Huy Cận đã 84 tuổi (sinh năm 1917 nhưng giấy khai sinh đề năm 1919) và vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn. Ông thoăn thoắt trèo lên tầng 2 của Ngọ Môn. Trước sự chứng kiến của đông đảo học giả, nhà thơ đã xúc động kể lại câu chuyện mà ông đã tham gia với tư cách một nhân chứng lịch sử, cũng là một sự kiện đặc biệt của lịch sử cách mạng Việt Nam…

Lầu Ngũ Phụng (Ngọ Môn) nơi diễn ra lễ thoái vị của vua Bảo Đại chiều 30/8/1945.
Ảnh: Nguyễn Đông.


Theo nhà thơ, với sự vận động và chuẩn bị chu đáo của phía cách mạng thông qua vai trò của Đổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe, hoàng đế Bảo Đại đã hoàn toàn chấp thuận tham gia lễ thoái vị được tổ chức tại Ngọ Môn trước đông đảo tầng lớp nhân dân.

Ngọ Môn là cổng chính của Hoàng thành Huế, đây là cổng thành to lớn và đẹp nhất của kinh đô Huế do hoàng đế Minh Mạng cho xây dựng từ năm 1833. Ngọ Môn cũng là nơi tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng nhất của triều Nguyễn như lễ đăng quang (lễ lên ngôi), lễ truyền lô (xướng danh tân tiến sĩ), lễ đón mừng năm mới, lễ đón tiếp sứ thần các nước lân bang…

Ngày 30/8/1945, một cuộc mít tinh và biểu dương lực lượng của hàng trăm nghìn người thuộc các tầng lớp xã hội do chính quyền cách mạng tổ chức tại quảng trường Ngọ Môn đã tạo nên khí thế vô cùng sôi động chưa từng có ở Huế.

Ngay tại tầng 2 của lầu Ngũ Phụng, phái đoàn đại diện của chính quyền cách mạng gồm các ông Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận đã thực hiện nghi thức nhận ấn, kiếm từ chính quyền vua Bảo Đại. Theo nhà thơ Cù Huy Cận, chiếc ấn vàng của triều Nguyễn rất nặng nên ai cũng bất ngờ khi nâng nó (đây là ấn Hoàng Đế Chi Bảo, đúc năm Minh Mạng thứ 4 - 1823, trọng lượng hơn 282 lượng vàng, tức gần 11 kg). Còn chiếc kiếm chuôi nạm ngọc, nằm trong vỏ bằng bạc mạ vàng khi ông thử rút ra thì thấy lưỡi thép đã có những vết hoen gỉ.

Sau nghi thức trao ấn kiếm đơn giản, hoàng đế Bảo Đại đã đọc Chiếu thoái vị chính thức tuyên bố từ bỏ ngai vàng để trở thành công dân của nước Việt Nam mới, dân chủ. Trong bản chiếu có câu nổi tiếng: "Trẫm nguyện làm dân một nước tự do hơn là làm vua của một nước nô lệ". Sau đó, nhà thơ Cù Huy Cận đã thay mặt cho chính quyền cách mạng gắn huy hiệu công dân lên ngực áo cựu hoàng.

Ấn Hoàng Đế Chi Bảo vua Bảo Đại trao lại tại lễ thoái vị chiều 30/8/1945. Ảnh: Tiến sĩ Sử học Phan Thanh Hải cung cấp.


Có một chi tiết không nhiều người biết là trước khi diễn ra buổi lễ này, đại diện của chính quyền cách mạng đã có buổi hội kiến trước với hoàng đế Bảo Đại tại điện Kiến Trung. Tại buổi hội kiến này, hoàng đế Bảo Đại không chỉ đồng ý tổ chức lễ thoái vị vào ngày 30/8 mà còn thống nhất chuyển giao toàn bộ tài sản quý giá của vương triều cho chính quyền cách mạng, chỉ yêu cầu được giữ lại cung An Định (là cung điện riêng do vua Khải Định xây dựng bên bờ sông An Cựu) và các lăng tẩm của tổ tiên.

Chính vì vậy sau lễ thoái vị, phái đoàn của chính quyền cách mạng đã cho chuyển gần 3.000 món bảo vật quý giá (bao gồm ấn tín bằng vàng bạc, ngọc ngà, những cổ vật quý giá, những tặng phẩm ngoại giao…) ra miền Bắc. Trải qua bao năm chiến tranh với vô vàn khó khăn gian khổ, nhưng số bảo vật này vẫn được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Hiện nay, số cổ vật quý giá này đã được bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia để bảo quản, trưng bày nhằm phục vụ đông đảo nhân dân.

Tròn 70 năm đã trôi qua kể từ ngày diễn ra sự kiện lịch sử, nhà thơ Huy Cận cũng đã đi xa, nhưng những lời kể với tư cách một nhân chứng lịch sử của ông cách đây 15 năm vẫn khiến nhiều người nhớ mãi.

Phan Thanh Hải
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại qua lời kể của nhà thơ Huy Cận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.